Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng phải vượt qua bẫy tăng trưởng làng nhàng

Thứ ba, 16/10/2018 08:18

Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ XXI của Đảng bộ TP Đà Nẵng diễn ra hôm 15-10, các ý kiến thảo luận đã tập trung làm rõ những mặt hạn chế, những thách thức lớn mà TP đang phải đối mặt. Từ đây, nhiều giải pháp thiết thực đã được đề xuất nhằm đưa TP vượt qua bẫy tăng trưởng làng nhàng để bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu kết luận Hội nghị.

CHUYỂN MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói, đặc điểm nổi bật nhất chính là việc phải tập trung sửa chữa, khắc phục những sai phạm liên quan tới quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng. Ông Thơ so sánh, nếu trước đây giải quyết công việc rất nhanh, có khi 3-4 ngày quyết xong một dự án, nhưng giờ phải đi hết một vòng thủ tục. Việc làm nhanh, quyết nhanh, tạo thông thoáng có mặt được như đã thấy, song cũng có những bất cập đã bộc lộ. Thời điểm này phải làm nghiêm, đúng quy trình, tuy chậm hơn song đảm bảo công khai, minh bạch. Vấn đề ở đây, nếu trước làm quá nhanh, thậm chí quá ẩu, thì giờ quá chậm, quá thận trọng, làm gì cũng sợ nên chấp hành pháp luật máy móc, thiếu sáng tạo. Đặc điểm này là một thực tế, đã tạo sức ì trong đội ngũ cán bộ. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng đồng quan điểm này, tư tưởng, động lực làm việc của một bộ phận cán bộ đã giảm sút. Có những việc đơn giản, nếu năng động xử lý sẽ dễ dàng, tuy vậy qua tham mưu thì rối bời, tham mưu xong cấp trên không dám làm nữa.

Phân tích về các chỉ tiêu kinh tế, ông Thơ cho rằng tăng trưởng chưa đạt kế hoạch, đặc biệt về công nghiệp, gần như thất bại trong chính sách công nghiệp. Về dịch vụ, tuy tăng trưởng du lịch có nhích hơn, dư địa phát triển là có, tuy nhiên ngành này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, xung đột. Chẳng hạn như vấn đề môi trường biển, kẹt xe, các dịch vụ giải trí về đêm, xử lý nước thải... Về đầu tư hạ tầng, ông Thơ nói, trong 3 năm qua TP không đưa ra được mấy khu đất lớn đấu giá, nguồn chi đầu tư hạ tầng chủ yếu dựa vào nguồn vốn tập trung, vốn tự cân đối. Trước đây mỗi năm chi đầu tư hạ tầng 8-9 ngàn tỷ đồng, thì nay khoảng 3-4 ngàn tỷ đồng/năm, tuy vậy các hạng mục đầu tư vẫn có trọng điểm, thiết yếu chứ không phải lãng phí. Một đặc điểm nổi bật khác cũng được ông Thơ nêu ra, đó là việc TP quan tâm đầu tư cho văn hóa rất lớn như thư viện Khoa học tổng hợp, Cung thiếu nhi, thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng (sắp tới Hội đồng nhân dân TP sẽ chuyển về Trung tâm hành chính nhường trụ sở lại làm Bảo tàng Đà Nẵng). Cũng trong nửa nhiệm kỳ qua, TP đã ban hành nhiều chính sách hướng về cộng đồng, người dân, như mở rộng công viên, xây bãi đỗ xe, mở lối xuống biển...

Về các giải pháp phát triển cho thời gian tới, ông Thơ nói, trước hết phải đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu CNC, khu CNTT. Với CNTT, Đà Nẵng rất có triển vọng phát triển. TP muốn phát triển bền vững cần đi bằng 2 chân, không chỉ dựa vào ngành dịch vụ. CNTT, CNC không mâu thuẫn với ngành dịch vụ, lại là xu hướng phát triển của thế giới, TP sẽ tạo quỹ đất, tập trung nguồn lực đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ông Thơ cũng cho rằng phải đẩy mạnh tháo gỡ những vướng mắc về đất đai sau kết luận của Thanh tra Chính phủ. Hiện cả ngàn dự án, lô đất đang đứng chựng, không xây dựng được thì làm sao kinh tế chuyển động, phát triển. “Phải vượt qua bẫy tăng trưởng làng nhàng 7-8% để lên mức từ 12-14% thì mới có bứt phá”- ông Thơ đặt vấn đề.

Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng Trần Phước Sơn nói, TP muốn tạo bứt phá cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Ông  Sơn phân tích, qui mô kinh tế Đà Nẵng mới chỉ chiếm khoảng 1,4% GRGP cả nước là quá nhỏ bé. Khu vực dịch vụ chưa tạo được sự lan tỏa cho các khu vực kinh tế khác, nhất là ngành có tính liên kết cao như du lịch. Hiện mức chi tiêu của du khách và giá trị đóng góp của các dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí còn thấp. Về kinh tế tư nhân, ông Sơn nói đa phần DN ở Đà Nẵng nhỏ, sức cạnh tranh yếu, TP chưa thu hút được các tập đoàn lớn, những nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, đô thị Đà Nẵng phát triển theo hướng dàn trải, thấp tầng, tỷ lệ đất ở lớn. So với năm 1997, diện tích đô thị Đà Nẵng đã tăng 4 lần trong khi dân số tăng chưa đến 2 lần phản ánh hiệu quả sử dụng đất thấp. Mật độ cư trú và xây dựng khu vực trung tâm có xu hướng tăng, đi ngược với xu thế phát triển của đô thị hiện đại, đồng thời kìm hãm sự phát triển của các khu vực ngoại vi.

