Đà Nẵng phát triển rừng bền vững
(Cadn.com.vn) - Chiều 2-6, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 và tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015, triển khai nhiệm vụ 2016.
Chất lượng rừng trồng vẫn còn thấp
Đó là nhận định được ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng nêu ra tại hội nghị và cho biết thêm, trong 5 năm qua, toàn thành phố trồng rừng tập trung được 8.187 ha, bình quân 1.637 ha/năm bao gồm cả diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, tổng diện tích cần trồng rừng thay thế của các dự án du lịch sinh thái trên địa bàn TP khoảng 234,5 ha. Tuy nhiên, độ che phủ rừng toàn TP qua các năm có sự giảm dần và mới tăng và phục hồi trở lại vào năm 2015 ở mức 42,4%. Ông Phương cho rằng “Những năm qua, mặc dù độ che phủ rừng tuy đã tăng nhưng chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên vẫn còn suy giảm do tình trạng khai thác gỗ lậu, săn bắt động vật hoang dã trái phép chưa được ngăn chặn triệt để. Việc quy hoạch rừng bị chia cắt hành lang sinh học do chuyển một phần diện tích đất rừng đặc dụng sang đất rừng sản xuất và đất sử dụng cho mục đích du lịch và công trình công cộng”.
Hiện nay, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở, ngành liên quan xúc tiến các thủ tục cần thiết để Cty CP Vinafor Đà Nẵng hình thành vùng nguyên liệu gỗ theo mô hình quản lý rừng bền vững nhằm phát huy được hiệu quả trong việc liên kết các hộ trồng rừng, tạo vùng rừng nguyên liệu lớn và bền vững. Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND H. Hòa Vang cho biết, hàng năm, H. Hòa Vang trồng rừng tập trung bình quân khoảng 1.400 ha/năm, chăm sóc 8.600 ha/năm. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu do người dân và các tổ chức quân đội, Cty Vinafor tự bỏ vốn triển khai. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện giao đất, giao rừng cho 117 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Tà Lang-Giàn Bí vẫn chưa có đất để phát triển sản xuất. Ông Thương đề nghị, để tiếp tục đưa công tác QLBVR trên địa bàn đi vào chiều sâu, bên cạnh việc triển khai tốt các phương án quản lý, bảo vệ cần gắn với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Mục tiêu được hội nghị thống nhất là đến năm 2020 là bảo vệ và phát triển rừng bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tạo mới; phấn đấu diện tích rừng đạt khoảng 40.868 ha rừng tự nhiên và 16.000 ha rừng trồng. Thực hiện khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ 100% diện tích rừng đã quy hoạch...
Quang cảnh hội nghị. |
Vẫn còn nỗi lo cháy rừng
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, trong 5 năm qua, tại Đà Nẵng đã xảy ra 63 vụ phát lửa rừng trên diện tích 446,4 ha, trong đó có hơn 190 ha rừng trồng, còn lại diện tích cây bụi, cỏ tranh, lau lách và rừng tự nhiên tái sinh phục hồi. Lực lượng CSPCCC đã huy động hơn 100 lượt xe chữa cháy chuyên dụng, 30 lượt xe tiếp nước; huy động hơn 1 vạn lượt ngươi và 500 lượt phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng.
Ông Trần Viết Phương cho rằng “So với giai đoạn 5 năm trước thì giai đoạn này, số vụ cháy và thiệt hại rừng không tăng nhưng mức độ tổ chức cứu chữa tăng đáng kể. Đã xảy ra một số vụ cháy lớn trên diện rộng, kéo dài thời gian và phải huy động hàng ngàn người để dập lửa. Do đó để làm tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR, trước mắt, cần khẩn trương rà soát các phương án PCCCR các cấp; đặc biệt là công tác chỉ huy chữa cháy, huy động lực lượng tham gia phối hợp khi xảy ra cháy rừng. Chủ động tổ chức PCCCR ngay tại địa phương, đơn vị, chủ rừng với phương châm “4 tại chỗ”.
Đại tá Nguyễn Huy Phong, Trưởng phòng Hướng dẫn - Chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PC&CC TP Đà Nẵng) đề nghị để hạn chế nguy cơ cháy rừng, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền PCCCR, các Hạt Kiểm lâm, BQL rừng phối hợp với chính quyền, Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện làm việc với các chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCCR. Quan tâm đầu tư kinh phí cho xã, phường có rừng để nâng cao năng lực PCCC cho địa phương; đồng thời tăng cường kiểm tra, điều tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh các vụ vi phạm về PCCCR.
Trong khi đó, Đại tá Phan Công Hiền, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BCHQS TP Đà Nẵng cho biết, 5 năm qua, đơn vị đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị của Bộ, Quân khu đóng quân trên địa bàn tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy rừng một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, để công tác PCCCR đi vào chiều sâu, thực chất, Đại tá Phan Công Hiền đề nghị “Cần tăng cường thực hiện quy chế, phương án phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng (Kiểm lâm, Quân đội, Công an) tổ chức thường xuyên các hoạt động kiểm tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; kiên quyết xóa bỏ các điểm nóng về chặt phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản trái phép. Khi có cháy rừng phải kịp thời triển khai lực lượng cơ động chữa cháy rừng theo lệnh điều động...”.
Phương Kiếm