Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng kiểm soát nguồn phóng xạ

Thứ ba, 19/09/2017 19:00

Những năm gần đây, năng lượng nguyên tử  được ứng dụng vào đời sống, sản xuất ở Đà Nẵng ngày càng nhiều. Hiệu quả nó mang lại rất lớn, tuy nhiên mặt trái không hề nhỏ, nếu chỉ xảy ra sự cố bức xạ, hạt nhân dù là nhỏ thì hậu quả cũng rất nặng nề. Liệu Đà Nẵng đã đủ năng lực xử lý những sự cố hạt nhân?

Tại Đà Nẵng hiện có 20 nguồn phóng xạ cố định đang được quản lý. Các nguồn phóng xạ này được dùng vào việc sản xuất công nghiệp, y tế, giao thông. Có 12 cơ sở thường xuyên sử dụng các nguồn phóng xạ này.

Những cảnh báo

Một sự cố hạt nhân chỉ xảy ra khi mất kiểm soát nguồn phóng xạ. Tuy vậy, trong thực tế, ngoài nguồn phóng xạ được quản lý, chỉ phát xạ khi được nhấn nút kích hoạt, thì vẫn có những nguồn phóng xạ tự phát. Ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cho biết, rất nhiều lĩnh vực đời sống và sản xuất ở Đà Nẵng đã ứng dụng năng lượng nguyên tử. Chẳng hạn dùng nguồn năng lượng này trong giao thông để đo độ nén nền đường, dùng trong y học chẩn đoán hình ảnh, trong sản xuất giấy đo độ dày của giấy, trong nông nghiệp nghiên cứu đột biến giống... Không thể phủ nhận hiệu quả to lớn của năng lượng nguyên tử, tuy nhiên ông Ngộ cũng cảnh báo, nếu việc quản lý nguồn phóng xạ không chặt chẽ, khoa học rất dễ xảy ra sự cố. Mà một khi có sự cố bức xạ, hạt nhân, hậu quả không chỉ là thiệt hại về kinh tế mà cả tính mạng con người.

Hiện nay quy định về quản lý nguồn phóng xạ tại các cơ sở sản xuất rất chặt chẽ, điều quan trọng là việc tuân thủ quy định đó, không để nguồn phóng xạ bị rò rỉ, phát tán ra ngoài. Tại Việt Nam cũng từng xảy ra một số sự cố bức xạ, hạt nhân khi nguồn phóng xạ bị phát tán ra ngoài. Điển hình tại Hà Nội vài năm trước, công nhân một nhà máy thép đã trộm bình kim loại trong kho mang đi bán phế liệu mà không biết bên trong có chứa nguồn phóng xạ. Khi quản lý kho nhà máy phát hiện, ra cửa hàng phế liệu chuộc lại thì vợ chồng vựa phế liệu lại nghĩ bên trong có gì quý hiếm mới chuộc, nên giấu giếm, rồi âm thầm mang lên tầng 2 ngôi nhà mở ra xem. Kết quả nguồn phóng xạ bị phát tán, quá trình thu hồi, tẩy xạ mất thời gian rất lâu, không chỉ tốn kém kinh phí mà còn gây hoang mang cho cả khu phố.

Ngoài nguồn phóng xạ được quản lý cố định, thì nguồn phóng xạ lưu động qua địa bàn Đà Nẵng cũng phải được kiểm soát. Bởi lẽ, có nguồn phóng xạ khi bị phát tán chu kỳ sống chỉ 20 giờ, nhưng cũng có loại kéo dài tới 30 năm, ảnh hưởng rất nặng nề. Thậm chí toàn bộ đất đai khu vực nhiễm xạ cũng khó xử lý.

DIỄN TẬP ỨNG PHÓ SỰ CỐ HẠT NHÂN TẠI ĐÀ NẴNG

Tại buổi diễn tập ngày 14-9, các công nhân mở nắp bình kim loại chỉ thấy 1 mẩu kim loại nhỏ.

Sau khi nghi nguồn phóng xạ bị phát tán, lực lượng chức năng
chuẩn bị các công đoạn xử lý sự cố.

Tiến hành đo đồng vị phóng xạ xác định nguồn phóng xạ.

Quan trắc khu vực xung quanh xem có nhiễm xạ hay không?

Ứng phó sự cố hạt nhân

Mối nguy hiểm từ sự cố hạt nhân rất lớn, vì thế  Đà Nẵng đã đầu tư kinh phí để mua các thiết bị xử lý sự cố hiện đại nhất. Ngoài ra, năm nào TP cũng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hạt nhân. Ngày 14-9, buổi diễn tập ứng phó sự cố hạt nhân cấp thành phố năm 2017 được tổ chức tại Cty Cổ phần Thép Đà Nẵng. Ông Thái Bá Cảnh- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cho biết, kịch bản diễn tập lần này được xây dựng dựa trên các tình huống có thật đã xảy ra trên thế giới, như vụ nguồn phóng xạ Cesi 137 vô chủ bị nấu lẫn sắt phế liệu ở Tây Ban Nha dẫn tới toàn khu vực nhà máy bị nhiễm xạ, hàng trăm tấn sắt thép tiêu thụ khắp Châu Âu bị nhiễm xạ phải thu hồi, chi phí tẩy xạ tiêu tốn hàng chục triệu USD. Hoặc tại Đài Loan, sắt thép xây dựng bị nhiễm xạ ảnh hưởng đến sức khỏe hàng ngàn hộ dân chung cư.

Tại Cty Thép Đà Nẵng không phải cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ, tuy nhiên lại có nguy cơ gây ra sự cố bức xạ, hạt nhân bởi nguồn phóng xạ tới từ nguồn phế liệu. Kịch bản diễn tập trong tình huống công nhân dỡ phế liệu thu mua về để chuẩn bị cho vào lò nấu thì phát hiện một hộp kim loại màu, bên trên có dòng chữ nước ngoài, hình vẽ lạ. 3 công nhân dùng búa, mỏ lết cố gắng mở lắp kim loại. Khi chỉ thấy trong đó một thỏi kim loại nhỏ, họ vứt ra bên cạnh vỏ hộp rồi tiếp tục công việc của mình. Một thời gian sau, người quản lý an toàn của Cty tới, nghi đó là nguồn phóng xạ bị phát tán liền báo cho các lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường xử lý sự cố. Ông Ngô Hữu Phú- Phó Tổng giám đốc Cty Thép Đà Nẵng cho biết, Cty luôn có bộ phận kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng phế liệu từ nơi nhập để kịp thời phát hiện có hay không nguồn phóng xạ. Trong mỗi công đoạn của nhà máy, các công nhân cũng luôn được tập huấn kiến thức để kịp thời loại bỏ các nguồn phóng xạ nếu có. Ông Phú cho rằng những đợt tập huấn xử lý sự cố hạt nhân thế này giúp Cty có nhiều kinh nghiệm, đảm bảo an toàn tối đa.

Đà Nẵng chưa từng xảy ra sự cố hạt nhân, tuy nhiên TP cũng đầu tư các thiết bị tiên tiến, đắt giá để nếu có sự cố sẽ kịp thời xử lý, giảm thiểu tối đa rủi ro. Nổi bật trong các thiết bị đó có máy SAM 945 GL dùng để nhận diện đồng vị phóng xạ, cả miền Trung chỉ có duy nhất một máy. Chiếc máy này cũng được dùng để quan trắc môi trường, đo mức độ nhiễm xạ trong tự nhiên xem có thuộc ngưỡng an toàn hay không.

HẢI HẬU