Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng sẽ có những dự án giải trí xứng tầm nào?

Thứ tư, 15/07/2020 12:04

5 năm qua, Đà Nẵng đầu tư hơn 1,8 ngàn tỷ đồng xây dựng các công trình văn hóa, thể thao (chiếm 4,5% tổng đầu tư), trong đó chỉ có 2 công trình đầu tư mới trên 200 tỷ đồng là Cung Thiếu nhi Đà Nẵng (250 tỷ đồng) và sân bóng đá Hòa Xuân (382 tỷ đồng). Việc đầu tư như vậy chưa tương xứng với vị thế của TP, nhất là các công trình mang tính biểu tượng, động lực, điểm nhấn vẫn đang thiếu.



Công viên Châu Á tiếp tục được đầu tư với tổng vốn 14 ngàn tỷ đồng.

6 năm trước Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch vùng đến năm 2020 sẽ xây dựng Nhà hát lớn, Trung tâm văn hóa biểu diễn nghệ thuật, Khu phức hợp nghệ thuật xiếc cấp vùng, Thư viện Khoa học Tổng hợp cấp vùng tại Đà Nẵng nhưng đến nay chưa có công trình nào được đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư. Điều lạ lẫm là, với một TP lấy du lịch làm kinh tế mũi nhọn như Đà Nẵng song lại chưa trú trọng quy hoạch quỹ đất để hình thành các công trình văn hóa, thể thao đặc trưng thu hút du khách. Chưa kể, nhiều vị trí đã quy hoạch cho công trình văn hóa, thể thao cũng bị điều chỉnh thay đổi (Hải Châu thay đổi 4 vị trí, Thanh Khê 4, Sơn Trà 3).

Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, Đà Nẵng sẽ đầu tư và thu hút đầu tư hàng loạt công trình xứng tầm với vị thế trung tâm văn hóa, thể thao, giải trí của khu vực. Cụ thể, TP đang triển khai các dự án đã có chủ trương đầu tư với tổng kinh phí hơn 14,4 ngàn tỷ đồng (11,5 ngàn tỷ đồng vốn xã hội hóa). Tiêu biểu như Bảo tàng Đà Nẵng tại 42 Bạch Đằng vốn 507 tỷ đồng sắp khởi công, Công viên thanh niên 300 tỷ đồng đang thi tuyển phương án quy hoạch kiến trúc (theo hướng gộp chung khu đất 3,7ha góc đường Lê Thanh Nghị và Cách Mạng Tháng 8 để xây dựng TTHC Q. Hải Châu và Trung tâm Văn hóa TP). Đặc biệt, TP đang kêu gọi đầu tư Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn (bao gồm các hạng mục trong khu di tích kể cả Bảo tàng Phật giáo) với tổng vốn 1.000 tỷ đồng. Hiện dự án đang thực hiện Quy hoạch di tích theo Luật Di sản văn hóa, đã trình Thủ tướng xem xét phê duyệt, sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Bên cạnh đó, với các dự án đã có chủ trương nghiên cứu thực hiện tổng vốn 30,5 ngàn tỷ đồng hiện đang xúc tiến các thủ tục đầu tư. Trong số đó, TP sẽ đầu tư Bảo tàng biển tổng vốn 500 tỷ đồng, đặt ven biển Sơn Trà kết hợp với Công viên Đại dương hình thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, hoặc khu vực cuối đường Nguyễn Sinh Sắc giáp đường biển Nguyễn Tất Thành. Ngoài ra, phần lớn các dự án đã có chủ trương nghiên cứu đầu tư khác được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tiêu biểu như Bảo tàng tranh “trận chiến 1858-1860” tại Đà Nẵng, tổng vốn 1.000 tỷ đồng theo mô hình Bảo tàng Bức tranh “Trận chiến Borodino” tại Nga, dự kiến đặt trên đường Trường Sa, cạnh dự án Hòn Ngọc Á Châu. Dự án Trường quay Đà Nẵng tổng vốn 200 tỷ đồng, được đầu tư với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ khâu kỹ thuật tiền kỳ, hậu kỳ trong sản xuất phim theo công nghệ hiện đại. Trường quay Đà Nẵng rộng khoảng 50 ha, dự kiến đặt tại Hòa Phú (Hòa Vang). Dự án Tổ hợp công trình phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế tổng vốn 11.400 tỷ đồng đặt bên bờ sông Hàn phía Q. Ngũ Hành Sơn. Mục tiêu đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn, căn hộ, dịch vụ cao cấp kết hợp xây dựng khu khán đài, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật khu vực phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.

