Đà Nẵng tái thiết không gian công cộng (Bài 1: Mở lại cửa ra biển cho người dân phố biển)
Sau “đỉnh” của cơn lốc đô thị hóa, ưu tiên dành đất vàng cho các dự án để thu hút đầu tư, Đà Nẵng bắt đầu có những động thái mạnh mẽ khi thu hồi dự án treo, thương thảo với doanh nghiệp để tái thiết không gian công cộng phục vụ đời sống nhân dân. Không chỉ là chủ trương, nhiều công trình được khởi động trong thời gian qua đã thực sự tạo niềm tin, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.
Lối xuống biển xuyên qua khách sạn Furama và Trung tâm hội nghị Ariyana đã được khởi công, sẽ hoàn thành trong năm 2018. |
Để thực hiện lời hứa trả lại bãi biển cho dân, tại kỳ họp vào giữa tháng 10 vừa qua, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua các quyết định thu hồi các dự án chậm triển khai cũng như thương lượng với các chủ đầu tư để chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở lối xuống biển, phục vụ người dân. Trong đó có thể kể đến 8,5ha ở dự án khu du lịch ven biển của Cty CP Hòn Ngọc Á Châu sẽ được thu hồi để làm công viên biển và bãi tắm; 4,95ha đất ở dự án khu du lịch ven biển của Cty TNHH DAP được thu hồi để làm bãi tắm kết hợp công viên công cộng. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng thu hồi 3,15ha đất ở dự án khu du lịch ven biển của Cty TNHH I.V.C để làm công viên biển đối diện đường Huyền Trân Công Chúa. Đây là diện tích đất đã bị bỏ hoang gần 10 năm nay và Chủ tịch UBND Đà Nẵng từng cho biết, người đứng tên dự án này hiện không có thật. Bên cạnh 3 dự án trên, HĐND Đà Nẵng cũng đã thông qua việc thu hồi đất thuộc P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn với tổng diện tích 4.510m2 để thực hiện dự án mở lối xuống biểntại khu du lịch giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt. Cạnh đó là một lối thông ra biển thênh thang sẽ hình thành sau khi thu hồi tổng diện tích 2.716m2 tại khu vực dự án The Song.
Ngay sau kỳ họp HĐND, nhiều lối ra biển đã chính thức được khởi công với tốc độ nhanh chóng khiến chính quyền địa phương và người dân hết sức phấn khởi. Ông Huỳnh Cự - Phó Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn cho biết, hiện tại lối xuống biển đầu tiên nằm giữa khách sạn Furama và Trung tâm hội nghị Ariyana đã được khởi công, tiếp đó sẽ đến “con đường vàng” cuối Hồ Xuân Hương và The Nam Khang. “Tùy vị trí, các đường xuống biển sẽ có chiều rộng từ 4 đến 17m, dài khoảng 300m. Ngay trong năm 2018 sẽ hoàn thành 3 đường, số còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2019. Các doanh nghiệp cũng rất hưởng ứng chủ trương của thành phố, có nơi còn hiến đất và bỏ vốn đầu tư”, ông Cự cho hay. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, hiện thành phố đã giao quận tổ chức công bố quy hoạch, cắm mốc và thông báo cho nhân dân biết chủ trương đồng thời phối hợp với các sở ngành để tiến hành công tác đầu tư. Đối với cộng đồng dân cư ven biển Q. Ngũ Hành Sơn, chủ trương mà họ trông chờ từ hàng chục năm nay đã trở thành hiện thực. Dù không còn một mặt tiền biển thênh thang nhưng 5 lối ra biển ở những vị trí thích hợp trên địa bàn trong thời gian đầu sẽ phần nào giúp họ kết nối với biển trở lại, có thêm không gian vui chơi giải trí sau thời gian “sống gần biển mà không thấy biển”. “Trước đây bước qua con đường lớn là tới bãi cát xuống biển. Nhưng rồi một thời gian dài muốn tắm biển hay vui chơi phải chạy cả mấy cây số để tắm ké, cả con đường thấy toàn tôn bao che và biển báo cấm vào. Giờ thì bà con rất hân hoan chờ ngày có lại được không khí như xưa. Chúng tôi tin tưởng và hy vọng khi lãnh đạo thành phố khẳng định biển của dân sẽ trả lại cho dân”, ông Nguyễn Văn Hiếu, người dân P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn vui vẻ.
