Đà Nẵng khó thu hút dự án đầu tư văn hóa?
Đà Nẵng hiện thu hút được 400 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 90 ngàn tỷ đồng, 495 dự án FDI với hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, rất hiếm hoi để tìm ra các dự án đầu tư về văn hóa. Vì sao việc thu hút đầu tư cho các dự án văn hóa khó đến vậy?
Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn có vị trí thuận lợi, triển vọng đầu tư cao nhưng nhà đầu tư lại không mặn mà (Trong ảnh: Lễ hội văn hóa tâm linh trong khu vực quy hoạch dự án CVVHLSNHS). |
Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (CVVHLSNHS) là một trong những dự án văn hóa "đình đám" mà Đà Nẵng kêu gọi đầu tư từ 7 năm nay nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư quan tâm. Nói dự án này "đình đám" vì có tổng diện tích hơn 1,1 triệu m2, quy mô gồm khu Công viên văn hóa, lịch sử, tâm linh kết hợp với dịch vụ, thương mại (Khu trung tâm lễ hội, Bảo tàng đá, Làng hành hương và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, Khu danh thắng bảo tồn, Khu buôn bán đá mỹ nghệ) và 5 khu vườn tượng tối thiểu 50 tác phẩm chất liệu bền vững, đạt chất lượng nghệ thuật. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 2.000 tỷ đồng, do nhà đầu tư bỏ vốn 100%. Để tạo mặt bằng thu hút nhà đầu tư, TP thực hiện giải tỏa đền bù cho hơn 2,1 ngàn hồ sơ đất thổ cư và nông nghiệp. Hiện tại, gần 700 hồ sơ đã được giải tỏa đền bù, còn lại hơn 1,4 ngàn hồ sơ với chi phí đền bù dự kiến khoảng 513 tỷ đồng, nhu cầu tái định cư khoảng 1,7 ngàn lô sẽ đươc thực hiện từ nay đến năm 2022.
Ông Huỳnh Văn Hùng- Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Đà Nẵng nói, dự án thuộc di tích lịch sử cấp quốc gia này có tầm quan trọng đặc biệt với TP. Đây không chỉ là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên mà khi xây dựng sẽ tạo lập bản sắc riêng, một sản phẩm du lịch đẳng cấp, độc đáo của Đà Nẵng. Ở góc độ kinh tế, dự án rất khả thi trong việc giúp chủ đầu tư thu hồi vốn, bởi lẽ vị trí nằm giữa Đà Nẵng- Hội An, bên tuyến đường du lịch biển nhộn nhịp khách qua lại. Riêng tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện nay mỗi năm đã thu về khoảng 60 tỷ đồng, nếu đầu tư xây dựng dự án, lượng khách đổ về sẽ lớn hơn nhiều, doanh thu cũng theo cấp số nhân. Triển vọng là vậy, nhưng không hiểu sao mời gọi mãi cũng chẳng nhà đầu tư nào quan tâm. Ông Hùng kể, dự án được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư của TP, được mời chào, kêu gọi tại nhiều diễn đàn xúc tiến đầu tư. Thậm chí, năm 2016, đích thân lãnh đạo Đà Nẵng đã vào TPHCM làm việc với chủ đầu tư khu Suối Tiên, đem dự án ra trình bày, mời gọi họ đầu tư. Họ nói sẽ cử người ra tiếp xúc, nghiên cứu, tuy nhiên sau đó cũng không có phản hồi gì.
Một dự án văn hóa khác là Nhà hát Lớn TP được quy hoạch 3.000-3.500 ghế với quảng trường, khu hành chính, bãi đỗ xe, công viên cây xanh, tổng diện tích 8ha tại Khu đô thị Đa Phước. Dự án có tổng vốn 500 tỷ đồng, đã đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư của TP, tuy vậy, do việc tìm nhà đầu tư cho các dự án văn hóa rất khó khăn, cuối cùng dự án không triển khai được, thu hồi đất phục vụ mục đích khác. Hay rạp phim Lê Độ, sau khi mở nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn, diện tích phần sân trước bị thu hẹp, việc kinh doanh rất khó khăn. Từ chỗ TP có 8 rạp chiếu phim của Nhà nước, thu hẹp còn mỗi rạp Lê Độ, hiện tại diện tích rạp quá hẹp, đòi hỏi phải cải tạo, đầu tư mới. Tuy vậy, dù kêu gọi suốt 2 năm qua nhưng các nhà đầu tư không mặn mà. Ông Huỳnh Hùng nói, rất trăn trở với rạp Lê Độ, bởi vì sắp tới Liên hoan phim Việt Nam tổ chức ở Đà Nẵng, một đô thị lớn thế này mà tình trạng cái rạp phim như thế, quả là đáng nghĩ ngợi.
Khu vực sân trước rạp Lê Độ bị thu hẹp kinh doanh rất khó khăn, |
Theo ông Trần Văn Sơn- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, mới đây Cty cổ phần đầu tư Điện ảnh và Giải trí Việt có công văn đề xuất TP xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng mới rạp Lê Độ nằm trong khu đất khoảng 20 ngàn m2 trên đường Như Nguyệt và Xuân Diệu thuộc Q.Hải Châu. Tuy nhiên vị trí quy hoạch xây dựng rạp Lê Độ đến nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ông Huỳnh Hùng cho biết, để nhà đầu tư làm riêng cái rạp Lê Độ thì khó, song giao cho họ đầu tư cả một khu đất, kết hợp kinh doanh, thương mại dịch vụ với rạp phim thì họ sẽ đầu tư. Theo hình thức đó, nhà đầu tư bỏ vốn xây rạp, TP vẫn quản lý, khai thác rạp phim đó.
Có thể thấy, việc xã hội hóa, kêu gọi đầu tư vào các dự án văn hóa ở Đà Nẵng đang rất khó khăn, nếu không nói bị "đứng bánh". Sở dĩ có thực trạng đó, theo ông Hùng có thể vì các dự án văn hóa như CVVHLSNHS số vốn quá lớn, khả năng sinh lời bị hạn chế so với đầu tư các lĩnh vực khác, vì thế nhà đầu tư không mặn mà. Nói gì đi nữa, khi bỏ vốn, bao giờ nhà đầu tư cũng tính đến lợi nhuận trước. Ở Đà Nẵng đời sống văn hóa đang trong quá trình phát triển, hưởng thụ văn hóa không lớn như TPHCM, lợi nhuận thu về không cao, không nhanh hơn các lĩnh vực khác... nên không kéo được nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
HẢI QUỲNH