Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng phố... (Kỳ cuối: Làm gì để hiện đại, thông minh và bền vững?)

Thứ tư, 14/08/2019 12:39

Thách thức của Đà Nẵng trong công cuộc phát triển đô thị cho giai đoạn mới sẽ có nhiều khó khăn. Bởi thành phố đang phải đối mặt với vấn đề môi trường, dân số tăng, mỹ quan đô thị và áp lực của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đà Nẵng sẽ phát triển sao cho cân bằng, vừa là thành phố công nghiệp, vừa là thành phố du lịch, dịch vụ; cao hơn cả là “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á” là mệnh đề đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền thành phố trong thời gian tới!

Ngoài việc hiện đại, thì TP Đà Nẵng cần phải hướng đến thông minh và phát triển bền vững là yêu cầu đặt ra. Ảnh: ĐOÀN NGUYÊN

Phải khẳng định rằng, thành tựu 20 năm qua sẽ là nấc thang vững bền nhưng cũng cho Đà Nẵng những bài học kinh nghiệm quý để xây dựng và phát triển. Làm sao để 10 hay 20 năm sau và lâu hơn nữa, người dân Đà Nẵng và những ai một lần đặt chân đến đây vẫn sẽ cảm nhận được Đà Nẵng với một đô thị hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ được dáng vẻ của thành phố đầu biển cuối sông, thành phố sinh thái và yên bình. Đây là kỳ vọng, là mong muốn, khát khao của tất cả người dân Đà Nẵng khi nói về quê hương mình...

Kỳ vọng, khát khao ấy được củng cố, có cơ sở khi mà Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa mới ban hành có thể xem là “đường băng”, là “đòn bẩy”, là cánh cửa mở ra một tầm nhìn mới cùng với những chính sách vượt trội để Đà Nẵng cất cánh trong giai đoạn tiếp theo. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước... Đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Theo PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia, để đạt được như kỳ vọng, mục tiêu mà Nghị quyết 43 đặt ra, thì Đà Nẵng phải hướng đến phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) và bền vững. Khẳng định rằng, đây là xu thế tất yếu, khách quan, đáp ứng đòi hỏi của quản lý đô thị và yêu cầu phát triển của thành phố; phù hợp với xu thế phát triển chung của các đô thị lớn trên thế giới, kế thừa thành quả triển khai ứng dụng CNTT, chính quyền điện tử và phù hợp với khả năng nguồn lực của thành phố.

Để Đà Nẵng trở thành ĐTTM, bền vững, theo ông Cường, trước hết QHĐT Đà Nẵng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam cũng như Chương trình phát triển đô thị quốc gia. “Để phát triển ĐTTM, không thể tư duy một chiều về ứng dụng công nghệ, mà cần được hình thành từ sự phát triển cân bằng của 3 thành tố, gồm công nghệ, con người và thể chế. Vì vậy phải lấy quan điểm phát triển bền vững làm trọng, mục tiêu lớn nhất cho các hành động phát triển đô thị”, ông Cường nói. Bên cạnh đó, theo ông Cường, một số mặt của quá trình đô thị hóa thành phố Đà Nẵng chưa hợp lý cũng cần được xử lý bởi những giải pháp “thông minh” ngoài công nghệ, luôn song hành “thông minh cần công nghệ” và “thông minh không cần công nghệ” thông qua QHĐT. Cụ thể là duy trì, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan đặc trưng từ điều kiện tự nhiên của đô thị; chú trọng phát triển mới với cải tạo, nâng cấp khu hiện hữu và gắn kết với nhau cả về hạ tầng lẫn cảnh quan, phát triển trung tâm đa chức năng... “Phát triển Đà Nẵng thông minh trước tiên phải làm cho QHĐT trở thành công cụ sắc bén, hiệu quả để định hướng tổng thể quá trình phát triển trước khi sử dụng các công cụ cụ thể về công nghệ. Ngoài ra, QHĐT cũng phải làm rõ đô thị cần thông minh ở khía cạnh nào, lĩnh vực nào là ưu tiên”, ông Cường gợi mở.

