Đà Nẵng thông qua chủ trương đầu tư 7 dự án quan trọng
Cụ thể: Dự án Khu lưu trữ hiện hành Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng hơn 328 tỷ đồng; Dự án cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên 4 tuyến đường nội thị (Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu và Ông Ích Khiêm) gần 382 tỷ đồng; tuyến đường 10,5m đoạn từ đường Hồ Nghinh đến đường Trần Bạch Đằng hơn 115 tỷ đồng; Trường Tiểu học Phù Đổng (cơ sở 1) hơn 108 tỷ đồng; Xây mới khối lớp học Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu gần 63 tỷ đồng; Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường có mặt cắt lòng đường từ 3,5m-4,0m thành 5,5m trên địa bàn quận Sơn Trà (giai đoạn 2) hơn 103 tỷ đồng; Dự án đậy kín tuyến kênh hở dài khoảng 500m tại khu vực đường Hồng Thái – Tân Trào (quận Liên Chiểu) hơn 105 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, các dự án trên đều cần thiết đầu tư để giải quyết các yêu cầu phát triển đô thị, kinh tế, xã hội đang đặt ra với TP. Trong đó, việc đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước, hạ ngầm cáp viễn thông, điện chiếu sáng trên 4 tuyến phố trung tâm nhằm góp phần tăng tính thẩm mỹ, đáp ứng với yêu cầu phát triển du lịch, kinh tế, phục vụ dân sinh, thúc đẩy đời sống nhân dân. Hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường này đầu tư đã lâu nên xuống cấp hư hỏng, giảm chất lượng phục vụ người dân, du khách, mất mỹ quan cần cấp bách cải tạo, nâng cấp. Tương tự dự án mở rộng 41 tuyến đường mặt cắt từ 3,5m lên 5,5m tại Sơn Trà cũng được người dân rất quan tâm, mong đợi. Ông Trần Phước Sơn cho biết, việc mở rộng các tuyến đường có mặt cắt lòng đường 3,5m-3,75m thành 5,5m vừa qua trên địa bàn các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân trong việc từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu dân cư, cải thiện cảnh quan. Các tuyến đường sau cải tạo mở rộng vỉa hè thông thoáng, cây xanh đồng bộ, sắp xếp gọn gàng các đường dây điện, viễn thông, cơ bản đảm bảo lối đi dành cho người khuyết tật, đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông, phục vụ dân sinh trong việc đảm bảo công tác cứu nạn, cứu hộ khi có các sự cố cháy nổ xảy ra, góp phần thúc đẩy đời sống nhân dân và phát triển kinh tế. Vì vậy, dự án mở rộng các tuyến đường có mặt cắt từ 3,5m được đa số hộ dân đồng tình, phấn khởi. Trong giai đoạn 2, tổng cộng có 41 tuyến đường mặt cắt từ 3,5m ở Sơn Trà được mở rộng, tổng chiều dài gần 6,8 km, tổng vốn đầu tư hơn 103 tỷ đồng.
Một dự án hạ tầng đô thị khác được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp lần này cũng rất cấp bách, được người dân mong chờ là dự án Đậy kín tuyến kênh hở dài khoảng 500m tại khu vực đường Hồng Thái - Tân Trào (quận Liên Chiểu). Tuyến kênh này hiện đã được tách và thu gom nước thải về trạm xử lý nước thải Phú Lộc để xử lý. Tuy nhiên, dưới lòng kênh bị đọng nước và kết hợp với tình trạng người dân xả rác xuống kênh gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khu vực dân cư hai bên tuyến kênh hiện nay chưa có công viên cây xanh để người dân hoạt động thể thao và sinh hoạt ngoài trời. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 105 tỷ đồng sẽ giúp tăng khả năng thoát nước, giảm tần suất ngập lụt tại khu vực, giảm ô nhiễm môi trường, giảm mùi hôi bốc lên từ kênh vào mùa nắng nóng do hiện trạng là kênh hở, tạo không gian công viên công cộng (vườn dạo, cây xanh, sân tập thể dục, hồ nước cảnh quan… Đặc biệt, dự án sẽ khớp nối đồng bộ với tuyến cống hộp Yên Thế - Bắc Sơn đảm bảo cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại khu vực.
Bên cạnh thông qua chủ trương đầu tư các dự án quan trọng, tại kỳ họp này, HĐND TP Đà Nẵng cũng thông qua các nghị quyết về phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 và kéo dài thời gian giải ngân vốn năm 2023 sang 2024; chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách TP cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực an ninh - quốc phòng trên địa bàn; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu phụ trợ phục vụ dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Bá Tùng mở rộng (giai đoạn 3)...
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã trình bày tờ trình về việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu phụ trợ phục vụ dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng để chuyển đổi, hình thành cụm công nghiệp Hòa Liên với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh hơn 235 tỷ đồng (không thay đổi). Bà Phan Thị Tuyết Nhung- Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách cho biết, dự án Khu phụ trợ phục vụ dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng được phê duyệt quy hoạch và đầu tư từ năm 2016 với mục tiêu đưa các doanh nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực công nghệ cao vào hoạt động để phục vụ sản xuất công nghệ cao. Tuy nhiên, Khu phụ trợ chưa được Nhà nước quy định theo loại hình cụ thể nên khó khăn trong việc giao quản lý dự án sau đầu tư cũng như các chính sách hỗ trợ thu hút nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự án được đầu tư từ lâu nhưng chưa đưa vào khai thác là một hạn chế lớn. Vì vậy, TP quyết định chuyển sang loại hình Cụm công nghiệp để sớm đưa đất vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí là cần thiết.
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, Kỳ họp thứ 7 đã thống nhất thông qua 22 nghị quyết trên các lĩnh vực, trong đó có các nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội, nhất là việc tiếp tục phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 và quyết định chủ trương đầu tư các dự án cấp thiết, tạo động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. HĐND TP đề nghị ngay sau kỳ họp, UBND TP chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và hiệu quả nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp.
HẢI QUỲNH