Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng làm gì để tránh "hụt hơi" trong thu hút FDI?

Thứ sáu, 30/12/2022 14:01
Năm 2023 TP sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng công nghiệp tạo tiền đề thu hút các dự án FDI.

Trong số 43 dự án FDI được cấp mới vào Đà Nẵng năm 2022 với tổng vốn hơn 69 triệu USD thì chỉ 3 dự án vào KCN đã chiếm hơn 65 triệu USD. So với cùng kỳ, thu hút vốn FDI của Đà Nẵng đạt thấp và rất thấp nếu so với các địa phương lân cận. Nguyên nhân được lý giải do dịch bệnh các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi tới Đà Nẵng tìm cơ hội đầu tư, trong khi xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước tại nhiều quốc gia gia tăng nhằm khuyến khích, thúc đẩy đưa sản xuất và dòng vốn FDI trở về nước.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm, hầu hết các dự án FDI vào Đà Nẵng hiện nay tập trung vào KCN, tuy nhiên diện tích đất cho thuê tại các KCN đã được lấp đầy trên 85%, các khu, cụm công nghiệm mới lại đang trong giai đoạn đầu tư. Thêm vào đó, khi thu hút đầu tư vào những khu này phải có sự lựa chọn kỹ lưỡng đảm bảo tính bền vững, bảo vệ môi trường, công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, nên đòi hỏi cơ quan thẩm định phải cân nhắc, thẩm định kỹ trước khi cấp phép.

Đối với các dự án ngoài KCN thì thiếu quỹ đất sạch có quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để sẵn sàng kêu gọi đầu tư. Các dự án FDI cấp phép hiện nay ngoài KCN đều với quy mô nhỏ và chỉ thuê địa điểm để thực hiện dự án. Chưa kể, các dự án đề xuất đầu tư có liên quan đến đất đai cần phải thực hiện các thủ tục về quy hoạch, về đấu giá quyền sử dụng đất/đầu thầu dự án có sử dụng đất. Các thủ tục thường kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến công tác kêu gọi đầu tư. Cũng theo bà Trần Thị Thanh Tâm, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài chuyển qua xu hướng tìm hiểu, đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẵn có tại Việt Nam để thực hiện đầu tư qua hình thức mua cổ phần, phần vốn góp sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục và hiệu quả đầu tư có tính khả thi hơn. Do đó, dù tổng vốn đầu tư cấp mới dự án giảm nhưng việc góp vốn, mua phần vốn góp rất sôi động. Riêng tại Đà Nẵng năm 2022 có 51 lượt với tổng giá trị hơn 58 triệu USD, tăng 509,3% so với cùng kỳ.

Việc thu hút vốn đầu tư FDI được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Đà Nẵng, năm thực hiện chủ đề khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, để tăng cường thu hút đầu tư FDI thời gian tới, TP sẽ tập trung hoàn thành và phê duyệt quy hoạch các phân khu chức năng, hoàn thành quy hoạch 1/500. Đây được xem là tiền đề quan trọng, tạo quỹ đất, cơ sở để thu hút các dự án. Đặc biệt, xác định nguồn vốn FDI chủ yếu vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, vì thế TP sẽ tập trung để hoàn thiện các dự án hạ tầng này. Cụ thể, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các KCN Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm - giai đoạn 2, KCN hỗ trợ công nghệ cao Đà Nẵng, mở rộng Khu CNC… Sớm hoàn thành dự án Khu công viên phần mềm số 2 đưa vào vận hành, khai thác để thu hút một số đối tác lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Đà Nẵng. Ưu tiên đầu tư khớp nối hạ tầng kỹ thuật giữa các KCN, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung, cụm công nghiệp như về giao thông, điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông hay kêu gọi đầu tư các dự án Nhà ở xã hội cho công nhân.

Đà Nẵng "hụt hơi" trong thu hút những dự án FDI có vốn lớn như những năm trước.

Ngoài việc cải thiện hạ tầng kỹ thuật, Đà Nẵng cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực hơn. Trong đó, ngay từ đầu năm 2023 TP sẽ ban hành đề án xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào khu Công nghệ cao, KCN hỗ trợ, Khu CNTT tập trung; tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư với các dự án đã cam kết nghiên cứu thực hiện tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022. Ngoài ra, Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư tại chỗ như: tạo thuận lợi và giải quyết nhanh thủ tục cho các nhà đầu tư đang hoạt động tại thành phố tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc triển khai dự án; tiếp tục phối hợp với các cơ quan trung ương kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, đất đai, đầu tư để khơi thông nguồn lực; đa dạng hóa phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đã cấp phép để tái khởi động các dự án…

Đặc biệt, TP sẽ chú trọng xây dựng hạ tầng mềm như dịch vụ tài chính, trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm, dạy nghề, đào tạo nghề, trung tâm nghiên cứu, các cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu cao của các tập đoàn FDI lớn, tạo tiện ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

HẢI QUỲNH