Đà Nẵng-hơn một thập niên pháo hoa
Năm 2008, với mong muốn có một sản phẩm văn hóa, du lịch đặc thù, Đà Nẵng đã đưa ra những luận cứ thuyết phục để Chính phủ cho phép tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hàng năm. Nhiều người vẫn coi sự ra đời của DIFC với tính chất là một cuộc thi trình diễn vào ngày sơ khai là cái duyên của thành phố bên sông Hàn. Để rồi giờ đây, khi trở thành một sản phẩm độc đáo và vươn lên đẳng cấp là một lễ hội quốc tế, DIFF đã trở thành cái cớ không thể thuyết phục hơn khi kéo du khách trong và ngoài nước đến với thành phố trong mỗi mùa hè.
![]() |
Màn trình diễn của đội Anh. |
Vượt qua Anh, Phần Lan đăng quang DIFF 2019 Với màn trình diễn thuyết phục, làm mãn nhãn du khách và chinh phục Ban Giám khảo, đội pháo hoa Phần Lan đã xứng đáng với ngôi quán quân DIFF 2019 trong đêm chung kết 6-7. Mở màn đêm chung kết với chủ đề "Ra khơi", đội Pyrotex Fireworx Ltd đến từ Anh quốc đã chinh phục khán giả bằng màn trình diễn ấn tượng. Bằng việc chọn nhạc nền là những ca khúc quốc tế bất hủ cùng gần lượng lớn pháo đủ các tầm, Pyrotex Fireworx Ltd trực tiếp khẳng định vì sao mình có mặt trong đêm thi cuối cùng. Việc phô diễn lập trình pháo hòa quyện với những bản nhạc đa âm sắc, từ bài nhạc hùng tráng trong phim bom tấn "Cướp biển vùng Caribbean" đến giai điệu tuyệt đẹp của ca khúc Orinoco Flow (Sail Away) cùng với âm hưởng day dứt của nhạc phẩm kinh điển "Sailing" và "Rolling on the river" đã khiến nhiều thế hệ khán giả cảm thấy lay động. Trong khi đó, với hiệu ứng pháo hoa đa dạng, độc đáo trên nền nhạc kết hợp Á - Âu cùng thông điệp ý nghĩa về những chuyến hành trình vươn khơi xa trên quê hương, đội JoHo Pyro Professional Fireworks AB đến từ Phần Lan đã cho thấy việc vượt qua đội Ý trong đêm vòng loại càng thêm thuyết phục. Bài trình diễn của Phần Lan như kể lại câu chuyện lịch sử của quê hương, nơi người dân sinh sống chính bằng nghề hàng hải. Câu chuyện kể với hình thức chương hồi đã đưa khán giả vào những cung bậc cảm xúc khó tả. Với một đoạn kết có hậu của những thủy thủ vượt qua bão tố trên biển khơi, đội Phần Lan đã lồng ghép một bài hát của Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Mỹ Tâm, một ca sĩ gốc Đà Nẵng. Pháo nhịp nhàng theo giai điệu của bài hát đã khiến khán giả trầm trồ thích thú. Chinh phục khán giả và ban giám khảo khó tính, đội Phần Lan lần đầu đến với lễ hội pháo hoa đỉnh cao đã vô địch DIFF 2019 đầy thuyết phục. |
Duyên...
Khoảng 12 năm trước, trong một cuộc họp cán bộ chủ chốt, lãnh đạo thành phố đã đưa ra một đề bài cho các sở ngành là phải làm sao để đô thị triệu dân trong tương lai phải có một lễ hội đặc trưng gắn liền với tầm vóc của mình. Đà Nẵng vào năm 2007 thường vẫn dựa vào những sự kiện do Trung tâm văn hóa thành phố hoặc cấp xã phường tổ chức trong khi những tỉnh thành có điều kiện tương tự như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Vũng Tàu, thậm chí là người anh em Quảng Nam đã tổ chức được những festival tầm cỡ. Riêng "Hành trình di sản" của Quảng Nam đã kéo khách khắp nước về Hội An trải nghiệm, họ chỉ "quá cảnh" Đà Nẵng mà thôi. Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh vào thời điểm đó đã gợi ý rằng con sông Hàn chảy giữa lòng thành phố là điều kiện lý tưởng để tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa với sự tham gia của nhiều nước trên thế giới. Sự giao lưu về văn hóa, trao đổi sản phẩm du lịch luôn là cánh cửa để một thành phố, một đất nước vươn ra tầm thế giới. Đà Nẵng cần phải có sản phẩm định danh trên bản đồ du lịch của cả nước, và xa hơn nữa. Ý tưởng về cuộc thi pháo hoa mang tầm khu vực được lãnh đạo sở ngành ủng hộ, người dân hay tin thì hết sức phấn khởi và bàn luận râm ran.
