Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng: Sẵn sàng bù lỗ, trợ giá khuyến khích người dân đi xe buýt

Thứ bảy, 16/04/2016 10:22

(Cadn.com.vn) - Nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, chống ùn tắc giao thông, thành phố Đà Nẵng đang triển khai "Dự án xe buýt nhanh- BRT" và 5 tuyến xe buýt có trợ giá khu vực nội thành. Thành phố Đà Nẵng chấp nhận bù lỗ, trợ giá vé để khuyến khích người dân đi xe buýt trong thời gian đầu. Dự án này đang khởi động nhưng nhiều người bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả của dự án.

Tuyến xe buýt nhanh BRT Đà Nẵng là hợp phần trong khuôn khổ "Dự án phát triển bền vững của thành phố" do Ngân hàng Thế giới tài trợ, kinh phí hơn 50 triệu USD. Dự án gồm 1 tuyến chính dài 25 km, điểm đầu tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Q. Liên Chiểu và điểm cuối là Trường Cao đẳng Hữu nghị Việt Hàn, Q. Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra, còn 2 tuyến kết nối dài hơn 62 km từ Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đi Hội An và Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đi Bà Nà. Theo đó, sẽ có 2 ga lớn ở đầu và cuối tuyến chính cùng 180 trạm dừng đỗ trên toàn tuyến. Đoàn phương tiện tổng cộng 66 xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel và đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 3 trở lên (gồm 36 xe loại 80 chỗ và 30 xe loại 60 chỗ ngồi). Ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng cho biết, hiện Dự án xe buýt nhanh BRT đang hoàn thành hồ sơ thiết kế và chuẩn bị đấu thầu để triển khai  thi công trong năm nay, để đưa hệ thống BRT vào vận hành đầu năm 2018.

Để phụ trợ cho tuyến xe buýt nhanh BRT, hiện thành phố đang  triển khai 5 tuyến xe buýt trợ giá với khoảng 60 đầu xe, loại 40 chỗ ngồi chạy ở nội thành. Tuyến xe buýt này hoạt động từ 5 giờ  đến 21 giờ hằng ngày, có chức năng gom khách phục vụ tuyến xe buýt nhanh BRT. UBND thành phố cũng ban hành Quyết định 4428  về việc phê duyệt phương án vé và trợ giá các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015-2020.

Theo đó, thành phố sẵn sàng bù lỗ, trợ giá vé khuyến khích hành khách đi xe buýt. Các đối tượng là cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh có tỷ lệ thương tật trên 81%, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người có công cách mạng được tặng Kỷ niệm chương 'Tổ quốc ghi công" hoặc "Bằng có công với nước", người khuyết tật nặng...được miễn vé xe buýt. Các đối tượng chính sách khác như: thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp hàng tháng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương bệnh binh có tỷ lệ thương tật dưới 81%, người cao tuổi, hộ nghèo, công nhân làm việc trong khu công nghiệp, học sinh, sinh viên...được giảm một nửa tiền vé.

Nhiều xe buýt 80 chỗ ngồi chiếm hết đường, chưa phù hợp với Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, với tốc độ phát triển nhanh của thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua, vấn đề chống ùn tắc giao thông đang đặt ra cấp thiết. Cùng với mở rộng hạ tầng, tổ chức giao thông hợp lý thì giải pháp phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những giải pháp thành phố đang lựa chọn. Xe buýt mới ra thì chắc chắn rất ít người đi, đối tượng đi xe buýt cũng là người thu nhập bình thường, thu nhập thấp. Cho nên, thành phố sẽ bù lỗ cho các nhà khai thác xe buýt mỗi năm khoảng hơn 38 tỷ đồng và thực hiện trong 5 năm để khuyến khích người dân đi xe buýt.

Dù "Dự án xe buýt nhanh BRT" ở Đà Nẵng đang giai đoạn đấu thầu nhưng đã có nhiều ý kiến lo ngại về tính hiệu quả của dự án. Thực tế mạng lưới xe buýt công cộng tại địa phương này lâu nay hoạt động không hiệu quả. Tỷ lệ khai thác hành khách bằng xe buýt ở Đà Nẵng chỉ đáp ứng từ 1% đến 3% nhu cầu đi lại của người dân. Nhiều người dân vẫn quen sử dụng phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông, chưa có thói quen đi xe buýt. Ông Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội cầu đường thành phố Đà Nẵng cho rằng, sử dụng xe buýt công cộng để giảm tải phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, đối với tuyến xe buýt nhanh BRT của Đà Nẵng và cách còn nhiều bất hợp lý.

Từ phân bố tuyến, bố trí chỗ đậu đỗ đến chọn phương tiện và cách vận hành đều chưa hợp lý. Xe buýt nhanh chọn xe 80 chỗ ngồi, 2 xe nối lại to quá, chiếm hết đường, không an toàn giao thông, chưa phù hợp với Đà Nẵng và Việt Nam nói chung vì vậy cần chọn xe buýt loại 30 chỗ ngồi, là vừa với đường của chúng ta.  Riêng trục đường dự kiến triển khai tuyến xe buýt nhanh BRT trùng với tuyến xe buýt chất lượng cao hiện tại. Trong khi đó, tuyến này đang thiếu khách, bây giờ đem xe buýt nhanh chồng lên tuyến này là lãng phí. Theo ông Dân, bây giờ sử dụng 5 tuyến xe buýt trợ giá để  gom khách phục vụ cho tuyến xe buýt chất lượng cao là có thể nâng hiệu suất xe buýt chất lượng cao, còn trục xe buýt nhanh BRT thành phố nên nghiên cứu mở chỗ khác và vào thời điểm khác thích hợp hơn...

Nhuận Minh Hoàng