Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng quản lý quy hoạch đô thị hướng tới văn minh

Thứ ba, 13/08/2013 23:19

(Cadn.com.vn) - Sau khi Báo Công an TP Đà Nẵng đăng bài "Nhìn từ những chính sách  "xé rào" của Đà Nẵng", công bố kết quả nghiên cứu độc lập của GS.TS Nguyễn Thị Cành và các nhà khoa học khác, khẳng định những đột phá về hoạch định cũng như thực thi chính sách của TP, nhiều bạn đọc bày tỏ sự quan tâm đặc biệt. Để hiểu rõ hơn về những đánh giá đó, phóng viên  (PV) Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Thị Cành .

Một góc bờ đông sông Hàn (Đà Nẵng). Ảnh: Văn Thuấn

P.V: Nhóm nghiên cứu đã mất thời gian dài để xây dựng và hoàn thiện đề án này. Theo GS.TS  đâu là những thách thức để đề án này được đánh giá sát với thực tiễn?

GS.TS Nguyễn Thị Cành: Chúng tôi là những người làm nghiên cứu độc lập, đánh giá tình hình quản lý đô thị hiện nay hoàn toàn khách quan. Tình hình quản lý đô thị của Việt Nam có hiệu quả hay không dựa trên cơ sở pháp lý, các luật, các quy định của Chính phủ có phù hợp thực tiễn quản lý hay không. Chúng tôi thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển chính quyền đô thị tại Việt Nam” trong vòng gần một năm. Bước nghiên cứu khởi đầu là tổng quan tất cả các đề tài, đề án liên quan đến quản lý đô thị và chính quyền đô thị đã có ở Việt Nam. Bước tiếp theo là xác định vấn đề mà các nghiên cứu trước của nhiều tổ chức khác chưa đề cập để nghiên cứu tiếp. Vấn đề các nghiên cứu trước chưa đề cập là liệu Quản lý đô thị hay Tổ chức chính quyền đô thị theo pháp luật hiện hành có hiệu quả? Để trả lời có hiệu quả hay không chúng tôi chọn TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để khảo sát. Lý do chọn hai thành phố này là do các thành phố này đã có đề án xin thí điểm thành lập chính quyền đô thị cách đây 5 năm mà chưa được Trung ương chấp nhận. Kế đến là hai thành phố này cũng có những đặc thù riêng về quy mô, những sáng kiến trong quản lý. Nghiên cứu so sánh sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn đã có nhiều nghiên cứu trước đây đề cập. Vì vậy, trong nghiên cứu này chúng tôi chỉ nêu vai trò của các đô thị trực thuộc Trung ương và tóm lược lại những đặc thù của đô thị khác với nông thôn vì vậy cần ủng hộ mô hình tổ chức chính quyền đô thị khác với nông thôn. Nghiên cứu của chúng tôi đã đề xuất là muốn cho mô hình chính quyền đô thị được triển khai thì các quy định trong Hiến pháp về chính quyền địa phương phải thay đổi, tương tự phải thay đổi hàng loạt các Luật, văn bản dưới Luật phải thay đổi. Thay đổi theo hướng mô hình tổ chức chính quyền phải phù hợp với đặc thù phát triển đô thị tại Việt Nam và bối cảnh hội nhập quốc tế, hướng đến một mô hình tổ chức hiệu quả. Muốn vậy, cần trao quyền tự chủ mạnh hơn cho các đô thị trực thuộc Trung ương. Để thay đổi được một số đề xuất trong đề tài có liên quan đến các điều khoản cần sửa đổi trong Hiến pháp, luật pháp, các quy định và trao quyền cho địa phương các thành phố không phải là điều dễ dàng!

P.V: Những đột phá nổi bật của Đà Nẵng để GS.TS chọn làm đề tài nghiên cứu?

GS.TS Nguyễn Thị Cành.

GS.TS Nguyễn Thị Cành: Khác với TP Hồ Chí Minh, có quy mô rộng, lớn, dân cư phức tạp, mật độ dân số cao, Đà Nẵng có quy mô nhỏ hơn, dân cư thuần túy hơn (ít nhập cư cơ học hơn) vì vậy những thay đổi theo mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng có lẽ dễ dàng hơn. Đà Nẵng đã có những sáng kiến và đang từng bước chuyển động theo mô hình chính quyền đô thị đề xuất, mặc dù chưa được Trung ương phê duyệt đề án. Cụ thể là Đà Nẵng đã từng bước tập trung hóa chức năng, quản lý thống nhất đô thị qua một đầu mối như chức năng qui hoạch (thống nhất qua Hội đồng quy hoạch-kiến trúc và cơ quan thường trực là Sở Xây dựng-Quy hoạch); Quản lý đất đai cũng đưa về một đầu mối qua Sở Tài nguyên-Môi trường không phân cấp quá sâu cho quận-huyện như trước đây ở Đà Nẵng hay như hiện nay đang còn phân cấp mạnh ở TP Hồ Chí Minh; đặc biệt, Đà Nẵng đã xây dựng tòa nhà hành chính thành phố, đây là một bước tiến theo cách quản lý tập trung ở các đô thị trên thế giới (cơ quan hành chính tập trung một đầu mối để thông tin và giải quyết các vấn đề có liên quan nhanh hơn, tham mưu cho lãnh đạo thuận tiện hơn...).

