Đà Nẵng hướng đến mục tiêu đô thị sinh thái
Ngày 19-4, tại buổi họp báo giới thiệu về Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết, với tổng kinh phí ước tính hơn 15.000 tỷ đồng, đề án đặt ra các mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí môi trường đang có, phấn đấu đến năm 2030 sẽ xây dựng thành phố theo hướng đô thị sinh thái.
Họp báo giới thiệu Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 và Đại nhạc hội Thế giới nước với chủ đề “Nước - Hồi sinh”. |
Giới thiệu Đại nhạc hội Thế giới nước Tại buổi họp báo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Nhà hát Trưng Vương cũng chính thức giới thiệu chương trình Đại nhạc hội Thế giới nước với chủ đề “Nước - Hồi sinh”. Đây là sự kiện nghệ thuật trọng tâm trong chuỗi các sự kiện truyền thông về Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Theo Ban tổ chức, chương trình truyền tải thông điệp giá trị của nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi trường; từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ nguồn nước trước tác động tiêu cực ngày một gia tăng của phát triển kinh tế, xã hội và biến đổi khí hậu. Chương trình nghệ thuật “Nước - Hồi sinh” được Nghệ sĩ Viola Nguyệt Thu và đội ngũ chương trình sử dụng âm nhạc và các hình thức nghệ thuật đặc sắc khác để viết lên câu chuyện viễn tưởng về Thế giới nước năm 2029 sau Đại Hồng Thủy. Nơi đó, con người sống trong một môi trường chỉ có nước, họ khát khao và nuôi dưỡng hy vọng với sự trân quý về những kỷ niệm đẹp, ngập tràn yêu thương, đoàn kết để cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. |
Phát triển hài hòa với thiên nhiên
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, ngày 2-4 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1099/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, đánh dấu bước đột quá quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Theo đó, Đề án lấy nhiệm vụ bảo vệ môi trường làm nền tảng xây dựng thành phố sinh thái, là nhiệm vụ được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết sách. Thành phố xác định phát triển hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Đề án cũng đặt ra các giải pháp bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để thực hiện đề án, chính quyền và ngành chức năng phải chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách đồng thời khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành phố sẽ huy động các nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách. Cơ quan chức năng áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại, người hưởng lợi từ các giá trị do công tác xử lý, duy trì bảo vệ môi trường phải trả phí tương xứng. Song song với đó là tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường đồng thời phát huy nội lực và hợp tác quốc tế, tăng cường quản lý Nhà nước đi đôi với nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của toàn xã hội.
Sự chung tay của cộng đồng là yếu tố tiên quyết
Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, cùng với Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các mục tiêu, nhiệm vụ, cũng như các dự án về môi trường trong Đề án này được tích hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, hoàn thiện năng lực giám sát, xử lý và bảo vệ môi trường như cấp, thoát nước, xử lý rác thải, giao thông, hệ thống quan trắc…
Chính vì vậy, việc thực hiện Đề án lần này có mục tiêu, tiêu chí rõ ràng, mang tính hệ thống, tính khả thi cao, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực và lộ trình thực hiện. Với tổng kinh phí ước tính hơn 15.000 tỷ đồng, đề án đặt ra các mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí môi trường đang có. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn và có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Đà Nẵng. Các sở, ban, ngành cùng tham gia, triển khai thực hiện đồng bộ ở 4 nhóm thành phần trọng tâm gồm phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, với 31 tiêu chí cụ thể.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho rằng, dù thành phố bỏ ngân sách lớn để đầu tư các công trình nhưng nếu không có sự chung tay của doanh nghiệp và người dân thì đề án hay như thế nào đi nữa cũng không thể thành công. Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình sai phạm, người dân không cùng chung tay để giữ gìn môi trường sống của chính mình thì cho dù có nhiều dự án, công trình hay có bao nhiêu tiền đi chăng nữa vẫn không thể giải quyết được.
Hiện nay quy định xử phạt hành chính vi phạm liên quan đến vấn đề môi trường đã có, tuy nhiên, làm thế nào để xử lý triệt để, đủ sức răn đe là vấn đề không đơn giản. “Chúng tôi mạnh dạn đề xuất những giải pháp và xin ý kiến chủ trương của thành phố như thông qua hệ thống camera phát hiện vi phạm, mua tin người dân phản ánh có hình ảnh gửi để có căn cứ xử lý và người phản ánh sẽ có mức thưởng nào đó. Tuy nhiên nói gì đi nữa xử phạt là câu chuyện cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức, ý thức của người dân”, ông Hùng chia sẻ.
CÔNG KHANH