Lối đi cuối đường Hồ Xuân Hương đâm thẳng ra biển chuẩn bị được mở. |
Thu hồi các bãi cát ven biển phục vụ công cộng Cùng với việc thu hồi dự án treo, thương thảo với doanh nghiệp dành quỹ đất mở lối ra biển, Đà Nẵng cũng đang triển khai thu hồi các bãi cát ven biển tính từ mép nước trở lên 50m để phục vụ công cộng. Hiện thành phố đã thực hiện công bố quy hoạch và cắm mốc để người dân và doanh nghiệp được biết. Thành phố cũng đã giao UBND Q. Ngũ Hành Sơn và các đơn vị liên quan thực hiện thí điểm đường đi bộ ven biển từ bãi tắm Sao Việt cuối đường Hồ Xuân Hương kéo dài tới Khu du lịch biển The Song. |
Tại Q. Liên Chiểu, một trong những dự án tạo ra bức xúc trong nhân dân chính là Khu du lịch sinh thái Nam Ô. Không những bít các lối ra biển quen thuộc, dự án này trong quy hoạch ban đầu đã ôm luôn các di tích, khu vực sinh hoạt cộng đồng và cả bãi cát ven biển. Trước những yêu cầu chính đáng của người dân, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương và các sở ban ngành điều chỉnh quy hoạch với chỉ đạo cái gì của dân phải giữ lại cho dân. Với động thái quyết liệt của chính quyền, 5 lối xuống biển đã được quy hoạch, toàn bộ di tích được đưa ra khỏi dự án để hình thành cụm di tích, bãi cát ven biển và ghềnh đá Nam Ô cũng được trả lại để đảm bảo không gian công cộng cho người dân địa phương. Ông Võ Công Chánh – Bí thư quận ủy Liên Chiểu cho biết, lúc đầu chính quyền địa phương và bà con đề nghị có 3 lối xuống biển trong khu vực dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, nhưng hiện tại thành phố đã làm việc với chủ đầu tư và có chủ trương sẽ mở 5 lối, kèm theo đó là giữ hiện trạng các khu di tích, khu vực vui chơi công cộng. “Rõ ràng, thành phố đã rất lắng nghe nguyện vọng của người dân, bắt đầu bằng việc lấy ý kiến từ chính người dân để đưa ra quyết định hài hòa về quyền lợi của doanh nghiệp và đời sống tinh thần của bà con. Không riêng gì lối đi ra biển, sắp tới Liên Chiểu sẽ còn rất nhiều thiết chế văn hóa mang đậm bản sắc của cư dân ven biển được quan tâm đầu tư. Người dân đang rất đồng tình với những chủ trương, quyết sách của thành phố”, ông Chánh nói cho hay.
Với việc đã cấp giấy phép đầu tư cho các dự án, việc thương thảo, đàm phán với các nhà đầu tư, kèm theo đó là các thủ tục, kinh phí không phải là điều đơn giản. Đây cũng là một thực tế khiến chủ trương của Đà Nẵng chậm hiện thực hóa trong một thời gian dài. Tuy nhiên với những động thái quyết liệt trong thời gian gần đây cho thấy thành phố đang rất quan tâm đến quyền lợi, nhu cầu chính đáng của người dân trng mối quan hệ hài hòa với phát triển kinh tế. “Trong thời gian qua, các dự án dọc bãi biển chúng ta phát triển mạnh quá, đôi khi quên lối xuống biển của dân. Bây giờ thành phố xác định cần thiết phải có đường ra biển cho bà con một cách đàng hoàng để mỗi người dân luôn có cảm giác bờ biển thuộc về mình”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Q. Ngũ Hành Sơn.
(còn nữa)
CÔNG KHANH