Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng tập trung phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn

Thứ bảy, 09/11/2024 06:40
Các đại biểu tham gia thảo luận tại các hội thảo trong khuôn khổ SemiExpo Việt Nam 2024.

Đoàn Đà Nẵng tham dự SemiExpo Việt Nam 2024 có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Nguyễn Văn Quảng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh.

Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển lĩnh vực thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch tại Đông Nam Á” trong khuôn khổ SemiExpo Việt Nam 2024 vào sáng 8-11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, sự chuyển mình và tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao của TP là kết quả của một quá trình lãnh đạo và chỉ đạo trong hơn 20 năm qua của Đà Nẵng.

Đặc biệt, từ sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện vào tháng 9-2023 với những tuyên bố chung mạnh mẽ về định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn, từ tháng 10-2023 đến nay, Đà Nẵng triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi cụ thể với định hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Trọng tâm là liên kết hợp tác các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo TP. Trong đó, phải kể đến việc tổ chức các hội nghị, hội thảo về giải pháp phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng; tổ chức các chuyến công tác đến Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), làm việc với nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết kế vi mạch bán dẫn như: Synopsys, Nvidia, Marvell, Intel, Qualcomm... Qua các cuộc khảo sát, làm việc, các đối tác đánh giá cao về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng.

Theo thống kê, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, FPT, Viettel, Savarti, Renesas, Synapse… với khoảng 600 kỹ sư được đào tạo từ các các trường đại học trên địa bàn TP. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của TP chiếm gần 10%. TP cũng đang xây dựng Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế; dự kiến xác định mục tiêu đến năm 2030 đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực này.

Trước những cơ hội và mục tiêu đặt ra hiện nay, Đà Nẵng đã và đang triển khai 3 nhóm giải pháp, nhiệm vụ nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó trọng tâm là xây dựng các cơ sở chính trị, pháp lý để cụ thể hóa Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm, công nghệ cao; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Diễn đàn “Phát triển lĩnh vực thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch tại Đông Nam Á” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI), UBND TP Đà Nẵng tổ chức, với sự tham gia của tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn ở trong và ngoài nước như: Onsemi, Cadence, Kulicke & Soffa, Synopsys, Tektronix, Emerson Electric, FPT, AmCham, MSIA… nhằm thảo luận về những xu hướng toàn cầu trong ngành thiết bị bán dẫn, những nỗ lực tham gia ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, đặc biệt là trong chuỗi giá trị về sản xuất thiết bị bán dẫn.

SemiExpo Việt Nam 2024 là triển lãm bán dẫn quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu, 500 doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế. Trong khuôn khổ SemiExpo Việt Nam 2024 có 3 diễn đàn và 1 hội thảo nhằm thảo luận các giải pháp thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Đ.N