Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng phải nỗ lực làm mới mình để định vị thương hiệu “đáng đến và đáng sống”

Thứ ba, 28/06/2022 09:38
Các chuyên gia, nhà quản lý hiến kế xây dựng thành phố Đà Nẵng “đáng đến và đáng sống”.

Đi kèm trăn trở, thành phố đang có định hướng chiến lược bài bản

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống” tổ chức vào ngày 27-6, Phó chủ tịch UBNĐ TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh khẳng định, sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh và “đáng sống” tại khu vực miền Trung và cả nước. Dẫu vậy, đại dịch COVID-19 khiến Đà Nẵng phải đối mặt với những khó khăn chưa từng, hàng loạt hoạt động từ du lịch đến thương mại gần như tê liệt. “Đại dịch COVID-19 như một khoảng lặng lớn để thành phố Đà Nẵng nhìn nhận lại những kết quả đạt được, những điểm còn thiếu sót trong công tác phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch cùng chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến. Đặc biệt là suy nghĩ những bước đi mới, cách làm mới để xứng đáng là thành phố đáng đến và đáng sống”, ông Minh nhấn mạnh.

Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, cùng với nỗ lực trở thành thành phố đáng đến để vui chơi, nghỉ dưỡng, trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội đầu tư, Đà Nẵng cũng bước vào hành trình bảo vệ danh xưng “đáng sống” đã định hình trong suốt thời gian qua, không chỉ trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Bảng xếp hạng 10 thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2022 vừa được công bố mới đây đã gọi tên các thành phố như Vienna (Áo); Copenhagen (Đan Mạch); Zurich (Thụy Sĩ), Melbourne (Úc), Osaka (Nhật Bản)... “Thật khó để đặt Đà Nẵng lên bàn cân, so sánh với các thành phố danh tiếng nói trên, nhưng nhìn vào những tiêu chí đánh giá của Tạp chí Economist như chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận không gian xanh…, thành phố cần có những trăn trở và định hướng chiến lược bài bản để hướng tới mục tiêu này”, ông Minh chia sẻ. Với địa hình vừa có núi, có sông, có biển, ông Minh cho rằng Đà Nẵng không chỉ sở hữu tiềm năng to lớn về du lịch mà còn hội tụ nhiều lợi thế để phát triển các khu đô thị kiểu mẫu, tiện ích cảnh quan đặc sắc. Đây cũng là yếu tố để tạo sức bật mới cho hạ tầng đô thị, phát huy lợi thế thành phố bên sông. Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới, và điều này phụ thuộc trước hết vào việc xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng du lịch và hạ tầng đô thị xứng tầm. Có thể nói đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức mà thành phố cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Định vị "đáng đến, đáng sống" trong bối cảnh mới

PGS. TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề: “Nói là đáng đến thì tại sao lại đáng đến, đến để làm gì? Còn đáng sống thì phải là nơi sống tốt, việc làm tốt và cống hiến tốt”.

Ông Thiên đánh giá, Đà Nẵng luôn biết đến là một thành phố đáng đến, đáng trải nghiệm, đáng đầu tư. Nhưng trong bối cảnh mới, khi Đà Nẵng được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm KT-XH lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á thì cần “làm mới” để đón cơ hội, tăng tốc phát triển bứt phá, không để tụt lại phía sau. Những đòi hỏi, yêu cầu mới cho Đà Nẵng là không chỉ điểm đến, mà còn phải là điểm đến hàng đầu với những trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt. Như trong thời gian gần đây nhiều người hay nói là Đà Nẵng phải trở thành nơi làm tổ của các “đại bàng”, các nhà đầu tư đi kèm các dự án quy mô, đẳng cấp. Với những gì đang có, dưới góc độ vĩ mô, Đà Nẵng phải xác định lại đang có những gì và đang cần những gì để có thể kiến tạo nên diện mạo mới. Thành phố cần có những trải nghiệm hàng đầu để hút khách du lịch bằng việc phát triển kinh tế đêm để gia tăng sức hút, tăng sức chi tiêu của khách du lịch, tương xứng với tiềm năng phát triển. Và muốn là điểm đến hàng đầu, nhất định phải phát triển du lịch toàn diện. “Thời gian trước, Đà Nẵng có Lễ hội pháo hoa quốc tế quy mô tới 2 tháng, nhưng rồi lại dừng và tới giờ vẫn chưa thấy có dấu hiệu trở lại. Những năm gần đây, thành phố nổi bật với Bà Nà, có Cầu Vàng, và tất nhiên Cầu Vàng tất nhiên vẫn “hot”. Nhưng dăm năm tới, nếu vẫn chỉ có chừng đó thứ ở Bà Nà, thì người ta còn không muốn lên Bà Nà nữa, và người ta thấy Đà Nẵng vẫn thế”, ông Thiên lấy ví dụ và đặt vấn đề thành phố cần làm mới cả những điểm đã cũ, tạo nhiều sản phẩm trải nghiệm mới ở những điểm vốn đã quá quen.

TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng cho rằng, phấn đấu trở thành nơi đáng đến đã khó, nhưng để thành nơi đáng sống thì càng không đơn giản. Để đáng đến thì phải đẹp, phải tiện ích nhưng để sống thì ngoài tiện ích còn phải xanh, phải bền vững, phải thông minh, phải an toàn. Phải hài hòa giữa môi trường giải trí, môi trường kinh doanh, môi trường làm việc. Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế nhưng sẽ vẫn còn xa cho mục tiêu thành phố đáng sống nếu không biến những lợi thế đó thành những giá trị vượt trội cụ thể. Lấy Singapore làm hình mẫu cho Đà Nẵng, ông Thành so sánh: “Bãi biển, Singapore không bằng Đà Nẵng; rừng núi họ cũng không thể bằng; tâm linh cũng không thể bằng Đà Nẵng. Nhưng họ mang đẳng cấp quốc tế, còn chúng ta khảo sát trên cả nước xem thành phố nào người ta muốn đến sinh sống và làm việc thì Đà Nẵng mới đứng thứ 3, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thành phố đáng sống thì rõ ràng là đáng đến nhưng thành phố đáng đến chưa thể hoàn toàn là thành phố đáng sống. Đà Nẵng phải bắt tay xây dựng những giá trị mới để định hình thương hiệu của mình”.

Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Trình

Phải xây “tổ ấm” và cần có “đại bàng” dẫn dắt

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đánh giá, để dẫn dắt kinh tế phát triển thì bên cạnh cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có những thương hiệu tầm cỡ mà gần đây các diễn đàn thu hút đầu tư gọi là “đại bàng”. Với vị thế như Đà Nẵng thì cần phải có những “đại bàng” khỏe nhất, mạnh nhất trong các lĩnh vực mũi nhọn phát triển du lịch, giải trí, công nghệ, tài chính. “Chúng ta phải đặt câu hỏi Đà Nẵng cần làm gì để giữ vững ngôi vương về du lịch lẫn đầu tư trong bối cảnh nhiều năm qua bị tác động bởi COVID-19 và tác động từ sự trỗi dậy của những thị trường mới năng động khác. Đà Nẵng cần làm gì để khai thác tối đa lợi thế từ cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã thông qua? Từ đó đặt ra yêu cầu phải mạnh mẽ hơn trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. Có như vậy, Đà Nẵng mới thực sự là nơi đáng đến và đáng sống”, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Đề xuất các giải pháp để Đà Nẵng trở thành tổ ấm kêu gọi “đại bàng”, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là những cơ chế vượt trội tạo cảm hứng. Công bằng mà nói, “đại bàng” chọn nơi làm tổ, cứ nơi nào trải thảm đỏ và tôn trọng họ, tạo điều kiện thuận lợi thì họ đến. Dĩ nhiên là phải tuân thủ luật chơi. “Nhìn nhận thẳng thắn, Đà Nẵng giai đoạn vừa qua đã giảm sức hút đầu tư. Bằng chứng là PCI đã ra khỏi top 5 cả nước. Đã có thời gian, nhiều năm liền Đà Nẵng không có dự án nào mới tầm cỡ. Kế sách duy nhất để hấp dẫn đại bàng là cơ chế cởi mở, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa, nhiều khi phải hy sinh cái lợi nhỏ để có cái lợi lớn”, TS Trần Đình Thiên trao đổi.

