Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng thêm nhiều trải nghiệm thì khách “rút ví” nhiều hơn, thế thì đáng lắm chứ!

Thứ hai, 27/06/2022 14:51

Sáng nay (27-6), tại Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống”, các chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ, trao đổi các đề xuất, giải pháp để "làm mới", định vị giá trị của Đà Nẵng với vai trò một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á

Đà Nẵng phải làm mới mình

“Đáng đến - tại sao lại đáng đến, đến để làm gì?” và “Đáng sống - phải là nơi sống tốt, việc làm tốt và cống hiến tốt”, PGS.TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi khi bàn về chủ đề của hội thảo.

Các chuyên gia cho rằng, đã từ lâu, Đà Nẵng luôn biết đến là một thành phố đáng đến, đáng trải nghiệm, đáng đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, khi Đà Nẵng được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước, thì thành phố cần “làm mới” đề không tụt lại phía sau.

Bờ tây sông Hàn về đêm

Trình bày tham luận dễ dẫn, PGS.TS Trần Đình Thiên đã nhắc đến những đòi hỏi, yêu cầu mới cho Đà Nẵng. Ông cho rằng Đà Nẵng không chỉ là điểm đến, mà phải là điểm đến hàng đầu, với những trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt. Như nhiêuf người nói trong thời gian gần đây, Đà Nẵng phải trở thành nơi làm tổ của các "đại bàng", các nhà đầu tư với các dự án lớn, đẳng cấp.
PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, dưới góc nhìn vĩ mô, tổng quan về định hướng phát triển của Đà Nẵng để xứng tầm vị thế là thành phố đáng sống, đáng trải nghiệm và đáng đến để đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh mới, sau dịch bệnh, những đòi hỏi trong chuyển dịch cơ cấu, phát triển bền vững, phát triển xanh, thông minh... là rất quan trọng.

PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng Đà Nẵng phải làm mới mình tỏng hành trình trở thành thành phố đáng đến và đáng sống

"Đà Nẵng không chỉ là điểm đến, mà phải là điểm đến hàng đầu. Phải có những trải nghiệm hút khách du lịch bằng việc phát triển kinh tế đêm để gia tăng sức hút, tăng sức chi tiêu của khách du lịch, tương xứng với tiềm năng phát triển… Và muốn là điểm đến hàng đầu, nhất định phải phát triển du lịch toàn diện từ du lịch biển, du lịch núi, du lịch sông nước, giải trí", TS Trần Đình Thiên trao đổi.
Nói về các sự kiện quy mô về lễ hội văn hóa, giải trí, các giải đấu quốc tế, các hội nghị MICE quốc tế, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dẫn chứng, Đà Nẵng từng có Lễ hội pháo hoa quốc tế quy mô lớn, kéo dài 2 tháng, nhưng rồi lại dừng và tới giờ vẫn chưa thấy có dấu hiệu trở lại. Để biến Lễ hội pháo hoa thành thương hiệu thì cần có cơ sở hạ tầng riêng cho Lễ hội này, từ khán đài, sân khấu, đến các khu dịch vụ phụ trợ. Đà Nẵng vốn nổi tiếng có Bà Nà, có Cầu Vàng. Mấy năm nay Cầu Vàng tất nhiên vẫn “hot”. Nhưng dăm năm tới, nếu vẫn chỉ có chừng đó thứ ở Bà Nà, thì người ta còn không muốn lên Bà Nà nữa, và người ta thấy Đà Nẵng vẫn thế. "Chính vì thế, cần làm mới cả những điểm đã cũ, tạo nhiều sản phẩm trải nghiệm mới ở những điểm vốn đã quá quen. Có như thế thì khách mới trở lại, chứ không để họ đến một lần rồi thôi. Mà thêm nhiều trải nghiệm nghĩa là rút ví khách được nhiều hơn. Thế thì đáng làm lắm chứ! Đà Nẵng cần nhiều hơn những dấu ấn như thế”, TS Trần Đình Thiên nói.

Phải có "đại bàng" dẫn dắt
Bàn về vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, ông Trần Đình Thiên khẳng định, đây là vấn đề mà tất cả các địa phương đều cần, nhưng Đà Nẵng lại cần phải có những đại bàng khỏe nhất, mạnh nhất. Phải lựa chọn “đại bàng” trong các lĩnh vực mũi nhọn phát triển: du lịch, giải trí, công nghệ, tài chính…
Đà Nẵng phải nhìn nhận rõ cần làm gì để giữ vững ngôi vương về du lịch lẫn đầu tư trong bối cảnh nhiều năm qua bị tác động bởi dịch bệnh và sự cạnh tranh của những thị trường mới năng động khác; cần làm gì để khai thác tối đa lợi thế từ cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã thông qua. Từ đó mạnh mẽ hơn trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Có như vậy, Đà Nẵng mới thực sự là nơi đáng đến (để du lịch, để tìm kiếm cơ hội đầu tư) và đáng sống (nhờ có những khu đô thị hiện đại, tiện ích sang trọng được quy hoạch bài bản, đầy đủ tiện ích).

Các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất, hiến kế cho Đà Nẵng trong giai đoạn mới

Gợi mở giúp Đà Nẵng trở thành “tổ ấm” của những “đại bàng” lớn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, bây giờ rất nhiều địa phương sẵn sàng dọn tổ mời "đại bàng", vì có "đại bàng" mới tạo ra cảm hứng phát triển mới, sức bật mới. "Công bằng mà nói, đại bàng chọn nơi làm tổ, cứ nơi nào trải thảm đỏ và tôn trọng họ, tạo điều kiện cho họ, thì họ đến. Tất nhiên đã đến thì phải tuân thủ luật chơi. Nhìn nhận thẳng thắn, Đà Nẵng giai đoạn vừa qua đã giảm sức hút đầu tư. Bằng chứng là PCI đã ra khỏi top 5 cả nước. Đại bàng mới gần như chưa có, đại bàng đã hút được mà không trân trọng rất dễ rời đi kiếm tổ mới. Kế sách duy nhất để hấp dẫn đại bàng là cơ chế: cơ chế cởi mở, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa, nhiều khi phải hy sinh cái lợi nhỏ đến có cái lợi lớn", TS Trần Đình Thiên trao đổi.
Công Khanh