Đà Nẵng loay hoay gỡ rối hàng trăm héc-ta đất hoang
Hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp của Đà Nẵng bỏ hoang nhiều năm do ảnh hưởng từ các dự án. Trong khi đó, mỗi năm TP vẫn phải chi hàng tỷ đồng hỗ trợ người dân có đất nông nghiệp không sản xuất được. 2 năm trước TP có quyết định phân kỳ thu hồi, đền bù thỏa đáng cho người dân để xử lý dứt điểm tình trạng này, tuy vậy loay hoay mãi đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Người nông dân ở Hòa Nhơn (Hòa Vang) bên ruộng lúa bị sa bồi không thể sản xuất được. |
Lãng phí "kép"
Trong khi nông dân có đất không sản xuất được thì TP vẫn phải chi ngân sách hỗ trợ nông dân, đây là sự lãng phí "kép". Điều đáng nói, diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được đang biến động tăng lên qua từng năm. Ông Trần Chí Cường - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng nói, qua rà soát đất nông nghiệp không sản xuất được đã tăng từ 250 ha lên 348 ha (tăng hơn 97 ha). Việc gia tăng này do TP đang trong quá trình đô thị hóa, ảnh hưởng của các dự án nhiều hơn. Mặt khác, việc quy hoạch treo các dự án khiến người dân không mặn mà sản xuất, có tâm lý chỉ chờ được hỗ trợ vụ mùa hàng năm. Đơn cử như ở thôn Trước Đông, Phước Hưng của xã Hòa Nhơn, thôn Túy Loan, Bồ Bản của xã Hòa Phong có tình trạng mặc dù đất vẫn đủ điều kiện để sản xuất nhưng người dân cố tình để hoang hóa, đưa vào diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được để nhận hỗ trợ.
Cũng theo ông Cường, ở nhiều địa phương việc quản lý lỏng lẻo dẫn tới xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chẳng hạn như ở Liên Chiểu, 3 dự án gồm Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn, Khu trung tâm thể thao quốc gia, Khu dân cư mở rộng Hòa Khánh Nam là nhóm đất nông nghiệp theo kế hoạch thu hồi, xử lý từ năm 2018 nhưng đến nay chưa triển khai được do vướng xây dựng trái phép. Năm 2019, Đà Nẵng chi hơn 3,9 tỷ đồng hỗ trợ nông dân có đất nông nghiệp không sản xuất được, nhưng năm 2020 con số hỗ trợ sẽ tăng lên khi diện tích đất này đã biến động tăng đáng kể.
Ông Võ Tấn Hà - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, hiện Sở đã đề nghị các quận, huyện rà soát quỹ đất nông nghiệp không sản xuất được và đề xuất giải pháp làm cơ sở thu hồi như ghép vào đồ án quy hoạch kế cận, hình thành đồ án quy hoạch mới hoặc các giải pháp khác. Theo đó, Hòa Vang có 65 ha đất không sản xuất được nằm ngoài (không thể ghép vào các đồ án quy hoạch kế cận) sẽ đề xuất cải tạo phục hồi sản xuất nông nghiệp khoảng 4ha, còn lại gần 61 ha quy hoạch dự án mới. Trước mắt cho phép lập quy hoạch 7 dự án với tổng diện tích gần 12 ha, điều chỉnh mục đích quy hoạch khu đất dự trữ ven sông phía Bắc Khu E-Khu tái định cư Nam cầu Cẩm Lệ thành dự án quy hoạch mới Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ đô thị để kêu gọi đầu tư, với diện tích 7,57 ha.
Về giải pháp tổng thể, ông Cường cho biết, với 232 ha nằm trong quy hoạch dự án cần lập kế hoạch tiến độ triển khai thực hiện các dự án đồng thời đề xuất bố trí kế hoạch vốn để thực hiện thu hồi đất, đền bù giải tỏa. Với 63 ha chưa nằm trong quy hoạch dự án, nếu còn có thể phục hồi sản xuất cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số trường hợp đất đủ điều kiện sản xuất nhưng người dân không sản xuất sẽ căn cứ quy định thu hồi giao cho người có nhu cầu sản xuất để tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Đặc biệt, với đất không thể tiếp tục sản xuất cần lập quy hoạch, đền bù, thu hồi và giao địa phương quản lý làm quỹ đất dự trữ.
Tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn phức tạp. |
Phải thận trọng khi thu hồi
Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho hay, phải hết sức thận trọng khi thu hồi đất nông nghiệp còn sản xuất được để triển khai dự án. Bởi lẽ, mục tiêu TP hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sau này cần đất để sản xuất. Hơn nữa, về nguyên tắc, muốn thu hồi đất phải có dự án, tuy nhiên, để lập dự án cho tất cả các khu đất hiện nay đòi hỏi tính toán, nghiên cứu ngoài việc phù hợp pháp luật ra thì còn phải tính đến chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Do vậy, thuận lợi nhất, nên cho các nhà đầu tư quan tâm đến hoạt động sản xuất nông nghiệp được tiếp cận để lập dự án sản xuất nông nghiệp CNC. Điều này rất có lợi vì nhà đầu tư vào đây đền bù người dân sẽ được giá cao, khi họ đã có mục tiêu đầu tư dự án thì lúc đó khu đất sẽ sử dụng hiệu quả. Còn hiện nay, nếu TP thu hồi, đưa vào quỹ đất dự trữ sẽ đối mặt nhiều vấn đề, trong đó có việc tái lấn chiếm. Thứ nữa, nếu TP thu hồi phải có chi phí đầu tư hạ tầng, ít nhất là san lấp mặt bằng, trong điều kiện kinh phí hiện nay chưa có.
Ông Hùng nhấn mạnh: Những khu đất có thể sản xuất nông nghiệp được ưu tiên cho các nhà đầu tư nông nghiệp CNC, còn các khu đất nằm trên các trục đường giao thông có yếu tố thương mại được thì thu hồi để chuyển mục đích sử dụng đất thương mại. Người dân thấy đất của mình không sản xuất được rất muốn thu hồi, đền bù, nhưng việc chỉ nhắm tới mục tiêu đền bù đó thì rất ngắn hạn. Phải tính toán cụ thể từng khu đất, vai trò của địa phương rất quan trọng, chính địa phương mới thấy được từng khu đất đó dùng vào việc gì thì phát huy hiệu quả nhất. Hiện nay, nếu giao cho Sở Xây dựng để quy hoạch tất cả các khu đất này cũng không phù hợp.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói rằng, đất nông nghiệp trong các dự án treo, đơn cử như dự án làng đại học, không có lý gì không sản xuất được. Vì vậy, cần tính những diện tích đất nông nghiệp thực sự không sản xuất được, như bị xa bồi bởi các dự án, bị san lấp tắc dòng không còn thủy lợi... Những diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng như vậy thì nên tính toán bố trí vốn thu hồi giao địa phương quản lý. Còn sử dụng quỹ đất đó làm gì hay đưa vào các dự án lân cận giúp mở rộng dự án theo ông Thơ phải thận trọng.
Như vậy, bài toán hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp "bị" bỏ hoang gây lãng phí Đà Nẵng "giải"suốt mấy năm chưa xong, trong khi hàng năm, TP vẫn phải xuất ngân sách hỗ trợ vụ mùa cho người dân. Nghịch lý này tồn tại đến bao giờ?
HẢI QUỲNH