Đà Nẵng giữ quan điểm không cho các tuyến xe buýt liền kề vào trung tâm thành phố
Liên quan đến việc TP Đà Nẵng có chủ trương điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng theo hướng không đi vào trung tâm TP Đà Nẵng, thời gian qua, ngành chức năng và Hiệp hội ô-tô tỉnh Quảng Nam đã có kiến nghị, thậm chí có đơn “kêu cứu” Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Hiệp hội ô-tô Việt Nam... nhờ can thiệp. Tuy nhiên, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo 2 địa phương vào ngày 30-11-2020, chính quyền TP Đà Nẵng đã một lần nữa đưa ra quan điểm cuối cùng về vấn đề này.
TP Đà Nẵng đã có ý kiến cuối cùng là thống nhất không cho các tuyến xe buýt liền kề vào trung tâm TP. |
Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, trước việc HĐND TP Đà Nẵng thông qua chủ trương không cho phép các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng vào trung tâm TP Đà Nẵng, thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải khai thác các tuyến buýt liền kề, Hiệp hội ô-tô 2 địa phương không thống nhất chủ trương này và đã có đơn kêu cứu Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Hiệp hội ô-tô Việt Nam...
“Qua ý kiến của Hiệp hội ô-tô Việt Nam và kết quả khảo sát điều tra xã hội học của Sở GTVT Quảng Nam cho thấy, mặc dù chất lượng dịch vụ chưa được tốt nhưng các tuyến buýt liền kề đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân 2 địa phương, phù hợp với nguyện vọng của đa số hành khách là muốn các tuyến buýt liền kề tiếp tục đi vào trung tâm TP Đà Nẵng để thuận lợi trong việc đi lại của người dân (qua khảo sát lấy ý kiến có 93,7% phiếu thống nhất kiến nghị UBND TP Đà Nẵng tiếp tục cho các tuyến buýt liền kề đi vào trung tâm TP và yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư nâng cấp xe, nâng cấp chất lượng dịch vụ- NV)”, lãnh đạo Sở GTVT cho biết. Đồng thời nêu kiến nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng xem xét, thống nhất chủ trương tiếp tục cho các tuyến buýt liền kề vào trung tâm TP Đà Nẵng (có điều chỉnh lộ trình phù hợp với các tuyến buýt nội đô TP), giao chính quyền 2 địa phương chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp xe buýt, đổi mới mô hình quản lý để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo tương đương với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ các tuyến buýt nội đô TP Đà Nẵng...
“Trường hợp không thống nhất, đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thống nhất chủ trương giao Sở GTVT 2 địa phương nghiên cứu tổ chức các tuyến buýt chạy nội tỉnh có tính khớp nối cao để thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân 2 địa phương”, trích kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, đại diện Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn TP hiện có 5 tuyến xe buýt liền kề Đà Nẵng - Quảng Nam. Cụ thể, tuyến số 1 (Đà Nẵng - Hội An), tuyến số 3 (Đà Nẵng - Ái Nghĩa), tuyến số 4 (Đà Nẵng - Tam Kỳ), tuyến số 6 (Đà Nẵng - Phú Đa), tuyến số 9 (Đà Nẵng - Quế Sơn). Với 8 đơn vị vận tải tham gia vận hành, trong đó Đà Nẵng có 2 đơn vị là Công ty CP Xe khách và DVTM Đà Nẵng (26 xe, sản xuất từ năm 2009-2010) và HTX DVVT Hải Vân (21 xe, sản xuất từ năm 2009-2010); Quảng Nam có 6 đơn vị với số lượng 53 xe (sản xuất từ năm 2009-2010). Tuyến số 1, 2 và 3 hoạt động từ năm 2005; tuyến số 6 hoạt động từ năm 2011 và tuyến số 9 hoạt động từ 2013.
Theo phản ánh của người dân, hoạt động của các xe buýt liền kề trong thời gian vừa qua đã gây nhiều phản ứng đối với người dân thành phố về chất lượng xe, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu và chất lượng dịch vụ. Cơ quan báo chí và người dân phản ánh nhiều lần lên Thành ủy, HĐND, UBND TP về tình trạng này. Các cơ quan chức năng của TP đã nhiều lần nhắc nhở, xử lý nhưng vẫn không có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng, chủ trương điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm TP là phù hợp với Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 8087 ngày 19-11-2013) và đã được TP làm việc, thông báo đến các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, các đơn vị liên quan từ năm 2016. “Để triển khai công việc này, từ cuối năm 2016 đến năm 2019, TP Đà Nẵng đã đầu tư đưa 12 tuyến xe buýt nội thành vào hoạt động, bao phủ rộng khắp mạng lưới giao thông khu vực nội thành Đà Nẵng. Đầu tư xây dựng các bến xe buýt tại điểm đầu - cuối xe buýt nhằm kết nối tuyến xe buýt liền kề và xe buýt nội đô, như bến xe phía Nam, Trường Cao đẳng Việt Hàn, TTHC huyện Hòa Vang để vận chuyển hành khách từ ngoại thành vào nội thành”, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho hay.
Cũng theo ông Trung, đến tháng 7-2020, trên cơ sở kiến nghị của cử tri TP và mạng lưới xe buýt nội đô của TP được hình thành, HĐND TP ban hành Nghị quyết số 309 ngày 8-7-2020 và chỉ đạo UBND TP giao các sở, ban, ngành TP nghiêm túc thực hiện việc điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm TP; bắt đầu thực hiện từ ngày 1-9-2020. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số người dân TP, vì vậy đề nghị lãnh đạo hai địa phương thống nhất để các đơn vị chức năng, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện”, ông Trung kiến nghị.
Tại buổi làm việc, trên cơ sở các ý kiến của ngành chức năng liên quan giữa hai địa phương, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho rằng, mặc dù các đơn vị vận tải xe buýt Quảng Nam nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan đề nghị được tiếp tục hoạt động xe buýt liền kề trong khu vực nội thành Đà Nẵng, tuy nhiên, qua xem xét nhận thấy, ngoài các nguyên nhân đã nêu ở trên, thì có một nguyên nhân quan trọng khác là hành trình chạy xe của các tuyến xe buýt liền kề theo đề nghị của các đơn vị vận tải hầu hết trùng tuyến với hành trình của các tuyến xe buýt nội thành đang đảm nhận. Do vậy, đề xuất tiếp tục cho xe buýt liền kề vào trung tâm TP là không thể thực hiện được.
D.H
>> Lộ trình chạy xe mới của 5 tuyến xe buýt liền kề Đà Nẵng - Quảng Nam
>> Các tuyến xe buýt liền kề Đà Nẵng – Quảng Nam sẽ không đi vào nội thành Đà Nẵng
>>