Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng khánh thành Trung tâm VHTT công nhân đầu tiên

Thứ sáu, 31/10/2014 10:36

(Cadn.com.vn) - Tối 30-10, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Nẵng khánh thành Trung tâm Văn hóa thể thao (VHTT) công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh. Với tổng mức đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng, Trung tâm VHTT công nhân là thiết chế văn hóa đầu tiên dành cho công nhân được xây dựng ngay trong một KCN.

Việc khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm VHTT công nhân sẽ góp phần
nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân Đà Nẵng.

"GIẢI KHÁT" ĐỜI SỐNG TINH THẦN

Còn nhớ, tại buổi làm việc với đoàn công tác Ban Tuyên giáo T.Ư về thực trạng đời sống của người lao động trong các KCN trên địa bàn TP Đà Nẵng, đồng chí Trần Thọ, lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy  đã thẳng thắn nhìn nhận: “Đời sống của công nhân Đà Nẵng có 5 cái thấp và 1 cái cao. 5 cái thấp gồm: Trình độ văn hóa và trình độ tay nghề thấp, chất lượng nhà ở thấp, thu nhập thấp, đời sống tinh thần thấp, chất lượng bữa ăn thấp. Duy nhất một cái cao đó là... cường độ lao động cao!”. Nhận xét này khiến mọi người bất ngờ nhưng tất cả đều thừa nhận là đúng. Đó cũng là tình hình chung của công nhân cả nước hiện nay.

Đà Nẵng hiện có hơn 70 nghìn công nhân sống và làm việc tại 6 KCN ở Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và Hòa Vang. Trong 3 KCN tại Liên Chiểu thì KCN Hòa Khánh có gần 30 nghìn người lao động. Đời sống văn hóa tinh thần hiện đang là vấn đề bức xúc của công nhân các KCN và cũng là vấn đề mà các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố rất quan tâm. Ngày 15-9-2012, Chủ tịch UBND TP đã ký Quyết định số 7513/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN trên địa bàn thành phố đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Với vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động, LĐLĐ TP đã kiến nghị và được UBND TP cấp 4.500m2 đất tại đường số 2 KCN Hòa Khánh để xây dựng Trung tâm VHTT công nhân. Sau hơn 3 tháng triển khai xây dựng (khởi công ngày 10-6-2014), công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.  Theo bà Đặng Thị Kim Liên–Chủ tịch LĐLĐ thành phố, đây sẽ là nơi giao lưu, gặp gỡ của công nhân lao động khi tham gia các câu lạc bộ theo sở thích,  nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT, các phiên chợ hàng Việt phục vụ công nhân lao động. Trong khuôn viên Trung tâm có Văn phòng tư vấn pháp luật của Công đoàn các KCN, đón tiếp, đối thoại và tư vấn pháp luật cho công nhân, tiếp nhận và xử lý thông tin, hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động trên địa bàn KCN.

Với ý nghĩa và sự cần thiết của công trình, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định công nhận Trung tâm VHTT công nhân của LĐLĐ TP Đà Nẵng là 1 trong 8 công trình trên cả nước được gắn biển Công trình chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Hàng chục nghìn công nhân đang làm việc tại KCN Hòa Khánh nói riêng và các KCN khác trên địa bàn Q. Liên Chiểu vô cùng phấn khởi trước sự kiện quan trọng này. Anh Nguyễn Thành Long, công nhân Cty Điện tử Foster, cho biết: "Từ trước đến nay, công nhân chúng tôi gần như chỉ biết có Cty và phòng trọ. Giờ thì có nơi tập TDTT, giao lưu văn hóa văn nghệ. Dù chưa thể đáp ứng được nhiều nhưng chắc chắn Trung tâm văn hóa công nhân sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động”.

Dự lễ khánh thành, ông Nguyễn Văn Ngàng–Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: "Việc Đà Nẵng nhanh chóng xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm VHTT công nhân mà không xin bất kỳ một khoản tiền nào từ Tổng Liên đoàn rõ ràng là một cố gắng lớn. Điều này chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của chính quyền thành phố đối với đời sống tinh thần của công nhân lao động”.

Tại lễ khánh thành, đã diễn ra khai mạc Giải bóng đá công nhân các KCN và chế xuất Đà Nẵng.

CẦN NHIỀU HƠN NỮA

6 KCN, hơn 70 nghìn công nhân nhưng chỉ có 1 nhà Văn hóa Lao động và 1 Trung tâm Văn hóa công nhân, rõ ràng cũng chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu cải thiện đời sống tinh thần, văn hóa của công nhân Đà Nẵng. Khi 30 nghìn công nhân KCN Hòa Khánh vui mừng vì có Trung tâm VHTT thì công nhân ở Cẩm Lệ, Hòa Vang, Sơn Trà chắc cảm thấy chạnh lòng vì khát khao của mình chưa biết bao giờ sẽ thành hiện thực. Vì vậy, trước khi cắt băng khánh thành, lãnh đạo LĐLĐ đã đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy, UBND TP tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về quỹ đất và kinh phí để mô hình này được nhân rộng ở các KCN khác.

Trước khi Trung tâm VHTT công nhân ra đời, Đà Nẵng đã có bước đột phá so với nhiều địa phương khác là thành lập được nhiều khu nhà trọ tự quản cho công nhân. Họ được sống trong môi trường có tình hình ANTT tốt, được hưởng ưu đãi giá tiền điện, tiền nước, tiền thuê phòng, ngày lễ tết được chính quyền, công đoàn đến thăm. Nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu tập trung ở những địa bàn "dễ quy hoạch", chưa thực sự mang tính đại trà.

Trong kế hoạch đầu tư có chiều sâu cho lĩnh vực văn hóa của chính quyền thành phố, công nhân lao động đã bắt đầu được nâng cao đời sống tinh thần với việc ra đời thiết chế văn hóa đầu tiên dành cho họ. Hy vọng rằng, trong thời gian đến, những khao khát, bức xúc của công nhân về hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần sẽ dần dần được đáp ứng. Vì với những đóng góp cho sự phát triển KT-XH của thành phố, những khao khát đó là hoàn toàn chính đáng.

Công Khanh