Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng sẽ cùng doanh nghiệp khắc phục những hạn chế trong quy hoạch

Thứ tư, 11/04/2018 10:43

Chiều 10-4, chủ trì buổi họp báo quý I-2018, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, đối với các dự án đã, đang và sắp triển khai xuất hiện những bất cập, hạn chế trong quy hoạch, ảnh hưởng đến đời sống người dân, thành phố đang tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư có những điều chỉnh, hài hòa quyền lợi với mục đích phát triển lâu dài.

Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng sẽ cùng doanh nghiệp khắc phục những hạn chế trong quy hoạch theo hướng hài hòa quyền lợi, phục vụ tốt hơn cho cuộc sống người dân.

Giải 2 bài toán khó

Trước câu hỏi chính quyền thành phố có bất nhất khi liên tục đưa ra những quyết định trái ngược nhau đối với số phận của 2 nhà máy thép Dana - Úc và Dana – Ý, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết,  đây là vấn đề mà Thành ủy, UBND thành phố đã thảo luận rất nhiều để tìm phương án tốt nhất cho cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Thành phố cũng đã từng nghĩ đến việc di dời dân và để lại 2 nhà máy nhưng chưa giải quyết được việc tái định cư. Mặt khác, 2 nhà máy thép trước sau gì cũng phải dừng hoạt động. Qua xem xét thì thấy nhà máy cần có thời gian 6 tháng để xử lý hết các đơn hàng, nguyên vật liệu tồn kho cũng như thu xếp công ăn việc làm cho công nhân, sau đó sẽ chính thức dừng hoạt động.  “Thành phố đã bàn bạc và trao đổi với doanh nghiệp theo hướng giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như ngân sách, hài hòa và thỏa đáng nhất. Sắp tới, các nhà máy thép khác cũng sẽ chấm dứt hoạt động nấu luyện”. Ông Thơ cũng cho hay đang chỉ đạo Thanh tra thành phố tiến hành rà soát các đối tượng không phải là người dân địa phương nhưng đã đến khu vực này để mua đất, chia tách sổ và thậm chí có hoạt động tiêu cực để đón đầu chờ đền bù giải tỏa. “Chưa có con số, báo cáo chính thức nhưng hiện tượng này là có. Thanh tra sẽ làm việc công bằng, khách quan và sớm có câu trả lời công khai để người dân được biết”, ông Thơ nói.

Vấn đề được đông đảo phóng viên quan tâm là việc điều chỉnh lại dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô đã được tiến hành đến đâu. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thông tin, thành phố đang chỉ đạo rà soát lại và điều chỉnh quy hoạch  trên tinh thần điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng. Cuộc họp giữa chính quyền và chủ đầu tư là Tập đoàn Trung Thủy đã thống nhất mở rộng lối xuống biển, đường ranh giới giữa dự án và khu dân cư, không có hàng rào, trùng tu tôn tạo lại các di tích lịch sử, văn hóa đồng thời nghiên cứu phục hồi mở rộng lại làng nước mắm Nam Ô. “Nhà đầu tư họ cũng ủng hộ, bày tỏ thiện chí tích cực trong việc phối hợp với thành phố. Thuận lợi là dự án chưa triển khai nên có thể điều chỉnh được”. Cũng liên quan đến việc xây dựng không gian công cộng phục vụ cho phát triển KT-XH và phục vụ dân sinh, ông Thơ cho biết Thường vụ Thành ủy sẽ làm việc với chủ đầu tư một số dự án chậm hoặc không có khả năng triển khai để xem xét thương thảo dành các khu đất xây công viên. Hiện tại gần nhà hát Trưng Vương có 2 dự án, đường Võ Nguyên Giáp 3 dự án và Công viên APEC 1 dự án. Thành phố sẽ làm việc với các doanh nghiệp để thống nhất phương án đền bù bằng tiền hoặc đổi đất ở một số vị trí khác.

 Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí dành sự quan tâm đến phương án giải quyết liên quan đến các dự án ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Xử lý nước thải chảy ra biển

Trả lời câu hỏi về phương án xử lý đối với các cống xả thải gây ô nhiễm nước biển trong thời gian qua, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, đối với 2 khu vực cửa xả Mỹ An và Mỹ Khê, thành phố sẽ dùng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới đầu tư lắp đặt hệ thống tách nước mưa và nước sinh hoạt thành 2 cống riêng biệt. Nước mưa thì chảy thẳng theo hệ thống cống riêng, còn nước sinh hoạt sẽ được thu gom về trạm xử lý, khi đủ tiêu chuẩn mới thải ra biển. Sắp tới, người dân trong ở khu vực này xây nhà phải thiết kế hệ thống nước thải riêng biệt để đấu nối vào đây, nếu không có sẽ không cấp phép, trường hợp nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Đối với các khu vực khác dọc bờ biển, do chưa đủ kinh phí để thực hiện nên giải pháp tạm thời là dọn vệ sinh, sục rửa hệ thống thoát và xây dựng cống dẫn có khẩu độ lớn hơn đồng thời đầu tư máy lược rác để không cho rác trôi ra biển.

Về tiến độ cưỡng chế tháo dỡ khách sạn, yêu cầu Cty CP Vinafor Đà Nẵng giao trả khu đất 138- Hải Phòng để xây dựng Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đà Nẵng, ông Lê Anh – Chủ tịch UBND Q. Hải Châu cho biết, Q. Hải Châu đã ban hành quyết định cưỡng chế, bên doanh nghiệp thông báo sẽ chấp hành nhưng xin gia hạn đến hết tuần này. Ông Huỳnh Đức Thơ nói thêm, thành phố đã nhận được văn bản của tổng Cty Vinafor đề nghị xem xét lại quyết định cưỡng chế và yêu cầu bố trí mặt bằng khác phù hợp để kinh doanh. “Tuy nhiên, qua xem xét thì đây là đất doanh nghiệp thuê trả tiền hàng năm nên khi thu hồi chính quyền không có trách nhiệm bố trí lại đất ở vị trí khác. Thành phố đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường và Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến để hài hòa quyền lợi.  Kiến nghị thì vẫn kiến nghị, nhưng việc giao đất thì phải tiến hành đúng quy định. Đây là công trình phục vụ cho dân sinh. Doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố”, ông Thơ cho hay.

P.V

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã thu hút được 9 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư 312,8 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao, tổng vốn đầu tư 62 triệu USD. Lũy kế đến nay đã thu hút được 10 dự án vào Khu công nghệ cao, tổng vốn đầu tư 249,5 triệu USD, trong đó có 3 dự án FDI 100% vốn Nhật Bản và 7 dự án trong nước. Cũng trong quý I, đã có 27 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký là 7,29 triệu USD, đạt 97% so với cùng kỳ 2017. Tổng vốn đầu tư FDI đạt 33 triệu USD, tăng 128% so với cùng kỳ 2017. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 577 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,062 tỷ USD.