Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng sẽ sớm trở lại và bứt phá

Thứ năm, 11/02/2021 20:46

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng, kinh tế - xã hội của thành phố đã bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm 2020 vừa qua, do vậy năm 2021 dự báo sẽ là một năm rất khó khăn. Nhưng với các kịch bản thực hiện “nhiệm vụ kép” đã được xây dựng, cùng sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy của cán bộ, công chức, thành phố sẽ sớm trở lại và bứt phá.  

 

Phóng viên: Thưa ông, Đà Nẵng đã bước qua một năm 2020 với quá nhiều khó khăn vì dịch bệnh và thiên tai. Tuy nhiên chúng ta vẫn có những điểm sáng để làm “trụ đỡ” nhằm kìm hãm sự sụt giảm của kinh tế thành phố. Ông có thể cho biết Đà Nẵng đã vượt khó như thế nào trong bối cảnh vừa chống dịch vừa không đứt gãy sự phát triển KT-XH?

Ông Lê Trung Chinh: Những khó khăn mà thành phố gặp phải trong năm 2020 là quá lớn. Chúng ta đã phân tích và mổ xẻ nhiều rồi. Trong khó khăn chúng ta vẫn thấy nhiều điểm sáng để có thể lấy đó làm đà bứt phá trong năm nay.

Cho đến năm 2019, quy mô GRDP thành phố vẫn tăng bình quân 7,5%/năm cho giai đoạn 2016-2019, và cao gấp 1,5 lần so với năm 2015. Năm 2020, Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, cùng sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, sự tiếp sức của cả nước, thành phố đã kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh. Trong bối cảnh phải dồn sức chống dịch, thu hút đầu tư trong nước của Đà Nẵng vẫn đạt một số kết quả khả quan. Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 1 dự án và quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 16.373 tỷ đồng, gấp 1,9 lần số vốn so cùng kỳ; 14 dự án trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 2.185,5 tỷ đồng, gấp 2,6 lần số vốn so cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2020 đạt 284,3 triệu USD, tăng 42,4% so với năm 2019, tập trung chủ yếu vào các dự án lớn như sản xuất linh kiện hàng không, dự án khu du lịch Xuân Thiều, tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A - Tower.

Ở khu vực dịch vụ, ngoài các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề thì một số ngành vẫn có sự tăng trưởng mạnh, trở thành trụ đỡ kìm hãm sự sụt giảm của toàn nền kinh tế. Có thể kể đến lĩnh vực thông tin và truyền thông tăng trưởng +5%, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm +7%, y tế và trợ giúp xã hội +18%, khoa học và Đà Nẵng sẽ sớm trở lại và bứt phá công nghệ +5,8%, giáo dục và đào tạo +5,5%.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, các kết luận thanh tra đất đai, đánh giá tác động môi trường, nghĩa vụ tài chính, giá đất... nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng để tái khởi động các dự án lớn về du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đây được xem là thành quả đáng khích lệ của chính quyền thành phố trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư, kiên định mục tiêu chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng.

 

Phóng viên: Chọn chủ đề năm 2021 là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” thành phố sẽ phấn đấu đạt những mục tiêu cụ thể nào?

Ông Lê Trung Chinh: Với chủ đề “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”, trong năm 2021 thành phố đề ra mục tiêu GRDP tăng 6% so với năm 2020. Các chỉ tiêu khác như giá trị gia tăng khu vực dịch vụ tăng 5-6%; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 6-7%; khu vực nông nghiệp tăng 3-4%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 6-7%; tổng thu ngân sách phải đạt tương đương của năm 2020; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 6-7%. Thành phố xác định đây là những mục tiêu rất khó, nhưng phải quyết tâm làm được được ngay trong năm đầu tiên bắt tay thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thành phố cũng đã xem xét, điều chỉnh, đặt mục tiêu cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Dịch vụ 63-65%; công nghiệp - xây dựng 23-25%; nông nghiệp 1-2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 11-12%. Dịch vụ vẫn đóng vai trò chính, quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố, tuy nhiên, thành phố cũng đặt ra các mục tiêu, giải pháp để phát triển, tăng thêm cơ cấu của lĩnh vực công nghiệp - xây dựng trong thời gian đến. 

Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng Khóa XXII quyết tâm đưa Đà Nẵng bứt phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Phóng viên: Đây là các chỉ tiêu thực hiện trong trạng thái bình thường mới, Đà Nẵng sẽ phải dự liệu các tình huống về dịch bệnh.