Một người có mối lương duyên với pháo hoa Đà Nẵng là nguyên giám đốc Sở Ngoại vụ Lương Minh Sâm. Nhớ lại những ngày lo lắng với cái đề bài do lãnh đạo thành phố đưa ra, ông Sâm vẫn còn đầy hào hứng: "Bắn pháo hoa thì ai cũng thích, nhưng nào có phải như người ta đốt pháo đơn giản vào mỗi dịp tết mấy chục năm về trước. Tìm hiểu về công nghệ pháo hoa thấy mình còn tụt hậu lắm. May mắn là bằng kênh ngoại giao, chúng tôi được đại sứ Malaysia giới thiệu về một công ty chuyên tổ chức sự kiện kiểu này. Đó chính là Global 2000 đã gắn bó với thương hiệu của lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng từ thuở khai sinh đến nay". Một tuần lễ tính từ cuộc gọi điện thoại đầu tiên khi TP quyết định chọn pháo hoa để biến thành lễ hội của Đà Nẵng được nhiều người đồng thuận, ông Joe Ghazzal-Giám đốc Global 2.000 có mặt tại Đà Nẵng. Lần này, lãnh đạo thành phố đã chủ động đến khách sạn ông Joe ở để nhờ tư vấn. Rồi ông chính thức trở thành người "mai mối" của DIFC ngày đó mà đi theo hành trình của DIFF nhiều năm sau.
Sự xuất hiện của cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng vào năm 2008 rõ ràng là rất duyên!
![]() |
Màn trình diễn của đội Phần Lan. |
Cớ...
Cần nhớ rằng, hiện thực hóa được ý tưởng này không phải là một điều đơn giản. Ngoài việc xin Thủ tướng cho phép tổ chức thành cuộc thi hàng năm, thành phố Đà Nẵng cam kết không sử dụng ngân sách, mà là vận động sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp với mong muốn kéo bạn bè đến với Đà Nẵng, tạo bệ phóng cho ngành du lịch phát triển. Để có sự xuất hiện của những tên tuổi lớn về công nghệ pháo hoa trên thế giới như Malaysia, Canada, Hồng Kông lần đầu tiên, sau này là Mỹ, Bồ Đào Nha, Pháp, Nhật Bản rồi đến Nga, Ý, Thụy Sĩ, Australia, Áo..., ban tổ chức phải hỗ trợ mỗi đội 20.000 USD để người ta mang con người, trang thiết bị, công nghệ qua trình diễn. Đã có lần, không biết ở đâu xuất hiện thông tin rằng, thu nhập của người dân còn thấp mà phải đóng thuế để tổ chức những cuộc thi xa xỉ khiến những người có tâm huyết choáng váng. Họ không biết rằng thành phố không lấy ngân sách tổ chức thi pháo hoa, mà người dân còn được xem miễn phí. Từ việc tổ chức vào ngày giải phóng thành phố 29-3 đến dịp lễ 30-4 rồi trải ra hàng tháng trời vào mỗi mùa hè, những dịp có pháo hoa thì khách sạn kín phòng, ngành dịch vụ tăng trưởng, du lịch bội thu.