Từ thực tế đó, ông Sơn cho rằng, TP cần tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, các ngành công nghiệp mới có lợi thế cạnh tranh. Cụ thể cần phát triển CNTT là ưu tiên hàng đầu tạo ra sự phát triển khác biệt; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo để tiếp cận nhanh cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng theo ông Sơn, Đà Nẵng đã thông qua 66 dự án trọng điểm mang tính động lực với mức đầu tư khoảng 93 ngàn tỷ đồng, trước mắt giai đoạn 2018-2020 cần vốn hơn 10,5 ngàn tỷ đồng. Để thu hút đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu này, TP cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, công tác kêu gọi đầu tư, đồng thời có giải pháp huy động đối với từng nguồn vốn, sử dụng vốn hiệu quả. Với các dự án động lực liên vùng, TP cần phối hợp với các tỉnh lân cận đề xuất các bộ ngành ưu tiên nguồn vốn, trước mắt là các dự án khơi thông sông Cổ Cò, đô thị làng Đại học, cảng Liên Chiểu.

Đà Nẵng sẽ qui hoạch khu vực sản xuất ô-tô, máy nông cụ- ngành công nghiệp CNC tại Hòa Vang. 

TẠO MÔI TRƯỜNG SỐNG TỐT

Đà Nẵng không thể là TP du lịch, là điểm đầu tư hấp dẫn nếu môi trường sống không trong sạch, an toàn, tiện nghi và văn minh. Do vậy, song song với đầu tư hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư trọng điểm để tăng qui mô nền kinh tế, TP cũng phải tập trung xây dựng môi trường sống lành mạnh. Ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, du lịch Đà Nẵng phát triển ấn tượng song môi trường du lịch đang đặt ra nhiều thách thức. Chẳng hạn TP thiếu dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, thiếu trung tâm thương mại giải trí quy mô, môi trường biển có nguy cơ ô nhiễm, hạ tầng kỹ thuật như bãi đỗ xe hay xử lý nước thải quá tải về khả năng cung ứng... Đặc biệt, gần đây Đà nẵng xuất hiện các tour du lịch giá rẻ, cũng làm môi trường du lịch thêm phức tạp. Ông Vinh nói, tour giá rẻ phổ biến ở nhiều quốc gia, từ nhiều năm nay, nếu siết tour giá rẻ thì đồng nghĩa với lượng du khách sẽ giảm, đặc biệt là khách từ Trung Quốc. Tuy nhiên, quan điểm của Đà Nẵng sẽ siết tour giá rẻ, chấp nhận giảm du khách để đổi lấy môi trường bền vững.

Với chủ trương xây dựng "TP 4 an", Đà Nẵng muốn tạo ra môi trường sống tốt cho người dân, du khách, nhà đầu tư. Thực tế qua triển khai chủ trương này bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên đây là vấn đề lâu dài, song hành với sự phát triển của TP, vì thế việc thực hiện cũng cần kiên trì, đổi mới nhiều phương pháp linh động.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, những thách thức, trở ngại đặt ra với sự phát triển của TP đã thấy rõ, vấn đề còn lại là sự quyết tâm để tháo gỡ những khó khăn này. Ông Nghĩa chỉ đạo, trong thời gian tới, việc quan trọng là phải chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, gắn với quy định gương mẫu. Gương mẫu làm theo Bác Hồ là nói ít làm nhiều, họp ít, thực tế nhiều. Ông Nghĩa nói, có nhiều cuộc họp chỉ để lãnh đạo nắm công việc chứ không phải để giải quyết công việc. Về các đầu việc cụ thể, theo ông Nghĩa trước hết phải đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra. Kế tiếp, cần chuẩn bị tốt nội dung làm việc với Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33. “Tôi ví dụ cảng Liên Chiểu 15 năm trước trong Nghị quyết 33 đã nêu nhưng đến giờ vẫn chưa có. Bây giờ các Bộ ngành đã có ý kiến, chỉ trình lên Thủ tướng, sau đó bắt tay thực hiện. Dự án 32 ngàn tỷ đồng, trước mắt cần 3.400 tỷ đồng khởi động giai đoạn 1, TP cũng cần nguồn vốn đầu tư vào đây ít nhất 500 tỷ đồng, sau đó mới kêu gọi các nhà đầu tư”- ông Nghĩa cho biết.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được ông Nghĩa đề cập là việc tiếp tục đẩy mạnh “3 đột phá”, trong đó chú trọng tới không gian du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông Nghĩa nói: “Du lịch đầu tư nhiều nhưng đã trở thành ngành mũi nhọn chưa? Du khách tới mới chi tiêu vào ăn, ở và hết. TP còn rất thiếu các chỗ tiêu tiền của du khách”. Ngoài du lịch thì CNC, CNTT, hệ sinh thái khởi nghiệp là lĩnh vực mà ông Nghĩa chỉ đạo phải tập trung phát triển mạnh. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ và thu hút vào khu CNC, khu Công viên phần mềm số 2, Khu CNTT giai đoạn 1 đưa vào khai thác trong năm 2019.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng chỉ đạo cần tập trung đẩy nhanh đầu tư các dự án động lực; tăng cường quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị; tăng thu ngân sách, đẩy nhanh giải ngân vốn xây dựng cơ bản; thực hiện đồng bộ chương trình TP 4 an gắn với “5 không”, “3 có”, đề án giảm nghèo...

Từ những hạn chế chỉ ra và giải pháp đi kèm để tháo gỡ, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Đảng bộ TP đặt quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết, đưa TP phát triển bứt phá, xứng tầm là trung tâm KT-XH của miền Trung- Tây Nguyên.

HẢI QUỲNH