Đà Nẵng giảm áp lực quá tải hạ tầng ven biển ra sao?
Hệ thống nhà hàng, khách sạn và cao ốc phát triển quá “nóng” ven biển phía Đông Đà Nẵng đang đặt áp lực lớn lên hạ tầng giao thông, cấp thoát nước. Thực trạng này dẫn tới thiếu nước sinh hoạt, nước thải tràn ra biển, giao thông ùn ứ... cản trở lớn tới phát triển dịch vụ du lịch bền vững. Đà Nẵng đã và sẽ triển khai giải pháp gì để giải tỏa áp lực này?
Hệ thống nhà hàng, khách sạn ven biển phía Đông Đà Nẵng phát triển quá “nóng” dẫn tới quá tải hạ tầng giao thông, cấp thoát nước. |
Hệ lụy từ phát triển quá “nóng”
Khu vực ven biển phía Đông Đà Nẵng, nơi tập trung nhiều cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ có diện tích khoảng 1.130 ha (Sơn Trà 654 ha, Ngũ Hành Sơn 476 ha). Do tốc độ phát triển du lịch nhanh nên khu vực này hình thành hệ thống khách sạn, cao ốc ở các tuyến đường chính với mật độ dày đặc. Một số công trình đang trong quá trình xây dựng có quy mô rất lớn, dự kiến sau khi hình thành sẽ gây áp lực không nhỏ đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực, đặc biệt là cấp nước sạch và thu gom, xử lý nước thải, đậu đỗ xe... Chỉ với riêng các nhà hàng, khách sạn đã khai thác thì hiện nay một số khu vực ven biển như Phước Mỹ, An Thượng áp lực giao thông, cấp thoát nước đã cực kỳ căng thẳng. Thống kê cho thấy, khu vực Sơn Trà có 300 cơ sở lưu trú, tổng số phòng hơn 13.200 phòng; 120 nhà hàng lớn trên các trục đường chính. Tương tự, khu vực ven biển phía Đông TP thuộc Ngũ Hành Sơn có 140 cơ sở lưu trú, tổng số 5.400 phòng, 130 nhà hàng lớn.
Với lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng dày đặc như vậy, vào mùa du lịch cao điểm, khu vực này liên tục bị áp lực về chỗ đậu đỗ ô-tô, cấp nước sinh hoạt. Thống kê cho thấy, diện tích bãi đỗ xe công cộng và vịnh đậu xe (trong đó phần lớn là bãi đỗ xe tạm thời) tại Q. Sơn Trà hơn 61 ngàn m2, Q.Ngũ Hành Sơn hơn 23 ngàn m2. Vào mùa cao điểm du lịch, bãi đỗ xe diện tích như vậy luôn quá tải, xe đậu tràn ra các tuyến đường, gây áp lực làm giảm năng lực lưu thông.
Tuy nhiên, áp lực lớn hơn với khu vực ven biển phía Đông TP là việc thu gom, xử lý nước thải luôn bị quá tải, nước thải tràn ra biển, tác động tiêu cực đến ngành du lịch. Hiện tại, hệ thống thoát nước khu vực ven biển phía Đông dùng chung cho nước mưa và nước thải. Khi đến vị trí cửa xả, nước thải được tách bằng cấu trúc tách dòng CSO và dẫn về các trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý thông qua các trạm bơm. Khi xảy ra mưa, nước thải và nước mưa hòa trộn và xả ra biển tại vị trí các cửa xả thoát nước. Khả năng thu gom nước thải của toàn bộ hệ thống được quyết định chủ yếu thông qua công suất vận hành của các trạm bơm và đường ống chuyển tải nước thải. Tuy vậy, đoạn từ khách sạn Furama đến đường Huyền Trân Công Chúa chưa có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa và nước thải chảy trực tiếp ra biển. Đoạn từ đường Huyền Trân Công Chúa đến tỉnh Quảng Nam chưa có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa và nước thải được chảy về sông Cổ Cò.
