Đà Nẵng huy động toàn dân khơi thông hệ thống thoát nước ứng phó ngập úng
Tại địa bàn Q. Hải Châu, các lực lượng tiến hành nạo vét ở những trục đường chính và các điểm nóng, điểm có nguy cơ tắc nghẽn hệ thống thoát nước như đường Quang Trung, giao lộ Nguyễn Văn Linh - Ông Ích Khiêm, Lê Duẩn, Đống Đa… Trong khi người dân và đại diện tổ dân phố, khu dân cư tiến hành thu gom rác thải, lá cây, rác sinh hoạt, khơi thông cửa thu nước, đục thông một số cửa thu do người dân hay các hộ kinh doanh bịt lại thì công nhân Cty Thoát nước và xử lý nước thải tiến hành nạo vét bùn từ các hố ga, miệng cống. Đúng như phản ánh của người dân, rất nhiều đoạn cống thoát nước bị thu hẹp, thậm chí tắc dòng chảy do bùn đất, rác thải ứ đọng lâu ngày không được xử lý. Theo công nhân Cty Thoát nước và xử lý nước thải, tại các tuyến đường lớn nhiều người thường có thói quen mang bao bì, gạch, tấm nhựa hoặc cao su ra chặn cửa thu nước để hạn chế mùi hôi và chuột. Đến khi mưa xuống hầu hết không được tháo dỡ, cửa thu nước bị bít lại, nước không thoát được xuống cống nên sẽ gây ngập trên đường.
Tại địa bàn Q. Sơn Trà, đích thân Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam và lãnh đạo quận đã xuống địa bàn để kiểm tra thực tế đồng thời yêu cầu chính quyền cơ sở và các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp để xử lý dứt điểm từng khu vực. Cơ quan chức năng cũng ghi nhận rất nhiều cửa thu tại các trục đường lớn bị tắc nghẽn, dùng vật che chắn, thậm chí xây bít lại để ngăn mùi hôi.
Là địa phương có nhiều điểm ngập úng theo kiểu "đến hẹn lại lên", Q. Thanh Khê đã yêu cầu các phường triển khai đến tổ dân phố huy động mọi tầng lớp nhân dân khu dân cư triển khai công tác khơi thông cống rãnh kết hợp tổng dọn vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Tại nhiều vị trí, đặc biệt là trước các cơ sở kinh doanh của những tuyến đường lớn, tình trạng các cửa thu nước bị bịt kín bởi xi măng, bê tông rất phổ biến. Khu vực P.Thạc Gián (Q.Thanh Khê) và lân cận có 3 hồ lớn là hồ Thạc Gián, hồ Vĩnh Trung và hồ Công viên 29-3. Tuy nhiên khu vực này cũng có nhiều vị trí ngập cục bộ do địa hình thấp trũng. "Phường triển khai xuống các tổ dân phố, nâng cao nhận thức, huy động mọi người trong công tác đảm bảo nạo vét cống rãnh, bảo vệ chức năng công trình, hệ thống thoát nước, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước nhằm hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ", Phó Chủ tịch UBND P. Thạc Gián Trần Lê Quốc Huy cho biết. Trong đợt mưa tối 10-9, địa bàn quận có các điểm ngập lớn trên đường Trường Chinh, Hoàng Hoa Thám - Lê Duẩn, Trần Xuân Lê, Hà Huy Tập và một số kiệt trên đường Điện Biên Phủ.
Đáng chú ý, một điểm ngập mới phát sinh khu vực gia đình quân nhân A32 (đường Tân Hòa 1 giao với Phạm Ngọc Mậu, Nguyễn Hữu Thận, Đỗ Đức Dục) thuộc P. An Khê đã khiến người dân bất ngờ. Theo các hộ dân sống ở điểm ngập này, đây là khu vực có cốt nền cao nhưng hệ thống thoát nước hoạt động không tốt, khẩu độ cống thoát rất nhỏ. Trước đây mỗi khi mưa lớn thì nước đổ về và tràn vào các ao hồ phía trong sân bay Đà Nẵng nhưng kể từ khi mọc lên cơ sở 2 của trường THCS Nguyễn Đình Chiểu thì nước đến đây bị chặn lại gây ngập rất nhanh. "Chúng tôi đã huy động người dân khơi thông cửa thu nước, thu gom rác, tiến hành đục và nạo vét đất bùn, rác tại một số vị trí người dân xây bít để tránh mùi hôi. Ngay góc tường rào sân bay cũng được tạo một dòng chảy để tăng khả năng thoát nước mặt. Tuy nhiên trong trận mưa vừa qua nước đã chảy ngược từ cống lên đường và tràn vào nhà dân rất nhanh. Mong cơ quan chức năng sớm kiểm tra và có phương án khắc phục", đại diện tổ dân phố 26, P. An Khê kiến nghị.
Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố có 9 điểm ngập úng thường xuyên, kéo dài. Trong đó 6 điểm đang triển khai thi công dự án chống ngập là khu vực Trung Nghĩa, xung quanh đồi Trung Sơn, cổng KCN Hòa Khánh, kiệt 96 đường Điện Biên Phủ, đường Hà Huy Tập, kiệt 818 đường Trần Cao Vân. Nguyên nhân chủ yếu gây ngập ở các khu vực này là vướng giải phóng mặt bằng lâu năm dẫn đến chưa thể hoàn thành tuyến kênh thoát nước chính hoặc vướng các dự án đang thi công. Ngoài ra có 3 điểm đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư là khu vực đường Trần Xuân Lê, đường Tống Phước Phổ, đường Lê Tấn Trung. Các vị trí này chủ yếu có địa hình trũng thấp, hệ thống thoát nước hư hỏng, xuống cấp, nhiều cửa thu nước đã bị lấp nên khi có mưa lớn nước thoát không kịp, gây ngập úng.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong các đợt mưa lớn suốt thời gian qua, các khu dân cư xuất hiện rất nhiều ngập úng cục bộ. Đáng chú ý là có những điểm ngập mới xuất phát từ việc xây dựng các dự án làm xung đột dòng chảy thoát nước, nhiều nơi hệ thống thoát đã xuống cấp, tắc nghẽn, có nơi được đầu tư, lắp thêm cửa thu nước nhưng vẫn tiếp tục ngập nặng.
Đông A