P.V: Như vậy, theo GS.TS căn cứ vào tiêu chí nào để xác định chính quyền đô thị của Đà Nẵng đã gắn với lợi ích của người dân và cộng đồng DN?

GS.TS Nguyễn Thị Cành: Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn sâu các tổ chức, hiệp hội DN và người dân. Kết quả phỏng vấn cho thấy người dân và DN ở Đà Nẵng hài lòng với chính quyền trên một số khía cạnh thủ tục hành chính nhanh hơn, cấp giấy tờ nhà đất nhanh hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn, an ninh trật tự cũng tốt hơn. Cụ thể là DN và người dân được tiếp xúc lãnh đạo theo định kỳ, trả lời các khiếu nại, thắc mắc kịp thời, DN thấy an toàn khi kinh doanh tại Đà Nẵng, mặc dù vẫn còn một số khu dân cư khó giải tỏa do một số khó khăn từ cả chính quyền và cộng đồng dân cư (giá đền bù chưa thống nhất, dự án triển khai chậm...).  Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu trước: “Năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) phối hợp với tạp chí Mặt trận thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tiến hành xây dựng và đánh giá chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI) trên 63 tỉnh/thành phố trong cả nước. PAPI là hệ thống chỉ báo thể hiện giá trị đo lường định lượng hiệu quả của nhiều lĩnh vực liên quan đến quản trị và hành chính công. PAPI tập trung nghiên cứu 6 lĩnh vực nội dung có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau: (1) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (2) Công khai, minh bạch; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) Kiểm soát tham nhũng; (5) Thủ tục hành chính công; và (6) Cung ứng dịch vụ công. Kết quả cho thấy điểm số trung bình của 63 tỉnh/thành phố ở nội dung Thủ tục hành chính công là 6,88 điểm. TP Đà Nẵng đạt điểm cao nhất ở nội dung Cung ứng dịch vụ công với ước lượng điểm trung bình là 7,43 điểm.

Đà Nẵng không chỉ tạo ra một diện mạo đô thị đẹp mà còn là những giá trị sống tốt đẹp.
Trong ảnh: Bạn trẻ tham gia dọn vệ sinh biển Phạm Văn Đồng-Đà Nẵng.

P.V: Trong quá trình nghiên cứu vì sao GS.TS lại khuyến khích nên nhân rộng mô hình này. Mặc dù, chính sách này là có xác định “xé rào” hoặc “lách luật”?

GS.TS Nguyễn Thị Cành: Qua khảo sát thấy rằng Đà Nẵng đã lách luật để đi theo hướng quản lý tập trung đầu mối nâng cao hiệu quả trong quản lý, vai trò, quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu. Đây là xu hướng quản lý của chính quyền đô thị nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng có hiệu quả. Đà Nẵng là TP tiên phong trong cả nước bước đầu vận dụng mô hình này một cách linh hoạt. Rõ ràng với các chuyển động quản lý tập trung chức năng theo chính quyền đô thị một cấp nêu trên (chỉ một cấp HĐND và UBND thành phố, không có HĐND quận, huyện, phường; giảm chức năng quản lý kinh tế cho quận, huyện, phường, tăng cường giám sát cơ sở và tăng đại biểu chuyên trách HĐND thành phố) cho thấy kết quả hiệu quả hơn là làm theo đúng quy định phân cấp quá mạnh cho quận, huyện, phường về quản lý kinh tế- hành chính theo Luật, các quy định hiện hành. Hiệu quả thể hiện thời gian thủ tục của DN và người dân được rút ngắn, chi phí xã hội giảm... Thiết nghĩ mô hình này cần phải nhanh chóng đưa vào áp dụng. Nhìn chung, nhiều câu chuyện về một cách làm mang tên Đà Nẵng. Tất cả để hướng đến một đô thị sống tốt với người dân là trung tâm, mọi chỉ tiêu phát triển mang tính bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn liền với chất lượng cuộc sống của người dân và của cộng đồng DN.

P.V: Trân trọng cảm ơn GS.TS.

Xuân Đương
 (thực hiện)