Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng: nhiều người mất tiền tỷ vì dính bẫy “điều tra án qua mạng”

Thứ bảy, 05/11/2022 06:59
Công an khuyến cáo người dân không làm theo yêu cầu của các đối tượng gọi đến từ số điện thoại lạ. Các cơ quan chức năng không bao giờ làm việc với công dân qua điện thoại hay mạng xã hội.

Chị T. O. (trú P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà) có gửi tiết kiệm bằng hình thức online tại Ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Ba Đồn (Quảng Bình) với 4 gói có tổng số tiền 2,5 tỷ đồng. Chiều 24-10 vừa qua, khi đang ở nhà thì chị nhận được một cuộc gọi từ số 076817320… gọi đến giả danh cán bộ Công an thông báo chị có liên quan đến vụ TNGT. Do quá lo lắng và hoảng sợ nên chị đã khai toàn bộ thông tin liên quan sau khi click vào một đường link do người này gửi. Trong chốc lát, chị O. tá hỏa phát hiện trong tài khoản của mình “bay màu” mất 2,1 tỷ đồng. Cùng với việc trình báo với cơ quan công an, chị O. cũng đã đến ngân hàng trên đường Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng đề nghị được hỗ trợ nhưng phía nhân viên ngân hàng cũng không giúp được gì.

Chỉ sau đó mấy ngày, chị T.H (1993, cũng trú tại Đà Nẵng) cũng bị bốc hơi hơn 1 tỷ đồng với một cuộc gọi thông báo có bưu kiện chị gửi hàng cấm từ Đà Nẵng đi Singapore. Cụ thể trưa 31-10, chị H. nhận được cuộc gọi từ số 081794474… tự báo là tổng đài của Viettelpost trao đổi về việc chị là chủ nhân của một kiện hàng gửi số lượng lớn ngà voi ra nước ngoài. Chị phủ nhận việc này thì được đối tượng hướng dẫn trình báo lên “Công an TP Đà Nẵng” bằng thao tác chuyển hướng cuộc gọi. Do muốn giải thích có thể có sự nhầm lẫn, chứng minh không liên quan nên chị H. nhanh chóng làm theo để trình báo. Với giọng điệu nghiêm trọng, đầu dây bên kia yêu cầu khai báo các thông tin cá nhân để xác minh. 30 phút sau, số điện thoại lạ gọi lại và thông báo nghi ngờ chị dính vào đường dây rửa tiền liên quan đến đối tượng Lê Văn Linh ở ngân hàng Bắc Á. Biết chị H. đã cắn câu, các đối tượng hướng dẫn cài ứng dụng LIME để làm việc và yêu cầu cung cấp toàn bộ các số tài khoản ngân hàng hiện đang sử dụng để loại trừ khả năng nhận tiền từ người có tên Lê Văn Linh.

Trong lúc hoảng loạn, chị cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng thì những đối tượng này nhanh chóng yêu cầu truy cập vào đường link113.001130008… .com, nhập thông tin tài khoản để “Bộ CA” tra soát. Cùng lúc này, “cán bộ điều tra” yêu cầu chị tải 2 ứng dụng HBTV và TestFlingt về điện thoại. Ngay sau khi cài xong và thao tác, số điện thoại nhận mã OTP chuyển tiền của chị lập tức bị các đối tượng chiếm quyền và chuyển hơn 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của chị sang tài khoản khác.

Một ứng dụng giả mạo trang web của Bộ Công an mà các đối tượng dùng để uy hiếp và giăng bẫy nạn nhân.

Cũng với hình thức thông báo nạn nhân liên quan đến đường dây rửa tiền, chị T.T.M (trú P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã khiến số tiền hơn 1,6 tỷ đồng trong tài khoản của mình bốc hơi. Chị M. kể lại, trưa 28-10, có một người gọi đến từ số điện thoại 081397458… tự xưng cán bộ “Bộ CA” thông báo là thông tin cá nhân của chị liên quan đến số thuê bao 09370523.. nằm trong hồ sơ vụ án rửa tiền và mua bán ma túy. Người này yêu cầu chị giữ máy để kết nối với “Công an Đà Nẵng” nhằm khai báo thông tin phối hợp điều tra vụ án rửa tiền 200 tỷ đồng tại Ngân hàng Bắc Á.

Sau đó có một người tự xưng là “Đại úy Phạm Minh Tuấn, cán bộ của Công an TP Đà Nẵng, địa chỉ 80 Lê Lợi” gọi bằng đường line “PC02 Đà Nẵng” yêu cầu hợp tác, thành khẩn, chỉ trả lời đúng hay không đúng. Không những thế, đối tượng còn đọc vanh vách thông tin gia đình, tên tuổi chồng, con, nơi công tác và học tập của chị cùng yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật trong công tác điều tra. Khi nhận thấy chị M. bắt đầu lo sợ, đối tượng thông báo việc giao dịch, tài khoản ngân hàng sẽ bị phong tỏa trong vòng 24 giờ. Để hợp tác với quá trình điều tra, chị phải tải một phần mềm của “Bộ CA” trên OPPSTORE rồi chia sẻ thông tin màn hình điện thoại, đăng ký thông tin cá nhân để báo cáo với “thống đốc ngân hàng” về việc tạm phong tỏa tài khoản.

Khi bị yêu cầu chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng SHB sang ngân hàng Vietcombank, chị M. tỏ ra nghi ngờ, yêu cầu được đến nơi làm việc thì người này dọa “không tin vào điều ra viên thì sẽ phải gánh chịu hậu quả, sẽ cho xe đến và bắt tạm giam, ảnh hưởng tới cả gia đình”. Qua vài lần phù phép với các thao tác đơn giản tiếp theo, chị M. phát hiện số tiền hơn 1,6 tỷ đồng trong tài khoản của mình tại Ngân hàng Vietcombank đã bị rút hết.

Thượng tá Lê Cao Tâm- Trưởng phòng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Đà Nẵng) cho biết, hình thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng chủ yếu lợi dụng không gian mạng, không mới nhưng vẫn liên tục có nhiều nạn nhân sập bẫy. “Dấu hiệu dễ nhận biết đầu tiên để tránh bị lừa là cơ quan công an không bao giờ làm việc với công dân qua điện thoại hay qua mạng xã hội. Người dân cần tỉnh táo không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào cho người mà mình không hề quen biết. Khi có các cuộc gọi tương tự thì có thể lập tức dừng liên lạc và báo cho công an địa phương”, Thượng tá Tâm khuyến cáo.

CÔNG KHANH