Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng ra “tối hậu thư”, chấm dứt nuôi cá lồng bè trái phép tại vịnh Mân Quang

Thứ năm, 07/10/2021 10:57

Theo kế hoạch, trong tháng 10-2021, 234 hộ dân là chủ của 484 lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép tại vịnh Mân Quang, Q. Sơn Trà phải hoàn thành việc thu hoạch, tháo dỡ tài sản để trả lại mặt nước phục vụ cho công tác cải tạo môi trường, phục vụ cho việc quy hoạch phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2030. Người dân tiến thoái lưỡng nan, dùng dằng việc đi - ở, trong khi chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế vì nguồn sống bao năm của họ buộc phải chấm dứt.

Người dân nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên vịnh Mân Quang.

“Tiến thoái lưỡng nan”

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an Đà Nẵng, ông Lê Tấn Thanh – Chủ tịch UBND P. Thọ Quang cho biết, từ những ngày đầu tháng 10 đến nay, cơ quan chức năng của phường tập trung kiểm tra hiện trường, thống kê lại số liệu lồng bè và vận động bà con nhanh chóng thu hoạch, bán hải sản và tự tháo dỡ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì chỉ mới nhổ được cọc rò nghêu vì người dân đang muốn có thêm thời gian để chờ thu hoạch các loại cá để thu hồi vốn.

“Hiện tại còn 97 hộ nuôi cá trong lồng bè. Chúng tôi đang tăng cường vận động để giải quyết dứt điểm trong tháng 10 này theo kế hoạch của quận. Khó khăn đầu tiên là giúp bà con tiêu thụ hải sản thu hoạch đúng kỳ, sau đó chính là sinh kế, việc làm mới vì họ đã gắn bó lâu năm với nghề này. Trước mắt phường báo cáo đề xuất Sở NN&PTNT kết nối các đơn vị thu mua để đảm bảo giá cả cho dân”, ông Thanh cho hay. Trong khi đó, theo ông Cao Đình Hải – Chủ tịch UBND P. Nại Hiên Đông, ngày 1-10 phường ban hành thông báo tới người dân về việc tiếp tục thực hiện tháo dỡ lồng bè nuôi thủy sản trái phép tại vịnh Mân Quang và yêu cầu các hộ tự thu gom lồng bè, chòi canh trước ngày 7-10. Cùng với việc này, phường đã làm việc với 4 đơn vị thu mua hải sản trên địa bàn thành phố và đề nghị đảm bảo về thời gian và giá cả, không ép giá để đảm bảo quyền lợi cho bà con.

Dù bao năm qua chính quyền tuyên truyền, vận động và thậm chí là xử phạt nhưng các hộ dân đã gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè hàng chục năm qua vẫn trong tâm trạng ngổn ngang. Họ biết đây là việc làm tự phát, không đúng quy định, nhưng cũng chính nơi này đã là kế sinh nhai của gia đình, người lớn có việc làm đảm bảo thu nhập để trẻ con được học hành nên bám trụ cho tới bây giờ. Nhiều gia đình thế hệ này đến thế hệ khác gắn bó với cái lồng bè, lều chòi trên vịnh mà thu nhập nhiều năm cũng bấp bênh, phụ thuộc thời tiết. Nếu giờ phải bỏ nghề thì không biết làm sao để có công việc mới mà thích ứng mưu sinh. Ông Nguyễn Hoàng – một người dân đã gắn bó bao năm với chòi canh trên vịnh, duy trì công việc đã nuôi sống cả gia đình, tâm sự: "Gia đình tôi 5 cha con làm công việc này mấy chục năm rồi. Giờ mà nghỉ cũng không biết làm việc chi có thu nhập. Mỗi khi phường họp dân để vận động, yêu cầu tháo dỡ, ai cũng biết nghề của mình đang làm khó chính quyền. Khi phạt bà con cũng chấp hành. Nhưng nếu rời chỗ này rồi thì không biết làm gì để sống, người trẻ cũng khó mà giả cả như chúng tôi thì sao mà tìm được việc mới”. Ông Hoàng cũng như bà con kiến nghị.

