Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng thông báo khẩn về bệnh Bạch hầu

Thứ tư, 27/09/2023 08:07
Tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 (vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh Bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm phổi do HIB - viêm gan B) cho trẻ em tại Đà Nẵng.

Thông báo do Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Võ Thu Tùng ký gửi đến các Sở GD-ĐT, Thông tin - Truyền thông, UBND các quận, huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các quận huyện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nêu rõ: Hiện nay, tình hình bệnh dịch Bạch hầu diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Hà Giang, Điện Biên và đã có 3 ca tử vong. Tại TP Đà Nẵng, chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ, xác định mắc bệnh Bạch hầu, tuy nhiên việc thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát, phát hiện sớm, kiểm soát bệnh là rất quan trọng.

Để tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, thu dung điều trị bệnh Bạch hầu, Sở Y tế đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong nhà trường và thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng khi phát hiện học sinh có biểu hiện nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Các trường mầm non, mẫu giáo phải thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng chống bệnh Bạch hầu.

Đề nghị UBND các quận, huyện phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh Bạch hầu ở cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các quận, huyện tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn đối với y tế cơ sở, các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống dịch Bạch hầu. Thực hiện quyết liệt các biện pháp điều tra, giám sát, phát hiện sớm (nhất là các trường hợp trở về từ những khu vực ghi nhận ca bệnh) để xử lý ca bệnh và ổ dịch. Hướng dẫn người tiếp xúc gần, người trong ổ dịch sử dụng kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh.

Tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, phương tiện, nội dung để người dân tiếp cận được thông tin, chủ động thực hiện, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng, không hoang mang, lo lắng; đồng thời tuyên truyền về hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch hầu để người dân tích cực tham gia tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là những khu vực, xã, phường có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.

Với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Bạch hầu. Rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh Bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong.

Bảo đảm công tác phòng lây nhiễm chéo cho người bệnh và nhân viên y tế trong cơ sở khám, chữa bệnh. Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ nghĩ tới Bạch hầu phải ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị. Tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết. Hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng.

Triển khai cho người tiếp xúc với nguồn bệnh uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn…

Dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân mắc bệnh Bạch hầu.

Được biết, Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn Bạch hầu gây ra. Sức đề kháng của vi khuẩn Bạch hầu ở ngoài cơ thể rất cao, chịu được khô lạnh, đặc biệt khi được chất nhày bảo vệ.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Kháng thể của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi; miễn dịch có được sau mắc bệnh thường bền vững. Sau tiêm vắc xin liều cơ bản miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm nhắc lại.

Về phương thức lây truyền và triệu chứng, bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn Bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn Bạch hầu. Khi nhiễm, bệnh nhân có triệu chứng viêm họng, mũi, thanh quản; họng đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.

Đinh Nga