Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư

Thứ năm, 06/11/2014 11:28

(Cadn.com.vn) - Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Đà Nẵng có cơ hội gặp gỡ, đề đạt các kiến nghị đề xuất để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút FDI... theo tinh thần “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, chiều 5-11 Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (IPC) phối hợp với CLB doanh nhân FDI  Đà Nẵng tổ chức gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng. Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến và Phó Chủ tịch Thường trực Võ Duy Khương chủ trì buổi đối thoại.

Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Võ Duy Khương
chủ trì buổi đối thoại.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến cho biết, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu và tình hình kinh tế Việt Nam được dự báo còn tiếp tục gặp khó khăn, Đà Nẵng vẫn duy trì một tốc độ phát triển tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân những năm gần đây đạt trên 9,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ sở hạ tầng của TP đã và đang được đầu tư theo hướng đồng bộ và hiện đại, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Đạt được những kết quả trên, cộng đồng các DN FDI hoạt động trên địa bàn đã có những đóng góp hết sức quan trọng.

Có thể thấy rằng, các dự án FDI đã mang đến những mô hình quản lý tiên tiến, phương thức kinh doanh hiện đại và có tác động lan tỏa đến các DN trong nước trong việc đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo và môi trường đầu tư của TP. Mặc dù những đóng góp của các DN FDI vào sự phát triển của TP là rất đáng kể nhưng việc thu hút vốn FDI vào Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế. Nên vậy, làm thế nào để tăng sức hấp dẫn của TP đối với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là một điều trăn trở của chính quyền TP. Trong tương lai, Đà Nẵng định hướng tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và công nghệ thông tin.

Đại diện các DN FDI đề đạt ý kiến đối với lãnh đạo TP.

Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến cho biết thêm, trong 10 tháng đầu năm 2014, Đà Nẵng thu hút được khoảng 153 triệu USD với 22 dự án đăng ký cấp mới và 14 dự án tăng vốn. So với tổng vốn cấp mới và tăng thêm của cả nước thì lượng vốn vào Đà Nẵng trong năm nay còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của TP. Chính quyền TP sẽ ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các DN để trên cơ sở đó hoàn thiện chính sách quản lý, tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng năng động và hiệu quả giúp cộng đồng DN hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Buổi gặp mặt đối thoại, đại diện các DN đề xuất các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như đất đai, môi trường, cơ sở hạ tầng, chính sách pháp luật, thuế, hải quan, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, tài chính hỗ trợ cho DN. Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Đà Nẵng cho biết, các chỉ tiêu quy định mật độ xây dựng của TP Đà Nẵng và Bộ Xây dựng đã có sẵn nhưng khi trình lên Sở Xây dựng lại bị yêu cầu điều chỉnh thấp hơn quy định, điều này gây khó khăn cho DN, buộc DN phải mất nhiều thời gian và chính Furama đang gặp trở ngại về vấn đề trên. Ông Vinh đề nghị TP nên có quy định các chỉ số này, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khi DN thực hiện dự án nhanh chóng.

Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Vinh, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến yêu cầu lãnh đạo Sở Xây dựng khi cấp phép phải theo quy định của Bộ Xây dựng về mật độ xây dựng, riêng đối dự án nào nhạy cảm thì báo cáo với UBND TP xem xét, đồng thời giao Sở Xây dựng từ nay đến ngày 15-11 giải quyết xong cho nhà đầu tư Furama.

Tính đến tháng 10-2014 trên địa bàn TP có 304 dự án FDI từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 3,37 tỷ USD. Phần lớn các dự án đều hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào ngân sách và kim ngạch xuất khẩu của TP, đến quý III-2014, các DN FDI nộp ngân sách 70,16 triệu USD. Các dự án FDI góp phần giải quyết 43 ngàn việc làm. Nhật Bản là quốc gia có nhiều dự án đầu tư nhất với 78 dự án và 37 văn phòng đại diện, với tổng vốn đầu tư khoảng 371 triệu USD.

Đặt vấn đề các lô đất trống tại KCN Hòa Khánh, ông Shinichi Iwama, Tổng Giám đốc Daiwa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng cho hay, hiện tại có nhiều khu đất trống khi có DN Nhật Bản muốn đến đầu tư nhưng bản thân DN không thể giới thiệu được cho các DN Nhật Bản; ngoài ra TP nên hỗ trợ cho DN xây dựng nhà ở cho nhân viên tạo điều kiện cho nhân viên làm việc. Giải đáp trăn trở của ông Shinichi Iwama, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến thông tin: TP đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại đất trống tại các KCN để thu hồi và sẽ cho DN khác có nhu cầu thuê. Đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân, TP đã có chủ trương kêu gọi nhà đầu tư, DN có nhu cầu liên hệ Trung tâm Phát triển Quỹ đất để đấu giá đất và triển khai...

Phấn khích trước những giải đáp trực tiếp của lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Shinichi Iwama đặt vấn đề: hiện nay các nhà đầu tư cũng như du khách Nhật Bản đến Đà Nẵng ngày càng tăng cao, TP nên có bản đồ về khu mua sắm, khu ẩm thực và xây dựng cửa hàng tiện lợi cho người Nhật. Vấn đề này được lãnh đạo TP ghi nhận và sẽ thực hiện việc quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP để đáp ứng nhu cầu tốt nhất của du khách,...

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến khác liên quan đến chính sách pháp luật, thuế, hải quan, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, tài chính hỗ trợ cho DN cũng được lãnh đạo TP trả lời trực tiếp hoặc giao cho các sở, ban ngành trả lời bằng văn bản...

Xuân Đương