Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng hướng ra biển lớn (2)

Thứ sáu, 09/01/2015 09:26

* Bài 2: Cần quy hoạch kỹ

(Cadn.com.vn) - Trong chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Đà Nẵng phải dồn sức cho kinh tế biển, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

* Để tiếp sức cho ngư dân, song song với các chương trình Trung ương, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá có công suất từ 400CV trở lên với các mức hỗ trợ từ 500 – 800 triệu đồng/tàu, mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại và khai thác hải sản xa bờ. Từ năm 2011 đến nay, Đà Nẵng đã hỗ trợ kinh phí cho các tàu khai thác các vùng biển xa với tổng kinh phí hơn 64 tỷ đồng. Việc hỗ trợ trong 3 năm qua đã khuyến khích ngư dân Đà Nẵng tích cực bám biển dài ngày tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.

Khách quan mà nói, các chính sách hỗ trợ ngư dân của thành phố Đà Nẵng và từ Trung ương mới chỉ là một phần tiếp sức ban đầu để giúp các ngư dân an tâm làm chủ vùng biển. Còn vấn đề “trên bờ” vẫn chưa được giải quyết triệt để khi giới đầu nậu vẫn là những người “thao túng”. Chính vì vậy, rất cần có bàn tay của Nhà nước làm “bà đỡ” giải quyết quan hệ giữa doanh nghiệp, ngư dân và ngân hàng.

Có tận dụng được lợi thế?

Tiến sĩ Trần Du Lịch với tư cách Trưởng nhóm nghiên cứu Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cũng nhận xét “Đà Nẵng – miền Trung là vùng có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa lịch sử... cho phép phát triển 5 lĩnh vực chủ yếu của kinh tế biển là: đánh bắt xa bờ; khai thác tài nguyên khoáng sản; cảng biển và dịch vụ hàng hải; khu kinh tế, khu công nghiệp gắn liền với lợi thế cảng biển và du lịch biển đảo, gắn với văn hóa, lịch sử. Trên dải đất là “mặt tiền” của Việt Nam nhìn ra biển Đông, nên nó chiếm ưu thế rất quan trọng về kinh tế biển. Nếu xem kinh tế biển là trọng điểm của Việt Nam thì miền Trung là trọng điểm của trọng điểm”.

Kinh tế biển giữ vị trí chiến lược là vậy, nhưng nỗ lực khai thác “biển bạc” dường như mới chỉ đang trong quá trình khởi động. Đối với việc khai thác bờ biển để phát triển du lịch của Đà Nẵng nếu chỉ dừng lại ở các khách sạn như hiện nay thì không thể đem lại nguồn thu nhiều cho thành phố. Đà Nẵng đã xây dựng được bộ khung hạ tầng giao thông đô thị, khai thác bờ biển, xây dựng khách sạn, điểm vui chơi... để có thể được xem là điểm đến nghỉ dưỡng và tắm biển lý tưởng nhưng chưa thể là thành phố du lịch.

Ngoài không gian mặt nước, bãi cát, khách sạn và một số cửa hàng bán đồ lưu niệm, các dịch vụ du lịch ngoài hàng rào khách sạn chưa hình thành cho thấy sự đơn điệu trong hệ thống dịch vụ để khai thác du lịch biển. Theo cái nhìn của các chuyên gia, bên cạnh vấn đề xác định đúng cơ cấu kinh tế, việc phát triển hạ tầng du lịch ven biển cần chú ý “chỗ nào làm được khách sạn 5 sao thì để đó mà làm 5 sao, đừng nên làm khách sạn một sao, bởi chưa phát triển dù sao vẫn tốt hơn là làm cho nát vụn”.

