Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng “mở hướng” cho doanh nghiệp phát triển

Thứ hai, 12/09/2016 09:46

(Cadn.com.vn) - Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, liên kết, hợp tác kinh doanh; khuyến khích cộng đồng DN trên địa bàn chủ động trong việc trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN,... để đến năm 2020 Đà Nẵng phấn đấu có 30.000 DN. Đó là nội dung được đề cập tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh với lãnh đạo Sở, ngành về Đề án phát triển DN Đà Nẵng đến năm 2020.

Cần sớm đầu tư các cụm công nghiệp

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, Quyết định 39/2014 của UBND TP cấm 19 ngành nghề không được mở cơ sở sản xuất trong khu dân cư, trong khi đó hầu hết các DN Đà Nẵng là DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ họ chỉ cần diện tích từ 100 – 500m2 để làm cơ sở sản xuất khi làm thủ tục lên Sở KH & ĐT thì bị từ chối họ phản ánh lên Sở Công Thương là thành phố cản trở không cho mở DN và không cho mở rộng sản xuất kinh doanh. Nếu đặt mục tiêu tăng thêm 12.000 DN đến năm 2020 là không khả thi.

Bên cạnh đó, hiện tại thành phố chưa có các cụm công nghiệp nhưng các khu công nghiệp lại không chấp nhận các DN quy mô nhỏ, trong thời gian qua đã có rất nhiều DN nhỏ chấp nhận đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại tìm đến Sở Công Thương, Sở KH & ĐT với dây chuyền công nghệ rất tốt nhưng không thể giải quyết được. Vì vậy, bà Mai kiến nghị xem xét và điều chỉnh lại Quyết định 39 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, chỉ nên hạn chế những sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm môi trường và khuyến khích những đơn vị đầu tư dây chuyền công nghệ tốt thì cho mở trong khu dân cư. Cũng theo bà Mai, để đáp ứng mặt bằng cho DN sản xuất, đáp ứng được mục tiêu tăng về số lượng và quy mô DN thì thành phố cần sớm quy hoạch thêm 6 cụm công nghiệp mới, trong đó, Q. Cẩm Lệ 2 cụm, H. Hòa Vang 2 cụm và Q. Liên Chiểu 2 cụm.

Cũng đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng cho biết nhu cầu bức xúc hiện nay của DNNVV là mặt bằng sản xuất. Thành phố yêu cầu DN di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư nhưng không biết di dời đi đâu buộc phải dừng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô thì làm sao để DN phát triển, DN lớn được. Trong khi đó, Hiệp hội đã đề xuất thành phố xin một khu đất đầu tư một cụm công nghiệp nhưng 2 năm rồi vẫn không được.

Ông Lý gợi ý, trước mắt chỉ làm một số cụm công nghiệp quy mô nhỏ chừng 5ha nằm ở các vùng lân cận, chứ nếu đưa lên các vị trí quá xa thì chi phí vận chuyển sản phẩm về lại thành phố rất lớn, giá thành không thể cạnh tranh thì họ không mặn mà thuê đất nên cụm công nghiệp mở ra nhưng để trống năm này qua năm khác trong khi đó, DN thì không có mặt bằng sản xuất kinh doanh. Đây cũng là nghịch lý thường xảy ra trong thực tế cần phải khắc phục.

Đà Nẵng nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Trong ảnh: Sản xuất tại Cty Hòa Thọ.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh

Theo ông Nguyễn Thương hiện nay tại tổ tiếp nhận và trả kết quả một cửa thành phố luôn luôn trong tình trạng quá tải, người dân và DN phải xếp hàng chờ. Bên cạnh đó,  ngay bãi giữ xe còn nhiều bất cập đối với người dân và DN đến giao dịch. Vì vậy, ông Thương đề nghị thành phố cần mở rộng tổ một cửa, bố trí thêm cán bộ để hướng dẫn, giải quyết các thủ tục cho người dân và DN. Trước mắt, tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương án triển khai tiện ích đăng ký hẹn giờ giao dịch tại trung tâm hành chính thành phố. Thay vì chờ đợi đến lượt giải quyết tại bộ phân tiếp nhận và trả kết quả, các DN, công dân sẽ gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến Trung tâm thông tin dịch vụ công 05113881.888 để hẹn giờ giải quyết thủ tục hành chính.

Để tạo điều kiện phục vụ tốt hơn cho người dân và DN, ông Thương kiến nghị, thành phố nên lấy sân Tennis đang để trống làm bãi đậu xe cho người dân đến giao dịch tại trung tâm hành chính.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, để công tác quảng bá xúc tiến nhà đầu tư, DN đạt hiệu quả cao hơn, ông Vinh đề nghị thành phố cần liên kết các trung tâm xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư lại với nhau, thậm chí chỉ cần thành lập một đầu mối chính. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch.

Theo ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Giám đốc Cty Giày BQ, cần sàng lọc DN chọn DN tốt để đầu tư, muốn phát triển DN mới thì cái nền cũ phải tốt để có thể dẫn dắt. Ngoài ra, thành phố nên có sổ tay DN xem như là cẩm nang cho các DN khởi nghiệp.

Ở góc độ vốn cho DN, ông Đoàn Ngọc Vui, Phó Giám đốc Quỹ đầu tư và Phát triển thành phố cho biết hiện nay nguồn vốn Quỹ khá dồi dào, ngoài nguồn vốn ngân sách thành phố cấp, Quỹ cũng đã huy động của WB 212 tỷ đồng và cơ quan phát triển Pháp 10 triệu EUR, vì vậy, ông Vui đề nghị Hiệp hội DN thông báo cho DN liên hệ quỹ vay vốn trung và dài hạn 15 năm với lãi suất chỉ 7%/năm. Ông Vui cũng kiến nghị UBND TP cho Quỹ đầu tư bỏ tiền xây dựng một cụm công nghiệp, từ đó kêu gọi DN đầu tư vào.

Tại buổi làm việc, đại diện các Sở, ngành, quận, huyện cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho DN phát triển.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh, ghi nhận ý kiến đóng góp của các sở, ngành và Hiệp hội DN, đồng thời yêu cầu các sở, ngành thực hiện nghiêm túc bản cam kết giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp với TP Đà Nẵng về tạo lập môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho DN; thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức thanh, kiểm tra liên ngành đối với DN, không tổ chức riêng lẻ mất thời gian của DN; Sở KH & ĐT sớm hoàn thiện quy trình tiếp nhận xử lý các kiến nghị vướng mắc của DN; tổ chức đối thoại với DN định kỳ; Xây dựng nội dung để quảng bá xúc tiến đầu tư tại Hội nghị APEC 2017,...

Xuân Đương