Ông Lê Trung Chinh: Kịch bản tăng trưởng năm 2021 được xây dựng sẽ tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế ít chịu tác động của dịch bệnh. Thành phố sẽ đẩy mạnh cuộc cách mạng kỹ thuật số và đảm bảo phục hồi kinh tế xanh, sạch, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Trong cả 3 kịch bản đã xây dựng, thành phố sẽ tập trung thực hiện quyết liệt và có hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống, kiểm soát dịch, vừa đẩy mạnh các hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế.

 Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về các giải pháp sẽ thực hiện tháo gỡ khó khăn trong phát triển KT-XH trong năm 2021?

Ông Lê Trung Chinh: Trước hết thành phố sẽ triển khai có hiệu quả các chính sách xúc tiến thương mại, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu cũng như xúc tiến xuất khẩu dưới nhiều hình thức, phù hợp với bối cảnh kinh tế thế giới. Lúc này phải quyết liệt cắt giảm thời gian, chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong khâu thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đối với lĩnh vực du lịch vốn mang nhiều nguồn thu cho Đà Nẵng, các chương trình kích cầu sẽ đồng loạt được kích hoạt cùng với việc cơ cấu lại và thiết lập các thị trường khách du lịch. Trong bối cảnh mới, ngành du lịch phải quay về làm mới thị trường nội địa đồng thời sẵn sàng cho ngày các đường bay quốc tế được mở lại.  

Thành phố cũng sẽ thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Sẽ tập trung cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận vốn ngân hàng.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thực hiện tốt thu hút đầu tư đáp ứng mục tiêu cơ cấu lại ngành công nghiệp từ các ngành, các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Cụ thể là công nghiệp công nghệ cao, điện tử, công nghiệp ô tô, cơ khí chế tạo máy móc, công nghiệp hỗ trợ cũng như các lĩnh vực đồ uống, dược phẩm, thời trang. Muốn thu hút đầu tư tốt thì các sở ngành, bộ máy công quyền phải tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, có tính cạnh tranh cao. Thu hút đầu tư phải gắn liền với thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao và nền kinh tế số.

 

Phóng viên: Trong các buổi làm việc với sở ngành vào đầu năm 2021, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ phải song song với nâng cao đạo đức công vụ. Tức là nền kinh tế số vẫn phải gắn liền với thái độ, tâm thế của người thực thi công vụ. Có cần phải “phá băng” tư duy an toàn, thiếu mạnh dạn trong tham mưu, xử lý công việc ở một bộ phận cán bộ, công chức trong thời gian qua?

Ông Lê Trung Chinh: Cho đến thời điểm hiện tại, cùng với việc tháo gỡ dần các vướng mắc, khó khăn trước đây liên quan đến việc thanh tra đất đai, các dự án... lãnh đạo các sở ngành cũng như đích thân lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đã kích hoạt lại sự tự tin, chủ động, dám tham mưu, dám thực hiện của cán bộ công chức ở những lĩnh vực “nóng”. Tại Sở Tài nguyên và Môi trường, bây giờ cán bộ tham mưu có thể nêu chính kiến của mình đối với từng nội dung công việc liên quan đến việc thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ. Khi gặp vấn đề khó, có thể tổ chức cuộc họp chuyên đề lấy ý kiến của các bộ phận tham mưu và lãnh đạo Sở, xong việc những người tham gia ký vào biên bản thống nhất phương án tham mưu, giải quyết để cùng chia sẻ trách nhiệm. Tham mưu để làm đúng, làm tốt lên thì không ai phải lo sợ, chùn tay, thu lại trong vỏ bọc an toàn đối với các vấn đề nhạy cảm. Các ngành quan trọng khác như Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng cũng thế, khối lượng công việc là rất lớn nhưng cán bộ, công chức, tư lệnh ngành cũng đã có sự bứt phá như thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Điều đó sẽ tạo sức bật lớn trong cải cách hành chính, thực thi công vụ.

Cái mà thành phố cần bây giờ là trí tuệ cũng như sự quyết liệt, dám nghĩ, biết làm, sự chủ động của công chức. Từng ngành, từng lĩnh vực phải chủ động tham mưu và chủ trì, phối hợp xử lý công việc trên lĩnh vực của mình chứ không phải dồn việc lên cho thành phố, cái gì hơi khó một tí là “kính trình”, “kính chuyển”, “kính đề xuất”. 

Tất nhiên, trong mọi nhiệm vụ, sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức, của Đảng bộ, chính quyền thì rất cần sự cộng hưởng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Trong điều kiện thực hiện “nhiệm vụ kép” lúc này, điều đó lại cần thiết phải nhân lên. Tôi tin với lòng tự trọng của một thành phố năng động, sáng tạo, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn và sớm trở lại tốc độ phát triển và bứt phá mạnh mẽ.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn.

CÔNG KHANH (thực hiện)