Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng mổ xẻ ngôi vị quán quân PCI: “Mới chỉ là phong độ, chưa phải là đẳng cấp”

Thứ sáu, 05/06/2015 12:11

(Cadn.com.vn) - Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ tại Hội thảo “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng” tổ chức vào ngày 4-6.

Lãnh đạo thành phố cho rằng, trong 10 năm đồng hành cùng PCI, thành phố đã có 5 lần giữ vị trí quán quân và luôn nằm trong nhóm “rất tốt” của cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với sự bứt phá của nhóm dưới cũng như việc một số tiêu chí bị giảm điểm, Đà Nẵng “hãy cảnh giác”!

 

“Chúng ta tự hào chứ không được phép tự mãn. Các tỉnh bạn đã bám sát, thu hẹp khoảng cách với chúng ta. Cuộc đua PCI không dừng, hãy cảnh giác. Ngôi vị quán quân này chỉ mới là phong độ chứ chưa phải là đẳng cấp, nó có nguy cơ mất ngôi bất cứ lúc nào. Quán quân nhưng còn mong manh, phập phù lắm”.

(Bí thư Thành ủy Trần Thọ)

 

“Nhiều nơi thấy bị tụt hạng thì cho rằng mình đã phấn đấu hết mình nhưng doanh nghiệp đánh giá chưa công bằng, chưa chính xác. Còn ở Đà Nẵng, lãnh đạo tự thấy mình tụt hạng như thế là còn được châm chước, chứ không còn tụt nữa, thăng hạng lại thấy chỉ mới là phong độ chứ chưa phải đẳng cấp. Điều đó cho thấy lãnh đạo thành phố luôn nhận thức về PCI và tiếp nhận đánh giá của người dân, doanh nghiệp một cách rất cầu thị”.

(Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc )

Còn mong manh, phập phù

Năm 2008, PCI Đà Nẵng đánh dấu một bước đột phá, nắm giữ vị trí thứ nhất và tiếp tục dẫn đầu toàn quốc vào các năm 2009, 2010. Tuy nhiên, vị thế này không giữ được bao lâu khi năm 2011 đã tụt xuống thứ 5 và năm 2012 xuống thứ 12 với sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều địa phương khác. Với quyết tâm lấy lại ngôi vương, Đà Nẵng đã có nhiều cải cách, trở lại đường đua và về nhất liên tục trong năm 2013 và “Năm doanh nghiệp 2014”. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, so với năm 2013, PCI 2014 của Đà Nẵng có vài chỉ số thành phần tăng điểm và thứ hạng nhưng vẫn còn một số chỉ số chưa thật bền vững. Đặc biệt, có 4 chỉ số giảm cả điểm số lẫn thứ hạng là Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Thiết chế pháp lý và Cạnh tranh bình đẳng. Vì vậy, việc cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần và duy trì ổn định vị thế dẫn đầu đang là một thách thức không nhỏ.

Lãnh đạo thành phố và nhiều chuyên gia mổ xe ngôi vị quán quân PCI năm 2014 của Đà Nẵng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương, hầu hết các chỉ số thành phần có điểm số biến động tăng, giảm qua các năm, nhưng đã thể hiện xu hướng chung là có sự suy giảm dần của điểm số. Đặc biệt là như những chỉ số có số điểm trung bình khá thấp qua các năm như Thiết chế pháp lý, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian để thực hiện các quy định, Chi phí không chính thức, Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, đã thể hiện xu hướng suy giảm điểm số rõ nét so với các năm trước. Ông Võ Duy Khương lý giải, nguyên nhân có thể doanh nghiệp ngày càng giảm lòng tin hơn trước đối với việc tổ chức thực hiện của các sở, ngành, mặc dù trên tổng thể cả về chính sách và sự điều hành của chính quyền thành phố đã có sự nỗ lực một cách rõ rệt.

Điển hình là về thủ tục hành chính phức tạp, về chi phí không chính thức, về thời gian... khi tiếp cận đất đai, quy hoạch, xây dựng mà doanh nghiệp phải đối mặt. Những vấn đề này trong nhiều năm qua chưa có sự chuyển biến thật sự căn bản và tích cực. Nếu một trong các chỉ số có điểm số dưới 5 mà các chỉ số khác không tăng điểm số thì vị trí của Đà Nẵng sẽ tụt hạng ngay lập tức.

Người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính
tại bộ phận một cửa, Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng.

