Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng: Tập trung mọi nguồn lực phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Thứ tư, 05/06/2019 13:26

Ngày 3-6, ông Đặng Thương - Chủ tịch UBND H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng xác nhận trên địa bàn vừa xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Cụ thể, tại trang trại nuôi lợn rừng lai của ông Dương Thành Châu, trú Hội Phước, xã Hòa Phú có 23 con heo bị bệnh và đàn heo 7 con của gia đình ông Dương Đức, trú Khương Mỹ, xã Hòa Phong mắc bệnh. Trước tình hình trên, H. Hòa Vang đã công bố DTLCP đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp nhằm dập dịch và tránh lây nhiễm sang các đàn gia súc khác trên địa bàn.

Cán bộ thú y tăng cường phun thuốc tiêu độc, khử trùng các cơ sở chăn nuôi.

Ông Trần Tới - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đà Nẵng, cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng là địa phương thứ 53/63 tỉnh, thành công bố có DTLCP. Trước tình hình trên, Chi cục đã tổ chức cấp phát đầy đủ thuốc cho các địa phương trên địa bàn H. Hòa Vang tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc và phối hợp cùng lực lượng CA, Quản lý thị trường tiến hành kiểm soát chặt chẽ các lò mổ gia súc cũng như các phương tiện vận chuyển gia súc đi qua địa bàn. Hiện, Chi cục đã đóng cửa lò giết mổ gia súc tại xã Hòa Phong và tăng cường kiểm soát nguồn gia súc tại các lò mổ còn lại để cung cấp thịt sạch cho người tiêu dùng, tránh tình trạng lây lan cho những đàn gia súc khác. Bên cạnh đó, ngành Thú y phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân không được tiêu thụ lợn ốm theo kiểu bán chạy dịch để thu hồi vốn, không vứt xác lợn bị bệnh ra môi trường….

Đối với số lợn bị bệnh đảm bảo được tiêu hủy đúng quy trình. Ngày 4-6, làm việc với chúng tôi, ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang, cho hay: Địa phương vừa triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống DTLCP. Theo đó, yêu cầu 11 xã tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra nhằm phát hiện các điểm giết mổ ga súc lậu, thành lập đội khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở, hộ chăn nuôi; tập trung thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ", gồm: chỉ đạo tại chỗ, huy động nhân lực, vật lực tại chỗ, huy động phương tiện tại chỗ; tổ chức chọn địa điểm tiêu hủy gia súc khi có dịch xảy ra… và thành lập điểm chốt chặn kiểm dịch động vật tạm thời. Bên cạnh đó, khuyến cáo cho người dân biết loại dịch này không lây sang người nên người tiêu dùng có thể sử dụng các sản phẩm thịt lợn đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ nhằm giữ thị trường hoạt động bình thường. Ngoài ra, yêu cầu lực lượng CA tăng cường công tác tuần tra, tổ chức dừng phương tiện giao thông ra vào địa phận H. Hòa Vang để kiểm soát việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc.

Theo bà Ngô Thị Hạnh - Phó phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn H. Hòa Vang: Để đối phó với DTLCP vừa bùng phát tại địa phương, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các cơ quan và chính quyền các địa phương tổ chức phòng, chống và dập dịch. Cụ thể, tổ chức giám sát việc tiêu hủy gia súc, tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất tại các xã để ngăn chặn việc người dân giết mổ gia súc chui hoặc bán gia súc theo hình thức chạy dịch để tránh việc lây lan mầm bệnh sang các địa phương khác, khuyến cáo người dân không được tái đàn trong thời gian xảy ra dịch và hướng dẫn người dân sử dụng nguồn thức ăn phải được nấu chín… Đồng thời, tăng tần suất tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi cũng như hướng dẫn họ thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết hiện tại 2 địa phương xuất hiện dịch là xã Hòa Phong và Hòa Phú đã triển khai các điểm chốt chặn tạm thời tại 2 điểm có dịch, không cho vận chuyển gia súc hoặc sản phẩm thịt từ vùng có dịch ra ngoài. Ông Nguyễn Tân - Chủ tịch UBND xã Hòa Phú thông tin thêm: Địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, hoạt động từ 2 đến 6 giờ cùng ngày để ngăn chặn nạn giết mổ chui và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn không có nguồn gốc, xuất xứ…

M.T