Đà Nẵng kiến nghị Trung ương giảm mức dự toán thu ngân sách 2017
(Cadn.com.vn) - “Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cần nhiều thông tin từ Đà Nẵng về quản lý thu chi ngân sách để trình Quốc hội, Chính phủ, kiến nghị Bộ Tài chính áp mức dự toán thu cho phù hợp. Chứ nếu áp mức dự toán năm 2017 cho Đà Nẵng tăng trên 30% thì quá cao và rất khó thực hiện” - đó là quan điểm của ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội tại buổi làm việc giữa đoàn Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội với TP Đà Nẵng về tình hình quản lý, thu chi quản lý ngân sách ngày 21-9. Ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì làm việc với đoàn.
Giao thu ngân sách không tưởng!
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính, để đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, ngay từ đầu năm 2016, thành phố đã đề ra giải pháp điều hành thu chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo đúng dự toán giao; đảm bảo cân đối tiến độ thu ngân sách với thực hiện nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách. Do đó, ước đến cuối năm 2016, thu nội địa cân đối đạt 14.286 tỷ đồng, đạt 120,1% dự toán Trung ương (DTT.Ư) giao, trong đó không tính tiền sử dụng đất là 12.286 tỷ đồng, đạt 117% so với DTT.Ư.
Tuy vậy, Bộ Tài chính lại đưa ra số ước cho Đà Nẵng là thu nội địa 15.740 tỷ đồng, đạt 132,3% DTT.Ư, cao hơn mức dự toán địa phương giao 1.454 tỷ đồng. Chính vì mức ước của Bộ trong năm 2016 quá cao so với thực tế đạt được của Đà Nẵng nên năm 2017, Bộ Tài chính giao dự toán thu nội địa trong cân đối là 19.504 tỷ đồng, bằng 123,9% so với ước thực hiện năm 2016 cao hơn Đà Nẵng dự kiến 3.997 tỷ đồng. Vì vậy, cần xem xét lại dự toán thu ngân sách 2017 của Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Đình Ân, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Đà Nẵng cho hay, hiện nay, Đà Nẵng có xấp xỉ 20.000 doanh nghiệp (DN), chi nhánh DN và đơn vị hành chính sự nghiệp nhưng có 14.200 đơn vị là có quyết toán thuế và trong số đó, chỉ có 40% DN làm ăn có lãi. Cũng theo ông Ân, đặc thù của nguồn thu Đà Nẵng biến động “làn sóng” bất động sản (BĐS), đầu năm thị trường sôi động nên nguồn thu cao, tuy nhiên, nửa cuối năm thì BĐS lại tụt xuống nên ảnh hưởng đến nguồn thu. Vì vậy, nếu loại trừ hết các yếu tố đất, thì thuế và phí thì mức tăng thu 14% là hợp lý.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Miên cho rằng, năm 2016, sau khi ngân sách trung ương căng thẳng, Bộ tài chính đề nghị Đà Nẵng phấn đấu thu thêm 2.500 tỷ đồng (600 tỷ đồng tiền đất và 1.900 tỷ đồng là thu thuế và phí tăng lên 12.400 tỷ đồng). Trong khi đó, nếu dự toán của Đà Nẵng năm 2016 là gần 12.300 tỷ đồng đã tăng 19,2% so với cùng kỳ 2015 mà thực ra, hiện nay, GDP tăng khoảng 9%, trừ đi khoản trượt giá, chống thất thu cộng với loại trừ các yếu tố chính sách thì tăng khoảng 14% là đã xây dựng sát với thực tế. “Điều bất hợp lý hơn là năm 2017, Bộ Tài chính giao thu 3.740 tỷ đồng tiền đất tăng 33,4% so với năm 2016, thu từ DN trung ương tăng 350 tỷ đồng, DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1.000 tỷ đồng (tăng 24,4%), DN ngoài quốc doanh tăng 1.355 tỷ đồng (tăng 41%), thuế thu nhập cá nhân tăng 290 tỷ đồng so với năm 2016... Đây là những con số không tưởng!”.
Ông Miên phân tích, Đà Nẵng khí hậu thất thường mùa nắng thì thu cao, mùa mưa tình hình DN kinh doanh buôn bán khó khăn nên thu thuế giảm. Bên cạnh đó, nguồn lực Đà Nẵng có giới hạn, với hơn 14.000 DN kê khai thuế trên địa bàn thì chỉ có 50 DN có số nộp thuế hàng năm khoảng 10 tỷ đồng trở lên và nguồn tài nguyên đất đai cạn kiệt thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. “Trung ương áp dụng cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng nếu vượt thu theo DTT.Ư thì được giữ lại 100%, nhưng lại áp mức thu quá cao thì làm sao mà vượt thu được. Vì vậy, có cơ chế đặc thù cũng như không”, ông Miên bày tỏ.
Sau khi nghe trình bày của Đà Nẵng, nhiều thành viên trong đoàn cũng bày tỏ quan ngại về chỉ tiêu Bộ Tài chính giao quá cao thì rất khó để Đà Nẵng đạt được.
Ông Đinh Văn Nhã cho rằng Bộ Tài chính áp mức thu quá cao cho Đà Nẵng. |
Cần hỗ trợ nguồn lực
Để Đà Nẵng trở thành động lực của khu vực miền Trung – Tây Nguyên thì thành phố cần thêm nguồn lực để đầu tư. Ông Phụng đề nghị Trung ương hỗ trợ thành phố 3 dự án quan trọng, có tác động liên kết vùng và khu vực, đó là dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng Bệnh viện Phụ sản – Nhi; tuyến đường Vành đai phía Tây đoạn từ QL 14B đến đường Hồ Chí Minh và Đê kè khẩn cấp chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn TP Đà Nẵng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với số vốn 4.379 tỷ đồng. Ưu tiên trước mắt là mở rộng Bệnh viện Phụ sản – Nhi.
Dự kiến đầu tư giai đoạn 2 là 2.200 tỷ đồng, trong Kết luận 75 của Bộ Chính trị có đề cập và Thông báo 186 của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định việc đầu tư này là bức thiết và ghi rõ là giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cân đối trong kế hoạch trung hạn từ nguồn vốn trung ương 2016 – 2020 từ nguồn trái phiếu Chính phủ hoặc là hỗ trợ có mục tiêu. Vì vậy, đề nghị Ủy Ban Tài chính Ngân sách Quốc hội có ý kiến để các Bộ, ngành hỗ trợ Đà Nẵng triển khai trong năm 2017.
Cũng theo ông Phụng để phát huy tối đa mọi nguồn lực xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế – xã hội miền Trung giai đoạn 2016 – 2020 Đà Nẵng cần nguồn vốn đầu tư là 44.264 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương 26.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương 4.211 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 4.379 tỷ đồng, vốn ODA 5.000 tỷ đồng và các nguồn vốn khác khoảng 4.600 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Nhã nhấn mạnh, đối với kế hoạch vốn đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 cần nhanh chóng phối hợp với các Bộ, ngành để chốt phương án cuối cùng trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để các Bộ, ngành làm kế hoạch dự toán đầu tư công sắp tới. Riêng, đối với dự án mở rộng Bệnh viện Phụ sản – Nhi và gần 1.000 tỷ đồng của Trung ương đang nợ thành phố, đoàn Ủy Ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội sẽ tổng hợp và có văn bản đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành đưa vào dự toán trong 2017.
Xuân Đương