Đà Nẵng mở rộng đô thị về phía Tây
Trong tầm nhìn Nghị quyết 43 và ý tưởng quy hoạch chung Đà Nẵng của tư vấn Singapore đều xác định Đà Nẵng là đô thị lớn, trước khi là TP thông minh, sinh thái, sáng tạo... Để là “đô thị lớn” trong điều kiện quỹ đất phát triển vùng lõi còn lại chưa tới 17% buộc Đà Nẵng phải mở rộng TP về phía Tây, cụ thể là Hòa Vang.
Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan qua Hòa Vang, phía Tây của Đà Nẵng sẽ là động lực phát triển khu vực. |
Vậy hạ tầng giao thông kết nối, quy hoạch phân khu chức năng vùng đồi núi phía Tây được thiết kế ra sao?
Núi đồi cũng là đặc trưng
Đà Nẵng không chỉ có biển (TP biển) hay sông (TP sông nước) mà còn có cả đặc trưng là đồi núi, do vậy “đô thị lớn” phải bao gồm các phân vùng mang cả 3 đặc trưng này. Ông Lim Siah Gim - Giám đốc Dự án Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng cho biết, tới 2045 mật độ dân số Đà Nẵng rất cao (hơn 10 ngàn người/1km2), ngoài phát triển đô thị nén ở trung tâm buộc phải mở rộng TP về phía Tây. Cụ thể, sau năm 2030 sẽ phát triển những khu vực vùng đồi núi phía Tây với nhiều chung cư cao tầng. Như vậy cấu trúc đô thị Đà Nẵng gồm 3 phân vùng, trong đó vùng mặt nước dọc sông, biển và trung tâm TP hiện nay sẽ xây nhà không quá 12 tầng. Những ngọn đồi, cây xanh sẽ là khu công viên ở giữa đô thị, phát triển mật độ thấp và thấp tầng do vùng đất đồi hạn chế phát triển. Và cuối cùng, khu vực sườn đồi phía Tây với đặc điểm các đồi sinh thái, tương lai sẽ phát triển các khu ở cao tầng từ 15-20 tầng để đáp ứng nhu cầu dân số. Đến 2045, dân số trẻ sẽ phải sống dịch về ngoại thành, chung cư phía Tây TP. Cũng theo ông Gim, với cấu trúc đô thị này, Đà Nẵng sẽ có 2 vành đai phát triển kinh tế, ở phía Bắc là KCN công nghệ cao, CNTT và phía Nam là Khu đổi mới sáng tạo kết hợp nông nghiệp CNC (khu vực này đang có dự án làng đại học, khu đô thị FPT).
Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho rằng, hạn chế của đô thị Đà Nẵng là địa hình dốc, thiếu đồng bằng, quỹ đất dự trữ phát triển còn ít, giao thông nội bộ còn bất cập. Tuy vậy, ý tưởng quy hoạch 3 vùng phát triển mà tư vấn Surbana Jurong (Singapore) đưa ra đã khắc phục những hạn chế đó. Không gian đô thị Đà Nẵng được mở rộng, không bị các hạn chế về đồi núi cản trở. Nói cách khác, đô thị Đà Nẵng vừa khai thác được không gian đặc trưng núi đồi ngay trong lòng TP, vừa có thể mở rộng diện tích đô thị, hướng đến “đô thị lớn”. Tuy vậy, ông Dũng cũng lưu ý rằng, tại 3 phân vùng đều phải tính đến phát triển hỗn hợp (ở, việc làm...) nhằm giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, tránh việc giao thông chồng chéo do nơi ở và nơi làm không cùng chỗ. Ông Dũng cũng lưu ý Sở Xây dựng về các dự án đang nghiên cứu phía Tây nhằm đảm bảo định hướng là chung cư cao tầng trong tương lai.
Kết nối không gian thế nào?
Nếu phía Đông ven sông, biển của Đà Nẵng đã tương đối phát triển thì phía Tây đặc trưng đồi núi vẫn còn đất đai rất lớn để phát triển. Hiện nay, nhiều công trình trọng điểm về giao thông, công nghệ cao cũng đã được xây dựng ở phía Tây nhằm tạo động lực phát triển cho khu vực này. Với tầm nhìn là “đô thị lớn” thì khu vực phía Tây đang được định hình là vùng động lực sôi động của Đà Nẵng trong tương lai. Hiện tại ngoài các tuyến cao tốc nối từ Quảng Ngãi tới Huế (sắp tới là Quảng Trị) đi dọc phía Tây của Đà Nẵng thì các tuyến đường vành đai phía Bắc, phía Nam cũng đã kết nối thẳng Hòa Vang xuống biển, từ Tây sang Đông. Các khu Công nghệ cao, Công nghệ thông tin và hàng loạt khu đô thị phía Tây, Tây Bắc của Đà Nẵng cũng đang được xây dựng rầm rộ. Ông Lim Siah Gim cho biết, tuyến đường sắt Bắc – Nam mới qua địa phận Đà Nẵng sẽ được kẹp sát tuyến cao tốc để tận dụng cùng hành lang, tránh việc phải chia cắt đô thị Đà Nẵng thành 3 mảnh như quy hoạch trước. Ga hành khách mới cũng sẽ được xây dựng ở Hòa Tiến để phát triển khu vực này thay vì ở Hòa Khánh. Ông Đặng Việt Dũng cho biết, ga hành khách bố trí tại Hòa Tiến nhưng ga hàng hóa vẫn phải bố trí tại phía Bắc để gắn với các khu công nghiệp, công nghệ cao. Với hướng tuyến đường sắt hiện tại có thể nghiên cứu phát triển giao thông công cộng nội đô (có thể là đường sắt đô thị).
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói rằng, trong quy hoạch phải có tầm nhìn mở rộng chứ không nên bó hẹp trong không gian hành chính. Không nên chỉ nghĩ Đà Nẵng có 821km2 trên đất liền mà phải nghĩ phát triển rộng gắn với Điện Bàn, Tam Kỳ, Hội An... “Quay lại cách tiếp cận, có người nói nên nhập Quảng Nam – Đà Nẵng về một mối như ngày xưa không? Tôi bảo cái đấy khác, nhưng một cách tự nhiên một ngày nào đó nó sẽ thành một. Ví dụ Đà Nẵng và Hội An chúng ta có tuyến xe tàu điện trên cao, có tuyến BRT, có tuyến khơi thông sông Cổ Cò, có mấy tuyến đường bộ đó thì đô thị Đà Nẵng sẽ về tận tới Hội An, cần gì phải có ranh giới nữa”- ông Nghĩa nói.
Trở lại quy hoạch chung Đà Nẵng, nếu mở rộng không gian đô thị về phía Tây thì đồi núi, độ dốc không còn là điểm hạn chế mà sẽ là đặc trưng, tạo bản sắc cho đô thị Đà Nẵng. Như chia sẻ của KTS Ngô Viết Nam Sơn, Đà Nẵng có bản sắc đô thị hiếm có trên thế giới, đó là có sông, biển, núi đồi ngay trong lòng TP. Mặt khác, nếu vượt qua được hạn chế về không gian đồi núi phía Tây thì Đà Nẵng sẽ trở thành “đô thị lớn”, có khả năng kết nối không gian đô thị lân cận từ Lăng Cô, Điện Bàn, Hội An... mà không bị gò bó, phân tách bởi ranh giới hành chính.
HẢI QUỲNH