Đà Nẵng làm gì để kiểm soát dịch?
Sau thời gian ngắn lắng xuống, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Để kiểm soát dịch, từ TP đến các đơn vị, địa phương đang đồng loạt triển khai nhiều biện pháp với quyết tâm cao.
Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm diện rộng để sàng lọc COVID-19.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP cho biết, hiện trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện nhiều điểm nóng về dịch bệnh như tại Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu, Công ty Matrix, Công ty thủy sản Thuận Phước, chợ Hòa Khánh, chợ Nam Ô, chợ An Hải Bắc, chợ Túy Loan, lán trại dưới chân núi Bà Nà, kiệt 317 Nguyễn Phước Nguyên (P. An Khê, Q. Thanh Khê)… Về cấp độ dịch, toàn TP có 33 xã phường cấp độ 1, 19 xã phường cấp độ 2 và 4 xã phường cấp 3. Trong đó, Q. Liên Chiểu có đến 3 phường cấp độ 3 nên từ 12 giờ ngày 9-12 quận này đã chuyển từ cấp 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp 3 (nguy cơ cao) để áp dụng các các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Theo ông Nguyễn Đăng Huy – Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu, các ca bệnh trên địa bàn quận rải đều trên tất cả các phường. Vì F0 tăng nhanh nên kéo theo số F1 cũng ở mức cao. Hiện, quận thực hiện cách ly tại nhà 720 F1 và cách ly tập trung 148 F1. “Từ đầu tháng 12 đến nay, quận xuất hiện hai chuỗi lây nhiễm có nguy cơ cao là chợ Hòa Khánh và khu vực đường Vũ Ngọc Phan. Bên cạnh đó, các khu cộng nghiệp vẫn rải rác phát hiện F0. Do ca mắc mới phát sinh nhanh, lực lượng chức năng tập trung truy vết F1, đưa F0 đi điều trị, dịch cũng đánh vào lực lượng tuyến đầu nên công tác phòng chống dịch đang gặp khó khăn. Quận đang thiếu lực lượng tham gia công tác truy vết dù đã được CDC tăng cường. Để kiểm soát tình hình, quận đã đề nghị các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chủ động thực hiện công tác xử lý bước đầu khi phát hiện F0; Sở Y tế, CDC quan tâm thành lập tổ truy vết nhanh hỗ trợ cho lực lượng y tế của quận. Đồng thời, quận đề xuất TP cho phép sử dụng các trường học trên địa bàn chưa tổ chức dạy học trực tiếp để làm khu cách ly khi F1 tiếp tục tăng cao”, ông Huy cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Q. Liên Chiểu, dịch đánh thẳng vào nơi đông người, cụ thể như chợ Hòa Khánh có tiểu thương từ nhiều nơi đến mua bán, kinh doanh nên việc đi tìm nguồn lây cũng khó khăn. “Thời gian qua, quận đã tập trung tuyên truyền bằng loa, băng rôn giúp người dân nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Bên cạnh đó, quận cũng đã kích hoạt các tổ tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Huy nói.
Ngoài Liên Chiểu, Q. Sơn Trà cũng đang là điểm nóng về dịch bệnh. Ông Huỳnh Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà cho biết, tính từ ngày 3-11 đến nay, quận đã phát hiện hơn 500 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 150 ca liên quan đến các công ty trong khu công nghiệp. “Khi phát hiện các ca bệnh mới, lãnh đạo quận đã xuống các phường tập trung chỉ đạo, khoanh vùng, truy vết, xử lý dịch. Quận cũng đã làm việc với 7 phường, rà soát lại các trạm y tế lưu động nhằm sẵn sàng kích hoạt điều trị F0 tại nhà khi số ca bệnh tiếp tục tăng. Riêng P. Thọ Quang hiện đã thí điểm điều trị 5 F0 tại nhà. Song song đó, quận cũng giám sát chặt F1 cách ly tại nhà để hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng”, ông Hùng nói.
Ngành Y tế Đà Nẵng đang lên kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người dân.
Theo bác sĩ Thạnh, dịch diễn biến phức tạp khiến không chỉ các địa phương mà ngành Y tế TP cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác truy vết F1, F2. Trong bối cảnh “mở cửa”, người dân đi lại nhiều nên khi trở thành F0 họ không nhớ rõ đã đi tất cả những đâu, thời điểm cụ thể thế nào. Bên cạnh đó, việc tháo dỡ các chốt kiểm soát dịch cửa ngõ TP cũng khiến nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng cao hơn bởi người đi về từ các tỉnh thành có dịch. “Hiện mầm bệnh trong cộng đồng đang rất nhiều. Vừa qua, Q. Liên Chiểu tiến hành xét nghiệm đại diện hộ gia đình đã phát hiện trên 60 F0. Nếu tiếp tục xét nghiệm diện rộng chắc chắn sẽ phát hiện thêm nhiều F0 nữa”, bác sĩ Thạnh nhận định.
Để kiểm soát dịch bệnh, bác sĩ Thạnh cho rằng, vấn đề cần làm bây giờ là tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm các nhóm trọng điểm, những người có triệu chứng; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm nguyên tắc 5K; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức bởi người dân vẫn còn lơ là, chủ quan trước dịch bệnh khi đã được tiêm 2 mũi vaccine. Sắp tới, TP cũng sẽ tiến hành tiêm bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho những người trên 60 tuổi suy giảm miễn dịch và tiêm mũi 3 cho những người đã tiêm 2 mũi.
Bác sĩ Trần Thanh Thủy – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho hay, hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn về các biện pháp phòng chống dịch cũng như các phương diện xét nghiệm, cách ly, điều trị mới. Các tỉnh thành cơ bản vẫn thực hiện theo 5 chiến lược của Bộ. Trong bối cảnh này, Sở sẽ tiếp tiếp tục rà soát các hộ dân đủ điều kiện để nhân rộng công tác điều trị F0 tại nhà nhằm để giảm tải cho các bệnh viện.
THÀNH DANH