Đà Nẵng hướng đến điều trị F0 tại nhà
Bác sĩ Trần Thanh Thủy- Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, để hướng tới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Sở đã trình UBND TP phê duyệt phương án điều trị F0 tại nhà. Thời gian qua, ngành Y tế cũng đã nỗ lực hỗ trợ các quận, huyện thành lập trạm y tế lưu động tuyến xã, phường, sẵn sàng phương án hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.
Sau thời gian điều trị có hiệu quả tại bệnh viện, Đà Nẵng đang hướng đến điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà để thích ứng an toàn với dịch COVID-19.
Theo đó, trạm y tế lưu động tại mỗi xã, phường có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và tại cộng đồng; xét nghiệm COVID-19; tổ chức tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác.
Tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã, phường có thể thiết lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động. Một trạm y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các tổ dân phố của các phường khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính.
Về nhân lực, trung tâm y tế tuyến huyện và lực lượng hỗ trợ bố trí đủ nhân lực cho trạm y tế lưu động hoạt động. Mỗi trạm y tế lưu động có tối thiểu 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất một bác sỹ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu một nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao. Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn. Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ, huy động thêm nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa phương khác.
Ngoài ra, chính quyền cấp xã, phường có trách nhiệm huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn, như Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Tổ dân phố… để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần thiết khác của trạm y tế lưu động.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP, ngày 28-11, Đà Nẵng ghi nhận 66 ca mắc COVID-19, gồm 13 ca cách ly tập trung, 30 ca cách ly tại nhà, 6 ca trong khu phong tỏa và 17 ca cộng đồng.
Các ca cộng đồng đều được phát hiện khi đến khám, xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Cụ thể, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng phát hiện 4 ca; Phòng khám Hòa Khánh phát hiện 1 ca về từ ngoại tỉnh; Phòng khám Ân Đức phát hiện 2 ca; Bệnh viện Tâm Trí phát hiện 1 ca; Phòng khám Thiện Nhân phát hiện 1 ca; Trạm Y tế P. Hòa Hiệp Nam phát hiện 1 ca; Phòng khám tư nhân tại Q. Liên Chiểu phát hiện 1 ca; các Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, Thanh Khê phát hiện 2 ca.
Ngoài ra, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) phát hiện 3 ca, trong đó có 2 ca là nhân viên siêu thị Big C. Một nhân viên Trung tâm Y tế H. Hòa Vang cũng mắc COVID-19 khi trực chốt kiểm dịch C4 tại xã Hòa Nhơn.
Có 49/66 ca mắc trong ngày có khả năng lây lan cho cộng đồng, tập trung tại các địa phương như Q. Liên Chiểu (22 ca), Q. Thanh Khê (13 ca), Q. Sơn Trà (6 ca), Q. Cẩm Lệ (3 ca), Q. Hải Châu (3 ca) và H. Hoà Vang (2 ca). Số ca mắc trong ngày liên quan đến 18 chuỗi lây, trong đó đáng chú ý một số chuỗi như N.T.T.D (8 ca); Đ.D.P (9 ca); T.T.H (11 ca); Công ty Hữu Nghị (6 ca); chuỗi chưa xác định nguồn lây (7 ca)…
Toàn TP đang thiết lập 171 khu vực phong tỏa với 1.368 hộ (5.740 nhân khẩu); duy trì 17 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 1.067 người. Tính từ ngày 16-10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 950 ca mắc COVID-19, trong đó 99 ca về từ ngoại tỉnh.
Liên quan đến tình hình dịch tại Q. Sơn Trà, từ 13 giờ 30 ngày 28-11, quận này đã hạ cấp độ dịch từ cấp độ 3 (nguy cơ cao) xuống cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) đối với P. Nại Hiên Đông. Trước đó, P. An Hải Bắc cũng được hạ cấp độ tương tự.
THÀNH DANH