Đà Nẵng: Sản xuất rau sạch vẫn còn nhiều khó khăn
Tại hội thảo thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm an toàn công nghệ cao khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ông Trần Viết Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, cho biết: UBND thành phố đã quy hoạch, phê duyệt danh mục 7 vùng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích hơn 500ha, gồm các lĩnh vực: Trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản. Bước đầu đã có 7 nhà đầu tư đang tiếp cận xúc tiến triển khai các dự án đầu tư và đang triển khai đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 117ha, tại Hòa Ninh, Hòa Vang và tiếp tục rà soát, tham mưu UBND thành phố quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để ưu tiên đầu tư.
Vùng trồng rau sạch Quan Châu (xã Hòa Châu, H. Hòa Vang) vẫn còn thủ công, khó áp dụng công nghệ cao. |
Đối với lĩnh vực trồng trọt, đã đưa vào sản xuất các vùng, mô hình sản xuất rau an toàn Hòa Thọ Đông, Hòa Khương, Hòa Châu... Bên cạnh đó, các mô hình trồng cây ăn quả an toàn cũng đang được triển khai nhân rộng và ứng dụng công nghệ cao như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, bưởi da xanh... đã đem lại những hiệu quả nhất định. Đặc biệt, với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch được ngành Nông nghiệp và Hội Nông dân TP phối hợp thực hiện trong nhiều năm, như: sản xuất lúa hữu cơ theo nguyên tắc 3 không “không thuốc diệt cỏ, không phân hóa học, không thuốc BVTV”, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng, trao đổi: Trên thực tế, việc phát triển mô hình rau, cây ăn trái an toàn theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn. Trước hết là quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, người nông dân thiếu vốn sản xuất vì chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay của quỹ hỗ trợ nông dân, ngân hàng chính sách xã hội, kiến thức về khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế. Thậm chí, nhiều nông dân còn thờ ơ với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác mới...
Theo ông Trần Văn Hoàng - Giám đốc HTX Rau sạch La Hường (Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ): Ngoài việc sử dụng các phương tiện, phân bón hữu cơ, nước sạch... để cho ra sản phẩm sạch, phương thức sản xuất của các xã viên tại HTX vẫn như cũ. Vì áp dụng các phương thức sản xuất theo hướng công nghệ cao không phù hợp với tình hình thực tế. Hoặc mô hình sản xuất rau, hoa sạch tại P. Hòa Xuân vẫn được đánh giá là chưa bền vững vì 6ha đất đang sử dụng cho việc canh tác được mượn từ nguồn đất quy hoạch của các dự án.
Ông Hồ Đắc Lành - Chủ tịch Hội Nông dân P. Hòa Xuân, cho biết: Do đất sản xuất là đất mượn nên người nông dân không an tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Theo tìm hiểu, tình hình sử dụng cho sản xuất nông nghiệp vẫn nằm trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, một số vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao đã được quy hoạch những chưa xác định ranh giới cụ thể dẫn đến tính bền vững không cao, gây khó khăn cho các hộ nông dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, các mô hình ứng dụng thiếu bền vững, chưa đảm bảo tính khoa học dẫn đến sản phẩm sản xuất ra không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường và chưa có sự liên kết bền vững giữa nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong quá trình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Để rau sạch có thể phát triển một cách bền vững theo hướng công nghệ cao, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, Đà Nẵng cần có những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, hỗ trợ đầu tư dự án, lãi suất vay vốn đầu tư phát triển sản xuất... Bên cạnh đó cần ưu tiên quỹ đất để thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án mỗi xã một sản phẩm, gắn kết việc tổ chức sản xuất với hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại để tạo lợi thế cạnh tranh...
M.T