Cũng nằm trong nguồn vốn xã hội hóa là dự án Công viên châu Á tổng vốn 14 ngàn tỷ đồng được thực hiện từ năm 2021 tại Khu Công viên Đông Nam Đài tưởng niệm, diện tích hơn 868 ngàn m2. Theo thiết kế, phía Tây dự án (sau dãy nhà hàng tiệc cưới) quy hoạch bãi đỗ xe,  khu trò chơi (tháo dỡ trò chơi đường sắt trên cao, tận dụng các trụ đỡ ray đường sắt hiện trạng trên mặt sông để tổ chức lối cầu đi bộ kết nối từ khu phía Tây qua khu phía Đông). Khu vực phía Đông dự án điều chỉnh từ khu công viên văn hóa thành khu dịch vụ du lịch theo chủ đề có 126 cửa hàng, tầng cao trung bình 4 tầng, tổng diện tích đất khoảng 6,98ha; Tổ chức trục đi bộ rộng 25m với ý tưởng đường ánh sáng; Quy hoạch Khu khách sạn phía Đông gồm 5 khối cao 15 tầng nổi tổng diện tích xây dựng 2,09ha. Tại khu vực phía Đông cũng sẽ có công trình trung tâm thương mại điểm nhấn (diện tích 8.096m2) 70 tầng; Tháo dỡ Nhà biểu diễn đa năng hiện trạng, đầu tư 1 rạp chiếu phim 6 tầng (diện tích 6.400m²); đầu tư 1 Nhà hát lớn 3 tầng (diện tích 10.589m2), nghiên cứu theo hướng làm sàn nổi băng qua đường Thăng Long và vươn ra ngoài mặt nước khoảng 45m. Để đáp ứng chỗ đậu xe cho các công trình này, dự án thiết kế bãi đỗ xe ngầm 5 tầng (mỗi tầng 4ha) đồng thời điều chỉnh mở rộng bãi xe phía Nam đường Phan Đăng Lưu.

Với các công trình thể thao lớn phục vụ giải trí, du lịch, TP cũng đồng ý cho nghiên cứu triển khai, tập trung chủ yếu quanh Khu liên hiệp thể thao Hòa Xuân. Nổi bật như Trường đua Go Kart, súng sơn, mini golf, leo núi, thể thao điện tử Esport tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, do Cty CP Phát triển Thể thao VTV Cab thực hiện trên diện tích khoảng 15 ha. Dự án Tổ hợp sản xuất và dịch vụ du thuyền tổng vốn 1.000 tỷ đồng, bao gồm xây dựng trung tâm đào tạo lái thuyền buồm, trung tâm triển lãm về du thuyền và tổ chức các cuộc đua thuyền buồm tại khu đất thuộc Hải đội 2 cũ tại 100 Yết Kiêu, quận Sơn Trà và Xây dựng nhà máy sản xuất du thuyền máy, xây dựng bến du thuyền, trung tâm đào tạo nghề, CLB du thuyền và các dịch vụ phục vụ cho ngành du thuyền tại khu đất dự trữ ven sông trên đường Trần Nam Trung, Hòa Xuân, Cẩm Lệ.

Có thể thấy với các dự án văn hóa, thể thao xứng tầm được đầu tư trong giai đoạn tới không chỉ khẳng định vị thế của Đà Nẵng mà nhu cầu thụ thưởng văn hóa, đời sống tinh thần của người dân cũng được nâng lên, TP có thêm nhiều điểm ấn tượng thu hút du khách trải nghiệm.

HẢI QUỲNH