Cuộc đua không dừng

Sau khi dành cho Đà Nẵng những lời khen về việc thường xuyên nằm trong top đầu về xếp hạng PCI, trong đó có 5 lần giữ vị trí quán quân, ông Đậu Anh Tuấn – Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đưa ra những lời cảnh báo cho hành trình giữ ngôi vương của Đà Nẵng. Thứ nhất, dù là nhà vô địch PCI nhưng Đà Nẵng chỉ đứng đầu 1/10 lĩnh vực (chỉ số Đào tạo lao động). Tiếp đó, gần một nửa số doanh nghiệp dân doanh được khảo sát cho rằng họ chưa được tham vấn chính sách thường xuyên; gần 40% doanh nghiệp cho rằng rủi ro bị thu hồi đất nhiều hơn ở các địa phương khác; chi phí không chính thức có xu hướng gia tăng; nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, chế độ thanh kiểm tra còn nhiều và chồng chéo. Không những thế, ngay cả việc giữ vị trí số 1 về chỉ số đào tạo lao động nhưng thành phố đang đối mặt với dấu hiệu sụt giảm về chất lượng lao động.

Với việc áp sát về điểm số của các tỉnh thành trong thời gian gần đây, để giữ vững "ngôi vương", ông Võ Duy Khương cho rằng Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm. Quan trọng nhất là phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai đồng bộ các chính sách phát triển cũng như công tác thông tin và truyền thông đến doanh nghiệp.

“PCI trong 10 năm qua đã phản ánh rõ nét về môi trường đầu tư và năng lực quản lý kinh tế của chính quyền thành phố, trong đó có nhiều giai đoạn được tỏa sáng nhưng cũng có thời điểm “sa sút” do chủ quan, xem nhẹ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Thực hiện được các giải pháp nêu trên không những góp phần duy trì, phát triển vị trí dẫn đầu chỉ số PCI của Đà Nẵng trong những năm đến mà còn là nâng cao vị thế về kinh tế, chính trị của thành phố lên một tầm cao mới trong tương lai”, ông Võ Duy Khương nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Trần Thọ nhấn mạnh, đạt được danh hiệu quán quân PCI là một việc hết sức khó, nhưng giữ được vị trí đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của thành phố càng khó hơn khi khoảng cách của cuộc đua ngày càng bị thu hẹp còn Đà Nẵng lại có dấu hiệu chững lại hoặc thụt lùi ở một số chỉ tiêu. “Tôi đặt câu hỏi với lãnh đạo thành phố rằng: cộng đồng doanh nghiệp đã vinh danh mình như thế, vậy mình phải làm gì để xứng đáng với niềm tin, sự đánh giá của doanh nghiệp dành cho mình, chứ không được khen rồi sướng quá, ông ngồi rung chân thì chết”. Đồng chí Trần Thọ chỉ đạo, không phải tập trung cho “Năm Văn hóa, văn minh đô thị” rồi quên mất doanh nghiệp, mà phải dựa vào kết quả của Năm doanh nghiệp 2014 và đề án phát triển doanh nghiệp từ nay đến năm 2020 để đồng hành cùng họ. Việc cấp thiết của thành phố chính là bổ sung, hoàn thiện các thể chế chính sách. Tiếp đó là phải đảm bảo nhất quán giữa chủ trương, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố với việc thi hành của cán bộ sở ngành, quận huyện vì có khi việc này còn có độ vênh, có khoảng cách hơi xa. Có mạnh dạn nhìn ra những điểm yếu thì mới thật lòng với doanh nghiệp. Chứ đã đứng nhất nhiều năm rồi mà còn nhiều vấn đề như thế, huống chi mình đứng mười thì sẽ như thế nào.

“Sau hội nghị này chúng ta phải cải thiện cho bằng được các chỉ số PCI. 6 cái chúng ta tốt thì phải tiếp tục nâng điểm, còn những cái chưa tốt thì thủ lĩnh của ngành đó phải tham mưu, chỉ đạo khắc phục. Mặc dầu đứng nhất nhưng tôi thấy như thế chưa phải là... ngon! Phải gồng mình lên, phải xốc lên, phải phấn đấu nhiều lắm thì nó mới bền vững được. Cho nên hội thảo này, chúng ta mạnh dạn chỉ ra những điểm mình chưa “ngon” để lãnh đạo thành phố từ người cao nhất đến lãnh đạo các sở, ban ngành, các địa phương chung tay góp sức giữ vững ngôi vị, qua đó phát triển KT-XH thành phố”, đồng chí Trần Thọ chỉ đạo.

Công Khanh