Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng sau nghị quyết 43 (Bài 2: Khơi thông nguồn lực phát triển)

Thứ hai, 11/03/2019 16:07

Ngay sau NQ43 cùng những cam kết đồng hành mạnh mẽ của chính quyền Đà Nẵng, nhiều nhà đầu tư lớn đã đặt niềm tin khi đổ vốn vào TP. Đây là tín hiệu lạc quan, chứng tỏ Đà Nẵng đã bước đầu hiện thực hóa NQ43 bằng việc khơi thông nguồn lực đầu tư để kiến thiết TP theo định hướng.

Nhiều nhà đầu tư lớn đã đặt niềm tin vào Đà Nẵng. (Trong ảnh: Trao chứng nhận đầu tư cho các dự án tại Tọa đàm mùa Xuân 2019).

Khi tổng kết NQ33, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói rằng, bài học lớn nhất với Đà Nẵng là đã biết nắm bắt cơ chế để huy động các nguồn lực phục vụ phát triển TP. Trong bối cảnh phát triển mới, Đà Nẵng cũng được ban hành một cơ chế mới phù hợp nhằm bứt phá ra khỏi các điểm nghẽn cản trở phát triển. Vấn đề mấu chốt còn lại vẫn là nắm bắt ngay cơ hội từ cơ chế mới để huy động được thật nhiều nguồn lực phục vụ phát triển, đặc biệt là nguồn lực tư nhân trong xã hội. Muốn làm được điều này, cần một môi trường và giải pháp tốt để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có niềm tin khi đầu tư vào TP. Tại Tọa đàm mùa Xuân ngày 1-3 vừa qua, lãnh đạo TP đã có những cam kết đồng hành mạnh mẽ cùng nhà đầu tư khi đặt niềm tin vào Đà Nẵng. Đây cũng là một bước đi cụ thể trong việc hiện thực hóa NQ43.

Nhà đầu tư quan tâm đến dự án nhà ga T3 để nâng công suất sân bay Đà Nẵng lên 30 triệu khách/năm.

Ông Kunio Umeda, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, số lượng DN Nhật đầu tư vào Đà Nẵng đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua (127 DN). Điều này cho thấy môi trường đầu tư của TP ngày càng được cải thiện, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Hiện nay, với 14 chuyến bay/tuần, khách du lịch từ Nhật tới Đà Nẵng đã tăng đáng kể, đồng nghĩa với nhiều nhà đầu tư của Nhật sẽ tới Đà Nẵng tìm cơ hội đầu tư. Trong khi đó, ông Kevin Loebbaka, Tổng giám đốc điều hành UAC (Hoa Kỳ), Cty vừa đầu tư 170 triệu USD vào dự án sản xuất linh kiện máy bay ở Khu CNC Đà Nẵng cho biết, quá trình làm thủ tục đầu tư dự án khá minh bạch, thuận tiện, được hỗ trợ tích cực.

Ông Kevin đánh giá cao môi trường đầu tư ở Đà Nẵng và cho biết sẽ giới thiệu cho nhiều nhà đầu tư khác của Mỹ tới Đà Nẵng tìm cơ hội đầu tư. Không phải ngẫu nhiên UAC lại chọn Đà Nẵng để xây dựng nhà máy đầu tiên của mình ở Châu Á, nếu không đánh giá cao môi trường đầu tư, nhân lực và thị trường. Tương tự, ông Huỳnh Uy Dũng, một doanh nhân khá thành công ở Bình Dương cũng cho biết sẵn sàng đổ 10 ngàn tỷ đầu tư vào Đà Nẵng trong lĩnh vực xử lý môi trường. Đây là dự án đầu tiên ông Dũng đầu tư ngoài Bình Dương, bởi như lời của ông là yêu quý mảnh đất Đà Nẵng. Ông Dũng tâm sự, nếu không có niềm tin sẽ không chọn Đà Nẵng và đầu tư một số vốn lớn như vậy. Một nhà đầu tư khác, doanh nhân Hạnh Đỗ cũng cho biết, ông rất quan tâm tới dự án nhà ga T3 tại sân bay quốc tế Đà Nẵng với mục tiêu nâng công suất sân bay này lên 30 triệu khách/năm. Hiện công suất 2 nhà ga của sân bay này chỉ đạt 8 triệu khách/năm, trong khi số lượng khách năm 2018 đã đạt 13 triệu. Lĩnh vực cảng biển, hàng không gắn với logistics là một trong 5 mũi nhọn phát triển Đà Nẵng được định hướng trong NQ43.

