Đà Nẵng sử dụng hiệu quả nguồn vốn WB cho các dự án phát triển bền vững
(Cadn.com.vn) - Ngày 21-8, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá giữa kỳ Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng. Tham dự Hội nghị có đại diện WB, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam. Về phía Đà Nẵng có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo, sở, ngành, quận, huyện.
Tại Hội nghị, ông Đặng Đức Cường, chuyên gia cao cấp của WB, Chủ nhiệm dự án của WB tại Việt Nam cho biết, đa số các dự án về hạ tầng KT-XH do WB cho vay vốn ưu đãi đầu tư trên địa bàn TP Đà Nẵng cơ bản được thực hiện theo đúng tiến độ, kết quả dự án khá tốt và phát huy hiệu quả sử dụng.
Điển hình như các dự án: Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, tuyến đường Hòa Phước – Hòa Khương, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, cầu Nguyễn Tri Phương, cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải trên địa bàn TP... Nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đã cải thiện đáng kể các dịch vụ đô thị một cách hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng sống của các hộ dân ở các khu thu nhập thấp, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH và mở rộng không gian đô thị, nâng cấp môi trường đô thị và tăng cường năng lực quản lý cho các sở, ban, ngành TP.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Ông Đặng Đức Cường cho biết thêm, ngày 20-6 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị Chính phủ và WB xem xét khoản tài trợ bổ sung 100 triệu USD từ nguồn trợ cấp ưu đãi (IDA) cho các dự án phát triển bền vững khác trên địa bàn thành phố như dự án tách nước thải và nước mưa ven biển, hệ thống tích hợp giao thông thông minh và dự án đường DH 2 (Hòa Nhơn – Hòa Sơn, H. Hòa Vang) có chiều rộng 20,5m.
Theo ông Cường mục tiêu phát triển dự án của WB là mở rộng sự tiếp cận của người dân thành phố đến các dịch vụ thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, mạng lưới đường sá, giao thông công cộng tại một số khu vực được lựa chọn do đó, sau khi đoàn công tác nghiên cứu khảo sát, đánh giá hiệu quả về mặt kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, thời gian hoàn vốn thì thấy đề xuất này của UBND TP là rất thực tế và hợp lý. Ông Cường cũng cho rằng, nếu được bổ sung vốn thực hiện các dự án theo kế hoạch thì Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam có hệ thống giao thông công cộng tích hợp đầy đủ, là TP có hệ thống đấu nối xử lý nước thải riêng trong một số khu vực và có mạng lưới giao thông kết nối giữa hệ thống đường quốc lộ với mạng lưới đường sá của thành phố.
Quan điểm bổ sung vốn cũng được bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Vụ phó Vụ Kinh tế Đối ngoại Bộ KH&ĐT đồng tình. Theo bà Phương, Đà Nẵng là địa phương được Bộ KH&ĐT đánh giá cao trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ WB.
Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cam kết, Đà Nẵng sẽ làm quyết liệt, nghiêm túc, để đảm bảo tiến độ và hiệu quả cao đối với những dự án từ nguồn vốn WB. Việc bổ sung tăng vốn cho giai đoạn sắp tới sẽ làm tăng hiệu quả cũng như hoàn chỉnh những dự án của WB tại Đà Nẵng. Chẳng hạn, dự án tách nước thải khỏi nước mưa đối với khu vực ven biển phía Đông là dự án mang tính sống còn để Đà Nẵng phát triển du lịch, xây dựng TP môi trường từ đó, người dân và du khách đều được hưởng. Hệ thống tích hợp giao thông thông minh cũng rất cần thiết để Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên trong cả nước có hệ thống giao thông thông minh cũng là “điểm nhấn” để nhân rộng và giải quyết bài toán giao thông nhức nhối của cả nước. Dự án đường giao thông DH2 cũng là tuyến đường giao thông quan trọng nhằm phục vụ cho việc phát triển phía Tây Đà Nẵng. Do đó đề nghị WB, các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ bổ sung vốn cho các dự án phát triển bền vững của TP Đà Nẵng.
Xuân Đương