Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng “giảm sâu” 4 tiêu chí khi tinh giản biên chế

Thứ ba, 10/12/2019 07:53

Ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ vừa có báo cáo gửi HĐND TP kết quả thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành T.Ư về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (sau đây gọi là Nghị quyết số 19) năm 2019. Số liệu mới nhất cho thấy Đà Nẵng đã đạt nhiều con số ấn tượng trong công tác tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách nhưng đảm bảo bộ máy vận hành hiệu quả.

Người dân giải quyết công việc tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng.

Giảm người, giảm chi ngân sách, tăng hiệu quả

Để cụ thể hóa các nhiệm vụ nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Đề án Sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021. Đề án xác định công tác sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập gồm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính là rà soát, sắp xếp lại và đổi mới tổ chức, hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã hoàn thành sắp xếp 59 đơn vị sự nghiệp công lập, vượt số lượng dự kiến 10 đơn vị. Quan trọng hơn là quá trình thực hiện đã tuân thủ tiêu chí “4 giảm”. Cụ thể đã giảm được 32 đơn vị sự nghiệp công lập, 91 đơn vị cấp phòng; giảm 103 vị trí lãnh đạo, quản lý; thu hồi 73 chỉ tiêu số lượng người làm việc, giải quyết cho 36 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc ngay theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, chấm dứt hợp đồng lao động đối với 21 người. Về kinh phí từ ngân sách, trong giai đoạn 2017-2019 TP đã giảm chi ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập so với dự toán đầu năm hơn 242 tỷ đồng.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, công tác sắp xếp được triển khai khoa học, thực chất, không sáp nhập cơ học mà dựa trên phương án danh mục vị trí việc làm, số lượng người làm việc cần thiết và cơ cấu viên chức do sở chủ quản đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng khi xây dựng đề án sắp xếp. Những người không đủ tiêu chí theo yêu cầu của bảng mô tả vị trí việc làm hoặc có nguyện vọng nghỉ do sắp xếp tổ chức bộ máy được giải quyết nghỉ theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP hoặc chấm dứt hợp đồng lao động khi có quyết định sắp xếp của cơ quan có thẩm quyền. Thời gian đầu triển khai Đề án, công tác sắp xếp gặp không ít khó khăn do tâm lý e ngại va chạm. Nhiều đơn vị muốn lùi thời gian sắp xếp hoặc muốn sắp xếp cơ học để tránh tác động đến vị trí lãnh đạo, quản lý, không muốn bị cắt giảm số lượng người làm việc và vị trí việc làm do dôi dư khi sắp xếp. Tuy vậy, với quyết tâm tinh gọn bộ máy của hệ thống đơn vị sự nghiệp, các cơ quan, đơn vị đã triển khai nghiêm túc. “Theo dự kiến số lượng người làm việc tại các đơn vị thuộc UBND TP Đà Nẵng quản lý tính đến năm 2020 sẽ giảm 2.124 người so với năm 2015, tương đương 10,76%, cao hơn mức tối thiểu là 10% theo quy định“, ông Đồng cho biết.

Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, đến cuối năm 2019, đã có 22 sở ngành, 7 quận, huyện và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố hoàn thành phê duyệt Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021. Các đầu mối đã xác định cụ thể, đảm bảo tỷ lệ và lộ trình tinh giản từng năm trong giai đoạn 2015-2021 theo chỉ đạo của T.Ư. Song song với đó, Đà Nẵng đẩy mạnh 10% tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị có nguồn thu tốt chuyển sang tự chủ chi thường xuyên, cơ chế đặt hàng. Các đơn vị sự nghiệp dịch vụ, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác thực hiện thu hồi theo lộ trình tinh giản biên chế. Đến nay, có 8 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên đã được UBND TP ban hành Quyết định thành lập Hội đồng quản lý, cụ thể: Nhà khách UBND TP, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, Trung tâm Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Trường Trung cấp Nghề giao thông công chính Đà Nẵng, Cty Khai thác và Phát triển hạ tầng KCN Đà Nẵng, Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, Cty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng.

Vẫn còn vướng

Theo đánh giá của Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, TP đã tích cực triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, định mức kinh tế - kỹ thuật cũng như triển khai thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên thuộc phạm vi quản lý đồng thời chủ động với nhiều giải pháp trong xã hội hóa dịch vụ công. Đề án Vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp tự chủ được UBND TP chỉ đạo và có các giải pháp triển khai cụ thể để các cơ quan, đơn vị thực hiện, có sản phẩm phê duyệt trong năm là cơ sở cho công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức, người lao động.

Tuy nhiên, theo ông Võ Ngọc Đồng, quá trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng này ở cấp địa phương cũng gặp phải một số khó khăn. Điều này xuất phát từ việc tổ chức thực hiện từ các bộ, ngành T.Ư vẫn chưa có sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời. Việc thể chế hóa các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế còn chậm trễ, các bộ, ngành thiếu sự chỉ đạo cụ thể đối với cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực ở địa phương về định hướng sắp xếp, mô hình phát triển ngành. Nhiều vướng mắc về cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập kéo dài nhưng chưa có hướng dẫn, quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trên thực tế còn bị ràng buộc bởi nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau. Cạnh đó, cơ sở pháp lý cho việc chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm chưa đầy đủ làm chậm quá trình cải cách bộ máy.

Một trong những khó khăn mà quá trình thực hiện nhiệm vụ vướng phải là trong năm 2015, các bộ ngành hoàn thành tham mưu Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trên từng lĩnh vực, quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Tuy nhiên, đến nay các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành ban hành chưa kịp thời, chưa đầy đủ dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý. Điều này khiến các sở, ngành lúng túng trong tham mưu ban hành các quy định. T.Ư chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dẫn đến khó khăn và chưa có cơ sở để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho các lĩnh vực tại địa phương. Cạnh đó công tác đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công thường tập trung vào tiêu chí về tài chính, ít quan tâm đến chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ công. Điều này xuất phát từ việc thiếu các quy định tiêu chí, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định tiêu chuẩn chất lượng dịch sự nghiệp vụ công. Ngoài ra lãnh đạo của một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa mạnh dạn, chưa sẵn sàng cung cấp các dịch vụ mang tính cạnh tranh, còn đặt nặng việc giao biên chế, xem đây là cơ sở để đảm bảo tâm lý ổn định cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình.

“Để thuận lợi, hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19, Chính phủ cần sớm chỉ đạo các bộ, ngành ban hành văn bản để quy định, thay thế các văn bản liên quan đến công tác quản lý trên các lĩnh vực tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc, viên chức, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành. Đặc biệt là các văn bản liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ, giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, để địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện”, ông Đồng kiến nghị.

CÔNG KHANH