Theo cán bộ Phòng Kinh tế Q. Sơn Trà, qua khảo sát thì chỉ có khoảng 10% hộ dân đồng ý tháo dỡ đồng thời hỗ trợ kinh phí, chuyển đổi ngành nghề. Số còn lại thì mong muốn được tiếp tục nghề vì tuổi già, không đủ khả năng tìm kiếm công việc khác.

Nan giải bài toán học nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân

Câu chuyện chấm dứt việc nuôi cá lồng bè tự phát trên sông vịnh làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan, an toàn cho tàu thuyền đã dây dưa hàng chục năm qua ở quận Sơn Trà. Bắt đầu từ vài hộ nuôi nghêu, dần dần thấy có thu nhập, có đến hàng trăm hộ dân đã dựng chòi canh, vây lồng bè nuôi các loại cá như một nghề mưu sinh tạo thu nhập cho gia đình. Vịnh Mân Quang dần trở thành “thủ phủ” cá lồng bè của Đà Nẵng dù không có quy hoạch. Cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều đợt vận động, ra tối hậu thư nhưng người dân vẫn cố bám lấy chòi, bè, đến vụ vẫn thả cá để nuôi, chấp nhận may rủi vì không còn nghề khác đề làm.

Theo ông Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà, xử lý lồng bè trái phép trên vịnh Mân Quang là một trong ba nhiệm vụ mà thành phố giao cho quận trong năm 2021. Kế hoạch là phải xử lý dứt điểm trong tháng 10, tuy nhiên tình hình dịch COVID-19 phức tạp nên phải tạm dừng một thời gian. Nay tình hình đã ổn nên quận đã chỉ đạo P. Thọ Quang và Nại Hiên Đông đẩy nhanh công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện tháo dỡ. Trên vịnh Mân Quang có 484 lồng bè, 110 rò nghêu và 106 chòi canh của 234 hộ dân, trong đó phần lớn thường trú trên địa bàn P. Nại Hiện Đông và Thọ Quang, còn lại thuộc các địa phương khác và cả người ngoại tỉnh.

Đến nay ngành chức năng đã tháo dỡ được 36 chòi canh, 35 bè cá, 79 bè hàu, vẹm, bợp bợp, ban hành 108 quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi thủy sản trái phép. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất dẫn đến hiện nay vẫn chưa xử lý được dứt điểm là do nhiều hộ đã vay tiền ngân hàng đầu tư vào nuôi trồng thủy sản chưa thu hồi vốn. Việc xử lý, chấm dứt nuôi sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc trả nợ. Lao động tại đây đa số lớn tuổi, không có tay nghề ở những lĩnh vực khác nên việc đào tạo và chuyển đổi ngành nghề rất khó khăn.

Mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chấm dứt nuôi trồng thủy hải sản lồng bè tự phát trên địa bàn toàn thành phố. Theo đánh giá của ngành chức năng thành phố Đà Nẵng, xử lý dứt điểm việc nuôi trồng thủy sản tự phát bằng lồng bè tại vịnh Mân Quang và trên sông biển nói chung trong năm 2021 sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố giai đoạn 2020-2030.

Theo chỉ đạo của ông Hồ Kỳ Minh trong tháng 10-2021 lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu các chủ hộ thực hiện tự tháo dỡ tài sản của mình sau khi thu hoạch thủy hải sản. Kể từ đầu tháng 11 đến 31-12-2021 chính quyền địa phương và các sở ngành liên quan sẽ ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hộ không chấp hành đồng thời đảm bảo không để phát sinh kể từ năm 2022. Cùng với việc đảm bảo xử lý dứt điểm, làm sạch vịnh Mân Quang, UBND thành phố chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp chính quyền địa phương rà soát nhu cầu học nghề, chuyển đổi ngành nghề, kết nối các cơ sở, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động để tạo công ăn việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân.

ĐÔNG A