Đà Nẵng lo chống ngập
(Cadn.com.vn) - Mỗi mùa mưa, hình ảnh đường phố hay một khu dân cư phút chốc biến thành sông sau một cơn mưa nặng hạt, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của người dân... lại hiện về. Mùa mưa này, Đà Nẵng có hết nỗi lo ngập?
Còn 58 điểm ngập
Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua đã tiến hành đầu tư giảm ngập và hết ngập được 37 điểm, tuy nhiên hiện Đà Nẵng vẫn còn 58 điểm ngập úng chưa thể giải quyết. Theo đó, trên địa bàn quận Hải Châu còn 2 điểm là khu vực nút giao thông đường Quang Trung- Đống Đa và đường Ông Ích Khiêm. Nguyên nhân gây ngập ở 2 điểm này được xác định là do việc đấu nối thoát nước tại nút giao thông này có nhiều bất cập về cao trình đáy cống và hệ thống thoát nước dọc đường qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, bùn đất bồi lấp làm tắc nghẽn dòng chảy.
Q. Thanh Khê vẫn còn 9 điểm ngập gồm khu vực hồ Thạc Gián- Vĩnh Trung, khu vực giữa đường Đỗ Quang và Nguyễn Hoàng, khu vực dọc cống liên phường Xuân Hà, cống liên phường Tam Thuận đoạn qua đường sắt, khu vực Trung Nghĩa, khu vực tổ 14 P. Thanh Khê Tây, đường Trường Chinh, khu vực lân cận hồ Phần Lăng 2 và khu vực đường sắt quay đầu. Nguyên nhân gây ngập úng ở các điểm Q. Thanh Khê là do khu vực thấp trũng, chưa có hệ thống thoát nước. Q. Sơn Trà còn 12 điểm ngập, Ngũ Hành Sơn còn 8 điểm ngập, Cẩm Lệ có 7 điểm, Hòa Vang có 4 điểm. Q. Liên Chiểu có nhiều điểm ngập nhất với 16 điểm.
Đường Hải Hồ bị ngập trong mùa mưa năm 2013. |
Ý thức được việc ngập úng ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nên từ lâu Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước. Và trong 58 điểm ngập còn lại, thành phố cũng đã có kế hoạch xử lý. Trong đó khu vực cống Tam Thuận đoạn qua đường sắt phía Bắc ga Đà Nẵng thuộc thẩm quyền của ngành đường sắt, đang chờ vốn để khắc phục. 10 điểm đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công trong năm 2014 hoặc 2015. 14 điểm thuộc phạm vi các dự án đang triển khai thi công dang dở nên chưa thể khớp nối hệ thống thoát nước. 17 điểm đã có chủ trương của UBND TP đưa vào dự án phát triển bền vững (dùng vốn vay Ngân hàng Thế giới), hiện đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. 16 điểm còn lại được xử lý bằng giải pháp tạm thời như nạo vét, khơi thông...
Một số công trình chống ngập úng trọng điểm đang được thực hiện như khu vực từ tổ 36 đến 39 P. An Hải Tây (Sơn Trà), UBND TP đã có chủ trương cho phép đầu tư xử lý thoát nước với kinh phí khoảng hơn 12 tỷ đồng; khu vực kiệt 111 đường 2 Tháng 9 (khu dân cư Tuyên Sơn 3) đã có chủ trương nâng cấp cải tạo đường nội bộ khu dân cư, kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Khu vực lân cận hồ Thạc Gián (đường Đỗ Quang- Nguyễn Hoàng ), Cty Thoát nước và xử lý nước thải đã thực hiện cải tạo hồ Thạc Gián, tăng cường điều tiết nước...
Không thể tránh ngập?
Với những điểm ngập như vậy, nếu mùa mưa năm nay diễn biến phức tạp và mưa lớn thì chuyện các tuyến phố của Đà Nẵng bị ngập sẽ tái hiện. Thực tế thời gian vừa qua, sau vài trận mưa có những tuyến đường trên địa bàn thành phố đã bị ngập, có nhiều nơi ngập cao hơn 20 cm. Khi được hỏi về điều này, ông Mai Mã, Giám đốc Cty Thoát nước và xử lý nước thải TP nói: "không thể tránh khỏi chuyện ngập". Ông Mã giải thích; "Nhờ có sự quan tâm đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó có hệ thống thoát nước nên việc ngập úng ở Đà Nẵng đã giảm đi rất nhiều.
Tuy nhiên không thể xử lý dứt điểm chuyện ngập, vì điều đó cần nguồn kinh phí rất lớn. Nếu lượng mưa năm nay vào khoảng 30 ml/giờ và mưa đều thì Đà Nẵng sẽ không có ngập. Còn nếu lượng mưa từ 70 đến 80 ml và chỉ cần mưa liên tục trong 15 phút thì Đà Nẵng sẽ có điểm ngập vì lúc đó hệ thống thoát nước sẽ quá tải thu gom nước từ mặt đường. Nhưng chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tối đa việc ngập, nên sẽ không có chuyện để ngập kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của người dân". Để hạn chế việc ngập úng trong mùa mưa, Cty Thoát nước và xử lý nước thải đã tiến hành tăng cường năng lực điều tiết nước cho các hồ như Vĩnh Trung, Thạc Gián hay công viên 29-3... phân luồng cống thoát nước, không để nước chảy tập trung về một điểm trũng gây ngập úng.
Công nhân Cty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố tiến hành nạo vét cống thoát nước trước mùa mưa. |
Ngoài ra còn tiến hành nạo vét, khơi thông những tuyến cống bị bùn, đất bồi lấp". "Trước khi mưa, chúng tôi tiến hành xả nước các hồ, để tăng năng lực nhận nước mưa của các hồ trên địa bàn thành phố, việc này đã có hiệu quả trong mùa mưa năm 2013. Điều tôi lo hiện nay là các điểm ngập ở các dự án, bởi do vướng giải tỏa hoặc khó khăn về nguồn vốn nên những nơi này không được đầu tư xây dựng cống thoát nước, dẫn đến tình trạng ngập nặng. Trong khi đó thành phố đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án phải khớp nối hệ thống thoát nước hoặc xử lý tạm thời, nhưng không nhiều chủ đầu tư thực hiện", ông Mã nói.
Việc ngập úng là vấn đề khó của rất nhiều đô thị khi mà biến đổi khí hậu, triều cường diễn ra rất mạnh. Vì vậy, những kết quả của Đà Nẵng trong việc giảm thiểu, hạn chế ngập úng là điều đáng mừng. Tuy nhiên về lâu dài cần sự đầu tư và chính sách nhất quán cho vấn đề này, để không còn cảnh những tuyến phố ngập nước trong tương lai.
Hoàng Anh