Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng sẽ nghiên cứu làm đường đi bộ ven biển

Thứ năm, 11/01/2018 08:19

Đó là một trong những nội dung được ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề cập tại buổi kiểm tra thực tế khu vực Thủy Sơn thuộc Dự án Công viên Văn hóa Lịch sử Ngũ Hành Sơn và buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Ngũ Hành Sơn ngày 10-1.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa kiểm tra thực tế tại Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Ngũ Hành Sơn phải có lối ra biển

Ông Lê Trung Chinh – Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho biết, danh thắng Ngũ Hành Sơn là một địa chỉ đỏ gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân. Bên cạnh đó, nơi đây còn lưu giữ một hệ thống chùa chiềng cổ, các phế tích đền tháp, văn bia cổ, hiện vật văn hóa Phật giáo, các di vật điêu khắc Chămpa và nhiều tài liệu Hán - Nôm, hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng từ thế kỷ XVII. Quần thể Ngũ Hành Sơn được thành phố quy hoạch để xây dựng Công viên Văn hóa tâm linh - đây sẽ là công trình tiêu biểu để phát triển văn hóa du lịch của thành phố. Ngoài các giá trị văn hóa vật thể, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn còn là vùng đất khai sinh ra các giá trị văn hóa phi vật thể góp phần làm nên diện mạo văn hóa đặc trưng tại Ngũ Hành Sơn và từ lâu là sản phẩm du lịch độc đáo đối với khách hành hương, du lịch như: Làng đá mỹ nghệ Non Nước,  Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội Vu Lan báo hiếu, Lễ hội Thạch nghề Tổ sư...

Nhằm tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn, ông Lê Trung Chinh đề nghị thành phố đề xuất Bộ VH-TT&DL xem xét lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn chưa đáp ứng đủ tiêu chí để lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt theo quy định của Luật Di sản văn hóa, nhưng có thể cân nhắc các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Chính vì vậy, Cục Di sản đề nghị Sở Văn hóa – Thể thao TP Đà Nẵng phối hợp với UBND Q. Ngũ Hành Sơn xây dựng hồ sơ lý lịch di tích gửi lên để xem xét khả năng xếp hạng đối với di tích này trước khi trình hồ sơ chính thức.

Cũng theo ông Lê Trung Chinh, Ngũ Hành Sơn là điểm đến tham quan của du khách nhưng vẫn còn nhếch nhác nên chưa thật sự thu hút du khách. Vì vậy, Q. Ngũ Hành Sơn đề nghị thành phố quan tâm nghiên cứu đầu tư triển khai khu vực phía Bắc đường Huyền Trân Công Chúa (trong đó có ngọn Thủy Sơn) từ nguồn vốn ngân sách thành phố và sớm điều chỉnh quy hoạch khu Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn để ổn định đời sống nhân dân... Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, dự án Công viên Văn hóa Lịch sử Ngũ Hành Sơn đang được giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và các đơn vị liên quan thực hiện lập quy hoạch chi tiết để kêu gọi đầu theo quy định. Vì vậy, thành phố cần quan tâm, sớm có ý kiến chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan để có sự lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án, ổn định cuộc sống nhân dân.

Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, đối với Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn khi làm quy hoạch phải có sự góp ý rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân. “Lâu nay, việc quan tâm cho Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn chưa thật sự thỏa đáng dù chúng ta đã có ý tưởng từ rất sớm. Chính vì vậy, thời gian đến, các cấp ngành, địa phương liên quan cần phải làm tốt vấn đề này. Trước mắt, chúng ta phải tập trung giải phóng khu vực phía Bắc đường Huyền Trân Công Chúa sao cho sạch đẹp, chỉ để lại một vài ki-ốt bán sản phẩm đá mỹ nghệ. Biến khu vực đó thành công viên và  sẽ gắn với Công viên Văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn. Đồng thời, chúng ta phải nghiên cứu mở lối ra biển, đoạn nối với tuyến đường Huyền Trân Công Chúa. Ngũ Hành Sơn phải có lối ra biển. Bởi Ngũ Hành Sơn mà không có biển thì không ra cái gì cả” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa kiểm tra khu vực dự kiến sẽ mở lối xuống biển, đoạn nối với đường Huyền Trân Công Chúa.

Rà soát các dự án ven biển

Trước kiến nghị của Q. Ngũ Hành Sơn về việc thành phố cần rà soát đối với  các dự án ven biển không có điều kiện triển khai thì cương quyết thu hồi đất hoặc điều chỉnh quy hoạch để đầu tư thành khu vui chơi, giải trí phục vụ cho người dân và du khách, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, Q. Ngũ Hành Sơn có 33 dự án ven biển trên chiều dài 12 km. Trước mắt, tất cả các dự án ven biển đang chậm triển khai thì đề nghị các sở ngành cho chậm lại. “Đây là của quý của chúng ta, không phải vội vàng gì cả. Nếu giữ được thì coi như là của để dành của chúng ta”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Riêng kiến nghị của Q. Ngũ Hành Sơn về việc thành phố xem xét mở rộng tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị, các sở ngành, địa phương cần nghiên cứu đề xuất những giải pháp phù hợp; đồng thời, nghiên cứu xây dựng các cầu vượt, hầm đi bộ qua đường. Tại khu vực đường Lê Văn Hiến với đường Võ Nguyên Giáp, Trường Sa thì cần ưu tiên phát triển các dịch vụ, phục vụ khách du lịch và người dân...

“Mới đây, Thường trực Thành ủy có nêu một đầu việc yêu cầu UBND TP lên đề án làm đường đi bộ, đi xe đạp ven biển. Bờ biển phải là của chung, của cộng đồng, chứ không của một nhà đầu tư, resort nào hết. Chính vì vậy, các sở ngành, địa phương mà đặc biệt là Sở Xây dựng cần sớm vạch lại cái đường đó, cái tuyến đó. Chúng ta sẽ có cái đường từ 3-5m chỉ để phục vụ cho người dân đi bộ, đi xe đạp dạo mát, ngắm biển, tắm biển. Đối với các đường xuống biển, xuống các bãi tắm thì các sở ngành phải quan tâm đầu tư cho thỏa đáng, tiến hành xây cầu vượt hay hầm chui cho người đi bộ qua đường. Chúng ta cần nghiên cứu sớm vấn đề xây hầm đi bộ qua đường để xuống biển. Bởi vấn đề này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người đi lại, vừa có thể tận dụng diện tích trống để kinh doanh buôn bán...” - ông Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Xung quanh kiến nghị thành phố cần đôn đốc sớm triển khai thực hiện dự án Làng Đại học Đà Nẵng để ổn định cuộc sống cho nhân dân, Bí thư Thành ủy cho biết, chủ đầu tư của dự án này vẫn là Đại học Đà Nẵng. Tuy nhiên, Đà Nẵng và Quảng Nam phải thống nhất cách làm, hỗ trợ cho Đại học Đà Nẵng như thế nào, trong đó Đà Nẵng cần chủ động làm trước vì dự án này gắn liền với  môi trường của thành phố.

LÊ HÙNG