Hệ thống cảng biển và dịch vụ kho bãi của Đà Nẵng cũng đang đứng trước tình trạng báo động về quy mô so với nhu cầu phát triển. Thành phố đã phát triển tốt về cảng biển với năng lực ngày càng cao, song việc phát triển hệ thống kho bãi lại hạn chế (nếu cảng tăng năng lực tiếp nhận hàng lên 9 triệu tấn/năm sẽ không có nơi chứa hàng). Cần phải quy hoạch đồng bộ phát triển năng lực cảng biển với dịch vụ kho vận.

Ông Nguyễn Thu - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng - bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện mở rộng kho bãi Cảng Tiên Sa trong thời gian nhanh nhất, để trở thành cảng biển quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung. Phát triển hạ tầng cảng biển luôn là yếu tố cần thiết để phục vụ cho an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế biển”.

Một khi những nguồn lực này chưa được phát huy hết lợi thế thì mục tiêu làm giàu từ biển vẫn còn rất xa. Nhiều loại tài nguyên biển quý báu khác, ẩn sâu trong lòng biển, dưới đáy đại dương, hoàn toàn chưa được khai thác, chưa nói đến những ngành “công nghiệp biển” dựa trên công nghệ cao.

 

Nhưng phải tính toán kỹ

Liên quan đến việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng phục vụ nghề cá, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng: Trước hết, cần cân nhắc kỹ việc phát triển trung tâm nghề cá, về nguyên tắc là chủ trương của trung ương. Tuy nhiên phải xét mũi nhọn kinh tế của Đà Nẵng là cái gì? Thực tế của thành phố hiện nay ra làm sao để tiếp nhận chủ trương này.

Lý do của việc tranh cãi là do ở gần khu vực vịnh Mân Quang, thành phố đã quy hoạch xây dựng Công viên đại dương tầm cỡ quốc tế. Nếu đưa hàng trăm tàu thuyền vào đó thì sẽ không còn là công viên nữa. Những hệ lụy về cảnh quan đô thị, môi trường, du lịch... là điều khiến chính quyền thành phố không thể nôn nóng trong phát triển kinh tế. “Việc xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá mới cần phải cân nhắc kỹ, phải nhìn một cách tổng thể để xác định, chứ không khéo chúng ta được trung tâm nghề cá song lại mất rất nhiều cái nếu chúng ta nghiên cứu không sâu vấn đề này”, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn lo ngại. Thực tế lâu nay việc phát triển nhiều nơi chưa theo đúng quy hoạch nên ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, giảm sút đa dạng sinh học của các loại sinh vật biển...

Với hơn 70 km đường biển, Đà Nẵng có nhiều cơ hội để tập trung mọi nguồn lực hướng ra biển. Tiềm năng từ “mỏ vàng” ấy được thành phố sớm nhận ra và chú trọng công tác quy hoạch, bảo vệ tài nguyên biển. Tham gia vào việc xây dựng và phát triển kinh tế biển theo hướng xanh, thành phố giao các ngành tài nguyên - môi trường, văn hóa - du lịch triển khai nhiều chương trình, biện pháp bền vững. Và để quản lý, bảo vệ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của biển, thành phố chủ trương khoanh vùng bảo vệ một vùng biển khoảng 4.000 ha từ Hòn Chảo đến Nam Hải Vân và quanh bán đảo Sơn Trà. Những giải pháp cụ thể liên quan đến môi trường biển, đảo đang được các cấp chính quyền và ngành liên quan dồn sức triển khai.

“Con người là yếu tố quyết định. Tất cả đang nằm trong chương trình đào tạo tính đến của thành phố. Nhưng đây không đơn thuần là việc đào tạo trình độ như những ngành học khác. Thực tế khai thác hải sản đòi hỏi “ai đào tạo cho ai” nên rất khó để giải quyết ngay khó khăn này. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi cũng tạo điều kiện về mặt pháp lý, trang thiết bị và những kiến thức cần thiết để ngư dân sẵn sàng vươn ra biển lớn...”, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay.

(còn nữa)

Bài và ảnh: Phương Duyên