Chia sẻ tại diễn đàn kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng mới đây, ông Nguyễn Thành Tiến- Trưởng Ban Đô thị nói rằng công tác khắc phục nước thải tràn ra biển hay việc xử lý ô nhiễm biển, sông hồ trên địa bàn TP còn thụ động, chưa có giải pháp căn cơ. Ven biển Q. Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn có rất nhiều nhà hàng, khách sạn đang hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên công tác quản lý, kiểm soát việc xả thải của các cơ sở này vẫn còn buông lỏng, chưa có chế tài xử lý hiệu quả… Rõ ràng hạ tầng ven biển đang gánh áp lực rất lớn vì phát triển quá “nóng” và biển Đà Nẵng đang phải chịu hệ lụy từ việc quá tải, nước thải và nước mưa tràn ra biển, thậm chí do chính các nhà hàng, khách sạn xả thải ra.
Một cửa xả nước thải sinh hoạt và nước mưa tràn ra biển Mỹ Khê. |
Từng bước giảm áp lực
Trước thực trạng trên, việc triển khai các giải pháp đầu tư hạ tầng giao thông, thoát nước trong khu vực trở nên cấp bách. Song với đó phải kiểm soát được các dự án nhà hàng khách sạn mới đúng quy hoạch và phải có bãi đỗ xe theo quy định. Tuyệt đối không để tình trạng quy hoạch chạy theo dự án. Hiện TP đã quy hoạch xây dựng tại khu vực này 9 bãi đỗ xe tập trung (Sơn Trà 7, Ngũ Hành Sơn 2). Trước mắt, để giải quyết kịp thời nhu cầu đậu đỗ xe du lịch ven biển sẽ thi công bàn giao 5 bãi đỗ xe tạm. Một vấn đề nóng bỏng hơn cần cấp bách giải quyết với khu vực đó là thu gom, xử lý nước thải. Hiện TP đang triển khai dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông Q. Sơn Trà (đoạn từ bán đảo Sơn Trà đến đường Phạm Văn Đồng). Theo đó sẽ đầu tư các tuyến cống thoát nước có kích thước lớn (từ D1800 đến D2400) và nâng cấp Trạm XLNT Sơn Trà thêm 40.000 m3/ngày đêm, đáp ứng tổng công suất lên đến 65.500 m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Sau khi hình thành, dự án có khả năng thu gom được khoảng 30.000m3/ngày đêm đối với lưu vực này, đến năm 2020 dư khoảng 14.100m3/ngày đêm, tương ứng với 78.300 người dùng nước (bao gồm cả dân cư tại chỗ và khách du lịch). Ngoài ra, dự án này cũng xây dựng hệ thống thu gom nước thải (tách và thu gom nước thải riêng hoàn toàn) lưu vực cửa xả Mỹ Khê - Mỹ An (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Huyền Trân Công Chúa). Hệ thống này có khả năng sẽ thu gom được lượng nước thải khoảng 32.000m3/ngày đêm, đến năm 2020 dư khoảng 5.500m3/ngày đêm, tương ứng với 30.600 người dùng nước (bao gồm cả dân cư tại chỗ và khách du lịch). Dự kiến tháng 4-2020 hệ thống này sẽ được đưa vào vận hành. Đặc biệt, trong dự án này cũng xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và chuyển tải nước mưa về sông Hàn (đoạn từ đường Hồ Xuân Hương đến đường Huyền Trân Công Chúa). Dự án sẽ góp phần giải quyết triệt để vấn đề môi trường do nước thải gây ra tại khu vực.
Bên cạnh xây dựng hệ thống thoát nước, bãi đỗ xe để giảm áp lực hạ tầng, Đà Nẵng cũng quản lý chặt các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn không để tình trạng xả thải ô nhiễm ra biển. Theo ông Tô Văn Hùng- Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, vừa qua TP đã kiểm tra 153 cơ sở, trong phạm vi 61 cơ sở cấp phép DTM do Sở quản lý thì đã phát hiện, xử phạt 11 đơn vị, 770 triệu đồng. Sở cũng đã tập huấn cho 290 cơ sở lưu trú khách sạn về giải pháp đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải, theo đó sẽ xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, cần thiết sẽ đóng cửa.
HẢI QUỲNH