Trong khi đó TS Lương Hoài Nam – thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng, Việt Nam cần có đề án hình thành hệ sinh thái du lịch cho đối tượng siêu giàu và Đà Nẵng cũng nên hướng tới điều này. Ông nói không cần phải nghi ngờ gì khi khẳng định sở hữu diện tích không lớn nhưng Đà Nẵng có tất cả mọi thứ, từ đô thị xinh xắn, là một trong những nơi biển đẹp nhất châu Á, nằm trong các bãi biển đẹp nhất thế giới, hệ sinh thái về du lịch là số 1 Việt Nam. Với những lợi thế này, ông Nam cho rằng Đà Nẵng đang xác định rất đúng là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nếu với cả nước, du lịch đóng góp 9% vào GDP thì Đà Nẵng phải tận dụng mọi cơ hội, tiềm năng để đóng góp vào tăng trưởng cao hơn, khoảng 15% mới xứng đáng với tiềm năng. Ông Nam nhận định, khi du lịch mở cửa sau COVID-19 khách nội địa đến Đà Nẵng đã đông trở lại. Với các hoạt động xúc tiến vừa qua của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, Đà Nẵng sẽ phục hồi nhanh hơn. Và trong quá trình khôi phục, nâng tầm thương hiệu du lịch, Đà Nẵng cần làm rõ và trung thành với các chiến lược phát triển tương xứng đối tượng mà mình hướng tới là phân khúc du khách bình dân và những đối tượng siêu giàu. “Hiện nay cả nước không có một chiếc trực thăng VIP, trực thăng y tế, trong khi 1 khách nhà giàu chi tiêu bằng hàng trăm khách bình thường. Chúng tôi đã kiến nghị cần sớm hình thành đề án về hệ sinh thái du lịch phục vụ giới siêu giàu, và Đà Nẵng cũng nên hướng tới đối tượng siêu giàu. Trong một bức tranh đa dạng, chúng ta cần có đầy đủ các sản phẩm, vừa phục vụ khách bình dân, vừa phục vụ giới siêu giàu, nó phải là một hệ sinh thái hoàn chỉnh”, ông Nam đề xuất.

CÔNG KHANH

Đô thị Đà Nẵng lấy con người làm trung tâm

Nhìn nhận “đáng đến và đáng sống” trên góc độ quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, ông Phùng Phú Phong – Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, hình mẫu tốt nhất của đô thị Đà Nẵng chính là đô thị phục vụ tốt nhất cho người dân, lấy con người làm trung tâm. Định hướng mà Đà Nẵng hướng đến để phục vụ người dân là xây dựng đô thị thông minh, đô thị bền vững, đô thị nén, đô thị có bản sắc riêng. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của Đà Nẵng là trở thành một thành phố đáng sống để thu hút những tầng lớp ưu tú có tri thức, kỹ năng và tiềm lực tài chính đến định cư, đầu tư kinh doanh. “Cùng với việc xây dựng cuộc sống tốt cho người dân, thành phố đồng thời tạo ra những không gian sống có chất lượng cao cho đội ngũ các chuyên gia, tri thức có kỹ năng và tiềm lực tài chính đến sống và làm việc. Chương trình phát triển nhà ở của Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 còn tập trung định hướng việc phát triển nhà ở thương mại gắn với khuyến khích phát triển các khu đô thị xanh, đô thị thông minh. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nhà ở, đảm bảo kết nối và đồng bộ hệ thống hạ tầng, cung cấp đầy đủ các tiện ích, các không gian sống, nghỉ ngơi với chất lượng cao”, ông Phong cho biết.