Đà Nẵng nên trồng cây xanh đô thị theo chủ đề
“Cả thành phố Đà Nẵng là một công viên lớn được quy hoạch phát triển dựa vào khung thiên nhiên, có ý tưởng với các tuyến phố trồng cây theo chủ đề, các vườn hoa, công viên là điểm nhấn đẹp, sinh thái, độc đáo, có bản sắc riêng nằm dưới dải Trường Sơn hùng vĩ và ngay bên vịnh Đà Nẵng xinh đẹp” - đó là gợi ý của TS - KTS Trương Văn Quảng, Phó tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng về việc phát triển cây xanh đô thị Đà Nẵng.
TS- KTS Trương Văn Quảng. |
P.V: Ông đánh giá như thế nào về cây xanh đô thị Đà Nẵng hiện nay?
TS- KTS Trương Văn Quảng: Hệ thống cây xanh đô thị Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường cảnh quan, tỷ lệ diện tích cây xanh, cơ cấu cây trồng chưa hợp lý và vẫn còn thiếu chiến lược, giải pháp đồng bộ để phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Công tác quản lý cây xanh còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây, tỉa cành,... còn tùy tiện làm giảm mật độ che phủ và khả năng sinh tồn của cây. Việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, thiếu quy hoạch, lựa chọn, bố trí loại cây trồng chưa thật phù hợp ở từng công trình, địa điểm. Đặc biệt, cây xanh đô thị chưa tạo ra những dấu ấn riêng, có bản sắc trên từng tuyến phố. Ví dụ, các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng, 30 tháng 4, Xô Viết Nghệ Tĩnh có vỉa hè rộng lại quy hoạch trồng cây sao đen, chẹo... là những loại cây có tán hẹp, sinh trưởng chậm nên không tạo ra được tán rộng, có bóng mát. Ngược lại một số tuyến đường như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ (có đường dây điện trung và hạ thế chạy qua) lại trồng những cây đại mộc như xà cừ, muông tím có khả năng sinh trưởng nhanh nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến điện...
Bên cạnh đó, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người của Đà Nẵng là 7,3m2/người. Trong đó, cây xanh công cộng bình quân đầu người 3,07m2/người, cây xanh chuyên dụng bình quân 0,72m2/người và cây xanh sử dụng hạn chế là 3,53m2/người. Đây là mức thấp hơn so với các quy định hiện nay. Cụ thể, tiêu chuẩn thiết kế đô thị của Bộ Xây dựng (tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng là 12 – 15m2/người) chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20m2 đến 25 m2/người. Rõ ràng, Đà Nẵng được bao bọc bởi núi Hải Vân, Bà Nà, Sơn Trà,... nhưng diện tích cây xanh bình quân mới chỉ đạt 7,3m2/người là khá khiêm tốn.
Đoạn đường Hàm Nghi được trồng cây sưa, mùa hè nở hoa rất đẹp, tạo ấn tượng với người dân và du khách. |
P.V: Là người có nhiều kinh nghiệm trong kiến trúc đô thị, ông có kiến nghị gì cho cây xanh đô thị Đà Nẵng?
TS-KTS Trương Văn Quảng: Việc trồng cây xanh có giá trị vô cùng quan trọng mang lại giá trị đô thị lâu dài. Cây xanh, mặt nước là một trong các yếu tố tạo nên diện mạo, bản sắc và đời sống đô thị, đồng thời là niềm tự hào của người dân về thành phố. Do vậy, việc quy hoạch đô thị Đà Nẵng cần phải đặt yếu tố “xanh” lên hàng đầu.
Đà Nẵng là thành phố đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế liên quan đến môi trường như: “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”, “Thành phố có hàm lượng cacbon trong khí thải ra môi trường thấp nhất thế giới 2012”, “Thành phố có khả năng chống chịu” và mới đây là danh hiệu “Thành phố phong cảnh Châu Á”. Tuy vậy, một trong những tiêu chí quan trọng của “thành phố văn minh, hiện đại”, “thành phố đáng sống”, “thành phố môi trường” chính là cây xanh đô thị. Để xứng đáng với các danh hiệu trên, Đà Nẵng cần nhanh xây dựng chiến lược phát triển cây xanh đô thị theo hướng bền vững. Cụ thể, cần bảo tồn, coi trọng hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên; bảo vệ tối đa, khai thác có hiệu quả vùng cảnh quan, mặt nước các con sông, mặt nước ven biển, nhất là diện tích mặt nước ven biển, vùng sinh thái nông, lâm nghiệp phía Bắc, Tây thành phố (đây là yếu tố tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị Đà Nẵng); Hệ thống cây xanh đô thị trên các tuyến phố cần được nghiên cứu kỹ, có tính đột phá, trồng cây, hoa theo chủ đề để tạo cho mỗi con đường, mỗi góc phố, các vườn hoa, công viên là điểm nhấn. Từ đó, tạo dựng cho cả đô thị có những đặc tính riêng, bản sắc riêng. Ví dụ như tuyến đường hoa Phượng, đường hoa anh đào, đường cây giáng hương, lộc vừng, bằng lăng...
Song song với đó là kêu gọi xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị, nhân rộng các mô hình tiêu biểu “Con đường xanh”, “Trường học xanh, “Công trình xanh”, “Khu phố xanh”, “Nhà xanh”...
Bản thân tôi cảm nhận chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đang nỗ lực quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” thông qua việc ban hành Đề án phát triển cây xanh đô thị, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” bằng việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban cùng 23 thành viên là lãnh đạo một số Sở, ngành có liên quan. Điều này chứng tỏ, Đà Nẵng đang đi đúng hướng.
P.V: Cảm ơn ông!
XUÂN ĐƯƠNG
(thực hiện)