Nhà đầu tư cũng bày tỏ mong muốn đầu tư cảng Liên Chiểu để chuyển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch.

Không chỉ các nhà đầu tư lần đầu tới Đà Nẵng mà nhiều nhà đầu tư khác đã sản xuất kinh doanh tại TP cũng bày tỏ niềm tin, sẵn sàng tăng vốn đầu tư. Ông Lee Jiunn Shyan, Tổng giám đốc Cty TCIE Việt Nam (thuộc tập đoàn Tan Chong, Malaysia) hiện có 2 nhà máy sản xuất ô-tô tại Đà Nẵng cho biết, Cty đánh giá cao sự quan tâm hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền Đà Nẵng. TP đã hợp tác chặt chẽ với Cty, lắng nghe những khó khăn của Cty từ đó kịp thời hỗ trợ giải quyết các vướng mắc. Trên cơ sở đó, Cty đã quyết định mở rộng dự án sản xuất ô-tô Nissan với tổng vốn tăng thêm 50 triệu USD. Ông Lee cũng chia sẻ, Cty mong muốn có thêm nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực ô-tô tới Đà Nẵng để có thể TP thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất ô-tô sớm triển khai thực hiện chiến lược đầu tư một tổ hợp sản xuất ô-tô tại Đà Nẵng, như vậy sẽ tăng hiệu quả dự án cũng như hiệu quả sử dụng đất.

Ông Trần Hồng Sơn, TGĐ Cty Long Hậu cho biết vừa đầu tư dự án hậu cần hơn 1000 tỷ đồng tại Khu CNC Đà Nẵng. Dự án này sẽ tập trung thu hút các DN sản xuất phụ trợ CNC nhằm cung ứng cho các DN sản xuất CNC. Khi dự án được lấp đầy, tổng số lượng DN phụ trợ khoảng 120, tổng vốn khoảng 1,1 tỷ USD, tạo ra khoảng 8.000 việc làm. Ông Sơn đánh giá cao tiềm năng, môi trường, cơ chế vì thế đặt niềm tin rất lớn khi đầu tư vào Đà Nẵng. Đây cũng là động lực để dự án vừa khởi công thì Cty Long Hậu lại bắt tay ngay vào làm các thủ tục ban đầu để đầu tư các dự án KCN phụ trợ và KCN Hòa Ninh. Dự kiến KCN Hòa Ninh sẽ được cấp Chứng nhận đầu tư vào năm 2020 với tổng diện tích 400ha, tổng vốn 3 ngàn tỷ đồng, khi được lấp đầy sẽ là môi trường sản xuất kinh doanh của khoảng 200 DN, tạo ra 25 ngàn việc làm, đóng góp hàng năm khoảng 2 tỷ USD vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Đà Nẵng.

Có thể nói, chính cơ chế mới cộng với cam kết đồng hành mạnh mẽ của chính quyền Đà Nẵng đã tạo niềm tin rất lớn để các nhà đầu tư sẵn sàng đổ vốn lớn vào phát triển TP. Chỉ tính riêng tại Tọa đàm mùa Xuân 2019, Đà Nẵng đã trao 7 chứng nhận đầu tư với tổng vốn gần 500 triệu USD và 13 thông báo nghiên cứu đầu tư, tổng vốn khoảng 3,5 tỷ USD. Con số đó là minh chứng niềm tin, kỳ vọng của nhà đầu tư khi đến với Đà Nẵng.

HẢI QUỲNH