Đồng quan điểm với TS Cường, PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam cho rằng, muốn hướng đến xây dựng ĐTTM thì cần phải giải quyết các vấn đề cơ bản, như phục vụ chính quyền thông minh, con người thông minh, giao thông và hạ tầng kỹ thuật thông minh, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh, bền vững, kiểm soát môi trường và năng lượng, nền kinh tế số tăng trưởng và bền vững... “Chỉ ra được các vấn đề cần phải xây dựng và phát triển cho ĐTTM, hơn hết yếu tố thiết kế và quản lý quy hoạch phải được đặt lên hàng đầu, và ở giai đoạn đầu này, rất cần đội ngũ kiến trúc sư, những nhà quản lý đô thị tham gia tìm hiểu để rồi thiết kế, quy hoạch và cùng xây dựng nền tảng cho các ứng dụng của đô thị thông minh cần có”, ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, để làm được điều này, Đà Nẵng cần phải tập trung vào 3 trụ cột chính, là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao, đặc biệt là dịch vụ du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu quốc tế; phát triển các ngành thương mại, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao; có chính sách khuyến khích và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, gắn với phát triển kinh tế biển; phát triển nông nghiệp phục vụ đô thị và du lịch gắn với cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản có giá trị cao, ao toàn.

Theo ông Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội QHPTĐT Đà Nẵng, để hướng tới phát triển bền vững theo mô hình thành phố thông minh, tiện ích cao, Đà Nẵng cần đặt trọng tâm vai trò kiểm soát trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; tiến hành rà soát lại các đô thị cũ, không đảm bảo điều kiện về hạ tầng thiết yếu để có các giải pháp tái thiết hữu hiệu, vừa đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số vừa đáp ứng được văn minh, hiện đại và thông thoáng. Đồng thời, xem xét có lộ trình mở rộng đô thị trong các giai đoạn tiếp theo...

Mới đây, phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội QHPTĐT Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng cho rằng, để có được diện mạo đô thị như ngày hôm nay, trước hết là nhờ tư duy đi trước bắt đầu từ quy hoạch. Và Đồ án quy hoạch năm 1993 là minh chứng rõ ràng nhất, và là nền tảng hết sức cơ bản cho các nhà hoạch định chính sách, thiết kế và xây dựng đô thị biến Đà Nẵng từ một thành phố nhỏ, nhếch nhác trở thành đô thị hiện đại, có thể ngẩng cao đầu để so sánh với nhiều thành phố của cả nước, thậm chí có quyền so sánh với một số thành phố ở Châu Á.

Theo ông Dũng, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng, đây cũng là lúc Đà Nẵng xem xét, nhìn nhận lại những mặt được và chưa được để có tầm nhìn mới, tư duy mới và hy vọng sau 20 năm nữa, thành phố sẽ phát triển thần tốc như 20 năm đã qua. Muốn vậy, vai trò tiên phong, đi đầu của những nhà quy hoạch, kiến trúc vẫn không bao giờ thay đổi. “Cách đây hơn 20 năm, những nhà quy hoạch đã đặt những nét bút đầu tiên cho sự phát triển của thành phố, thì hôm nay - 20 năm tiếp theo, thậm chí dài hơn nữa, lãnh đạo thành phố rất cần các nhà quy hoạch đặt nét bút tiếp theo để những nét bút này tiếp tục là nền tảng quan trọng giúp cho thành phố, cho những người tổ chức thực hiện có thể kiến tạo ra một thành phố mới, hiện đại, năng động - một thành phố thịnh vượng, thông minh, sáng tạo, có bản sắc và phát triển bền vững..., để người dân có thể tự hào về lịch sử phát triển của Đà Nẵng và biến niềm tự hào ấy thành động lực cho sự phát triển trong tương lai”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng bày tỏ mong muốn.

DOÃN HÙNG