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, khác với những năm trước đây, hiện tại pháo hoa không còn là hấp lực duy nhất để khách du lịch đến với Đà Nẵng. Nhưng đây vẫn là sự kiện "đinh" nhất trong mỗi mùa hè, và trở thành "cái cớ" thuyết phục nhất cho mỗi hành trình đến thành phố biển của khách hai đầu đất nước và quốc tế. Rất nhiều tour du lịch vào dịp hè lấy DIFF làm xương sống để kết nối với các sản phẩm khác.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, năm 2018, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng được công nhận là sự kiện hàng đầu trong số 10 sự kiện tiêu biểu cả nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức bình chọn. "Đây là kết quả đầy khích lệ, thể hiện sức lan tỏa của DIFF, một sự kiện ngày càng nhận được sự quan tâm, đón nhận của người dân và du khách. Từ một sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của thành phố, DIFF đã trở thành một sự kiện văn hóa quốc tế được đón đợi và là cái cớ thuyết phục để du khách chọn Đà Nẵng làm điểm đến vào mỗi mùa hè", ông Thơ nhấn mạnh.
"Gạn đục khơi trong"
Với hành trình hơn một thập kỷ của mình, pháo hoa Đà Nẵng từ một cuộc thi tầm cỡ khu vực đã trở thành một lễ hội đẳng cấp. Nhưng nói như thế không có nghĩa là DIFF đã hoàn hảo. Mỗi kỳ lễ hội đi qua, vẫn còn những "hạt sạn" khiến người ta lấn cấn. Có người hỏi vì sao đã tổ chức đến chục lần rồi mà đội pháo hoa chủ nhà Việt Nam chưa một lần đăng quang, nhiều lắm thì mới "đồng hạng ba"? Ông Lương Minh Sâm lý giải rằng đội nhà tuân thủ luật chơi, thi thố sòng phẳng. Ai cũng biết đứng bên cạnh những tên tuổi của công nghệ pháo hoa quốc tế thì rõ ràng sự chênh lệch đã xuất hiện từ vòng đấu bảng. Việc có giải hay không thực tế không quan trọng khi Đà Nẵng xác định tổ chức sân chơi có sự cạnh tranh với mục đích kéo thế giới đến với thành phố nhiều hơn, nhưng mà cách chơi của chủ nhà khiến người ta thấy như là sự thiếu đầu tư để có thể thi thố sòng phẳng. Không chỉ là công nghệ, pháo hoa của đội Đà Nẵng thường nằm ở "chiếu dưới" về sự hòa hợp của phần nhạc nền. Đó là sự cứng nhắc trong lựa chọn đòn bẩy cho màn trình diễn được thăng hoa...
Một trong những điều luôn được công bố tại các buổi họp báo trong mỗi mùa DIFF 2019 chính là các hoạt động bên lề sẽ hoành tráng và bất ngờ. Nhưng nếu theo hết hành trình của mỗi mùa lễ hội, những sự kiện đồng hành vẫn không sao đạt như kỳ vọng là "khuấy động đường phố", đưa người dân vào trung tâm của lễ hội. Năm nay "Vũ hội Ánh dương", diễu hành xe hoa hay cuộc thi Flashmob toàn quốc với chủ đề "Sóng tuổi trẻ" phần nào đó đã nâng tầm lễ hội pháo hoa, cũng là sự nỗ lực trách nhiệm của Sun Group nhưng xét cho cùng, các sự kiện vẫn chỉ là đưa về sân nhà của đơn vị tổ chức. Việc chặt chém giá cả dịch vụ đã không còn, hiện tượng găm phòng tạo sốt ảo đã hết, nhưng khán đài DIFF 2019 có nhiều đêm vắng hơn những năm trước. Nghĩa là lượng khách đến thành phố trong mùa lễ hội không còn tấp nập như trước đây, đòi hỏi DIFF phải có sự đổi mới, ngành du lịch phải có thêm sản phẩm. Khi pháo hoa không còn là hấp lực thì mình nó không thể gánh nổi cho du lịch mùa cao điểm của Đà Nẵng.
Ai từng xem lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, dù là một hay vài ba lần, đều phải thừa nhận là rất tuyệt. Đó cũng là lý do sản phẩm du lịch, văn hóa độc đáo này vẫn luôn trở thành từ khóa hot của du lịch Đà Nẵng trong 11 năm qua. Đơn vị tổ chức vẫn đang kiên định với lộ trình đưa DIFF thành lễ hội pháo hoa đẳng cấp quốc tế trong 5-10 năm tới. Tức là áp lực làm mới, nâng tầm sản phẩm như mối lương duyên của Đà Nẵng và Sun Group ngày càng nhiều thử thách hơn.
Công Khanh