Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch Ebola

Thứ bảy, 09/08/2014 08:56

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến

(Cadn.com.vn) - Trước tình hình bệnh dịch Ebola bùng phát nghiêm trọng tại một số nước trên thế giới, trong khi đó, Đà Nẵng là một trong 3 thành phố lớn của Việt Nam thường xuyên đón các du khách quốc tế đến tham quan, du lịch, làm việc.

Vì vậy, TP Đà Nẵng rất dễ trở thành nơi bị lây nhiễm bệnh dịch Ebola này. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã phỏng vấn nhanh Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng về vấn đề này.

P.V: Hiện nay dịch bệnh Ebola được đánh giá là rất nguy hiểm, mức độ lây lan nhanh và gây tử vong cao ở các nước Tây Phi. Bà cho biết thêm thông tin về dịch bệnh này!

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến: Ebola là một bệnh truyền nhiễm, nhóm A, gây tử vong cao ở 3 nước Tây Phi. Tính đến ngày   4-8, theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dịch bệnh virus Ebola bùng phát tại các quốc gia Tây Phi đã khiến 887 người tử vong với 1.603 trường hợp mắc bệnh và đang có xu hướng tăng lên.

Cũng theo tổ chức này, nguồn lây truyền bệnh Ebola có thể từ động vật. Ổ chứa mầm bệnh chính là dơi ăn quả; ngoài ra còn có tinh tinh, khỉ đột, chuột, linh dương... Virus cũng có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc bị tổn thương, dịch tiết cơ thể của người hoặc động vật nhiễm bệnh. Triệu chứng mắc bệnh thường sốt đột ngột, đau cơ, nhức đầu và đau cổ họng, tiếp theo đó là ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận và gan và trong một số trường hợp chảy máu cả bên trong lẫn bên ngoài.

Thời gian ủ bệnh của bệnh virus Ebola khoảng từ 2 đến 21 ngày, kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh cho tới khi có những triệu chứng bệnh đầu tiên. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là hiện nay Tổ chức Y tế thế giới – WHO-  vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa virus Ebola.

 Khách du lịch sẽ được kiểm tra khi qua các bến cảng, sân bay.

P.V: Trước tình hình này, ngành Y tế TP Đà Nẵng đã có những biện pháp nào để phòng ngừa cho người dân khi  Đà Nẵng là một TP du lịch, đón nhiều du khách quốc tế trong đó có các du khách đến từ Châu Phi?

* Chỉ trong 8 tháng qua, thế giới ghi nhận hơn 1.600 trường hợp mắc virus Ebola, tỷ lệ tử vong chiếm quá một nửa, với gần 900 người tại 4 nước Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone. Đặc biệt, hơn 100 cán bộ y tế được ghi nhận đã nhiễm. Riêng 8 ngày cuối tháng 7 có tới 122 người mắc bệnh, trong đó 57 người tử vong. 

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến: Do là bệnh truyền nhiễm nên việc xâm nhập rất dễ, hiện nay do đặc thù giao thương, buôn bán của Đà Nẵng là thường xuyên đón du khách quốc tế. Chiều qua (7-8), Bộ Y tế đã có kế hoạch chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Ebola.

Trong đó, Đà Nẵng là TP du lịch có bến cảng, sân bay quốc tế với nhiều đường bay trực tiếp từ các nước trên thế giới, do đó quan điểm của chúng tôi là kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu. Đà Nẵng đã có trung tâm kiểm dịch quốc tế và bộ phận này sẽ có nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, không chỉ con người mà còn kiểm tra cả hàng hóa, động vật...

Bên cạnh đó, chúng tôi còn kiểm soát thông qua cộng đồng (trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện, 56 trạm y tế phường, xã...); ngoài ra chúng tôi còn tăng cường công tác truyền thông, chuẩn bị mọi điều kiện, cơ sở vật chất để xử lí môi trường, đồng phục đầy đủ cho cán bộ y tế; đưa vào ngay khu cách li khi phát hiện có tình huống xảy ra.

Tại Đà Nẵng, chúng tôi đã có 3 máy đo thân nhiệt đặt tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Cảng Đà Nẵng. Đây là những nơi thường xuyên có khách du lịch đến nên chúng tôi đã kiểm soát ngay từ đầu vào. Như trước đây Đà Nẵng đã từng triển khai tốt công tác phòng chống các dịch bệnh H5N1, H7N1 nên chúng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm hơn trong công tác kiểm soát lần này.

Riêng đối với người dân, do hiện nay chưa có vắc xin điều trị, nên chúng tôi khuyến cáo để phòng bệnh, người dân cần chú ý thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; vệ sinh nhà cửa... Khi có dấu hiệu ho, sốt, mệt mỏi thì nên đến các cơ sở y tế kịp thời để kiểm tra.

P.V