Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng quyết liệt thu nợ thuế

Thứ bảy, 15/08/2015 10:31

(Cadn.com.vn) - Nợ đọng thuế của các doanh nghiệp (DN), cá nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng đến cuối tháng 7-2015 ước 860 tỷ đồng, chiếm gần 10% so với tổng kế hoạch thu ngân sách TP năm 2015. Để quản lý, thu hồi nợ đọng đảm bảo nguồn thu ngân sách TP không bị hụt, Cục thuế đã và đang triển khai nhiều biện pháp để truy thu, chống thất thu thuế. Tuy nhiên, các biện pháp hiện tại vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. 

* Ông Lưu Đức Sáu nhấn mạnh, để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế và chống thất thu cho NSNN, trong thời gian đến Cục thuế tiếp tục công khai danh sách DN nợ thuế trên địa bàn lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các lực lượng liên ngành; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với những DN, ngành nghề lĩnh vực có rủi ro cao, khả năng thất thu thuế lớn, DN kê khai lỗ thường xuyên vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, DN có số lỗ vượt vốn chủ sở hữu, DN có mức hoàn thuế lớn, DN chấp hành không tốt chế độ hóa đơn chứng từ, khai báo nộp thuế và hạch toán chi phí không đúng. Đặc biệt, nghiên cứu áp dụng tăng mức thuế đối với các nhà hàng, khách sạn, quán bar để tăng thu ngân sách vừa đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và giảm tai nạn giao thông...

Ngân sách bị ảnh hưởng

Theo Cục thuế Đà Nẵng, tính đến ngày 31-7, có 10.079 DN và 11.079 hộ kinh doanh cá thể nợ thuế với tổng số nợ đọng thuế ước 860 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu là 223 tỷ đồng, nợ đang xử lý 9 tỷ đồng và nợ có khả năng thu 628 tỷ đồng. Đà Nẵng cũng là một trong 19 địa phương trên toàn quốc có số lượng DN nợ thuế lớn nhất nước được Bộ Tài chính yêu cầu công khai danh tính và cưỡng chế nợ. Theo đó, nhiều DN lớn nợ thuế nhiều năm với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, Cty CP Phát triển Khu công nghệ Thông tin tập trung nợ 43,5 tỷ đồng; Cty CP Biển Tiên Sa nợ 18,4 tỷ đồng; Cty Đầu tư và Phát triển Hàn Quốc nợ 9,5 tỷ đồng; Cty Xây dựng Điện VNECO 7 nợ 8,9 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm Cục thuế tiến hành thanh tra 910 DN trên tổng số gần 15.000 DN, tổng số tiền thuế xử lý tăng thu (truy thu, thu hồi hoàn và phạt) gần 38 tỷ đồng; giảm lỗ qua thanh tra hơn 156,3 tỷ đồng; giảm khấu trừ thuế GTGT 727 triệu đồng, xử lý vi phạm hành chính đối với 1.096 trường hợp với số tiền 856 triệu đồng. Ngoài ra, có 12.423 hồ sơ kê khai trực tiếp tại Cục thuế, tuy nhiên Cục thuế chỉ chấp nhận 3.987 hồ sơ, còn lại 1.527 hồ sơ có dấu hiệu lách thuế Cục thuế yêu cầu DN giải trình lại, 6.611 hồ sơ Cục thuế phải tiến hành kiểm tra lại tại DN và đã có 298 hồ sơ điều chỉnh với số thuế tăng thêm hơn 4 tỷ động, giảm khấu trừ 1,2 tỷ đồng, giảm lỗ 129 tỷ đồng...

Theo ông Lưu Đức Sáu, Phó Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, DN tập trung toàn bộ nguồn tài chính của mình đầu tư sản xuất kinh doanh, nên việc thanh toán những khoản nợ đọng, trong đó có thuế thường bị chậm trễ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều DN tung chiêu “giả chết” để trốn thuế bằng cách “thành lập – giải thể - thành lập” với mục tiêu trốn các khoản nợ. Chỉ trong 7 tháng đầu năm có 1.039 DN ngừng, tạm ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh, mất tích hoặc lâm vào tình trạng giải thể, phá sản không có khả năng trả nợ thuế và rơi vào tình trạng trên và hậu quả cả trăm tỷ đồng nợ đọng thuế chưa thể thu được ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách TP.

Khu phức hợp Blomming của Cty Đầu tư và Phát triển Hàn Quốc chậm tiến độ nhiều năm, hiện Cty đang nợ 9,5 tỷ đồng tiền thuế.

“Thuốc chưa đủ liều”

Ông Hồ Xuân Hiệp, Trưởng phòng Nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế Đà Nẵng) cho biết, trước tình trạng hàng ngàn DN chây ỳ nợ thuế, buộc Cục thuế Đà Nẵng phải lập các đội “bác sĩ bốc thuốc kê đơn” chuyên chữa bệnh nợ để thu hồi thuế kèm theo áp dụng tất cả các biện pháp như: đôn đốc, phong tỏa tài sản, cưỡng chế thuế, thu hồi hóa đơn GTGT nhưng chỉ thực sự hiệu quả đối với những DN có số nợ thuế ít, còn đối với những DN nợ thuế lớn chưa mang lại hiệu quả.

Trong 6 tháng đầu năm, Cục thuế đã phát đi 44.500 Thông báo đôn đốc, thuyết phục DN nộp thuế; mời đến Cục thuế làm việc 8.950 lượt; phong tỏa tài sản đối với 809 trường hợp và cưỡng chế hóa đơn đối với 846 DN nhưng DN vẫn chây ỳ, dây dưa và kết quả thu hồi nợ vẫn không đạt yêu cầu đề ra. Thậm chí có DN đã năm lần bảy lượt ra quyết định cưỡng chế, phong tỏa tài sản nhưng vẫn “cố đấm ăn xôi” chịu phạt chứ không chịu nộp thuế.

Ông Hiệp cho biết thêm, hiện nay lợi dụng thủ tục đăng ký mở công ty, DN quá dễ dàng, nên hàng trăm DN sử dụng “chiêu thức” thay tên đổi chủ sau khi nợ thuế và nhiều DN này bỏ khỏi trụ sở kinh doanh đã đăng ký doanh, không làm thủ tục giải thể, đóng mã số thuế nên rất khó khăn cho ngành thuế xử lý. Ông Hiệp thừa nhận tình trạng DN nợ thuế giải thể rồi lập DN mới đã xuất hiện từ nhiều năm nay và ngày càng phổ biến, nhưng việc giải quyết vẫn còn hết sức lúng túng.

Để hạn chế khoản thất thu này, ông Hiệp đề nghị đối với các DN thành lập mới, Sở KH&ĐT cần thông tin để ngành Thuế kiểm tra chủ DN này có đang nợ thuế hay không mới cấp phép và buộc phải hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước mới được phép thành lập DN.

Xuân Đương