Đà Nẵng thông tin vụ “nhóm trẻ Mẹ Mười” và học viên nguồn nhân lực chất lượng cao nhảy việc
Chiều 25-5, lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT và UBND Q. Thanh Khê chủ trì cuộc họp với đại diện các cơ quan báo chí để cung cấp những thông tin mới nhất về tiến độ xử lý đối với vụ bạo hành tại nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười và tình trạng học viên Đề án nguồn nhân lực chất lượng cao nhảy việc.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh – giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng thừa nhận việc quản lý nhóm trẻ độc lập rất yếu. |
Giám sát nhóm trẻ độc lập rất yếu
Liên quan đến hành vi đánh đập trẻ em của bà Đinh Thị Hồng – Chủ nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười tại P. Chính Gián, ông Nguyễn Thanh Xuân – Phó Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê cho biết, ngay sau khi nhận thông tin về vụ việc, quận đã chỉ đạo UBND P. Chính Gián, lực lượng công an nhanh chóng vào cuộc, làm hết trách nhiệm của mình theo quy định. Hiện UBND phường đã rút giấy phép, dừng hoạt động nhóm trẻ này. Cơ quan công an sau khi xác minh đã tiến hành khởi tố vụ án. Phòng Nội vụ quận cũng đã tiến hành xử lý các cá nhân, đơn vị liên quan.
“Nói thật là chúng tôi kiểm tra thường xuyên đối với 173 nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn, chứ không phải đến lúc xảy ra sự việc mới tiến hành. Thậm chí có cơ sở còn thắc mắc tại sao kiểm tra nhiều thế. Nhưng giờ vụ việc đã xảy ra. Rất đáng tiếc”, ông Xuân bày tỏ.
Khi được hỏi vì sao trong clip các cháu nhỏ bị đánh đập như vậy nhưng văn bản báo cáo sự việc của ngành GD-ĐT lại khẳng định các cháu không tổn hại về thể chất và tinh thần, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng thừa nhận có thiếu sót trong câu chữ gây hiểu nhầm cho người đọc. Ông Vĩnh cho biết, video clip bà Hồng đánh các em nhỏ đã được quay hơn một tháng trước đây nhưng đến ngày 21-5 mới được lan truyền trên mạng xã hội. Ngay khi video clip được đăng tải thì cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Thời điểm kiểm tra thì tinh thần, sức khỏe các cháu không có biểu hiện gì bất thường. “Đúng ra chúng tôi phải viết rõ là vào thời điểm kiểm tra, các cháu không có tổn hại gì về thể xác và tinh thần. Chúng tôi đã hết sức trách nhiệm, không phải vội vàng trong việc đưa ra kết luận. Thẳng thắn là chúng tôi không chối bỏ, nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình, chỉ là thiếu sót về câu chữ”, ông Vĩnh nói.
Ông Vĩnh cũng đánh giá vụ việc xảy ra tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười là nghiêm trọng, vi phạm về an toàn tính mạng trẻ, vi phạm pháp luật. Ngay sau khi xảy ra vụ việc đã yêu cầu Phòng GD-ĐT Q. Thanh Khê có các biện pháp hỗ trợ về tâm lý, tiến hành kiểm tra sức khỏe và cử người động viên kịp thời các trẻ liên quan, căn cứ nguyện vọng của gia đình để chuyển trẻ đến các điểm trường thuận lợi nhất.
Ông Vĩnh cho biết thêm, toàn thành phố hiện có 210 trường mầm non, 1.033 nhóm trẻ độc lập tư thục. Các trường mầm non công lập, tư thục thì tạm yên tâm nhưng nhóm trẻ độc lập thì tiêu chuẩn chung còn thấp, nhiều nhóm không đạt quy chuẩn về cơ sở giáo dục. “Trong năm 2017, chưa nói đến cấp quận huyện, riêng thanh tra Sở đã thực hiện 17 cuộc thanh tra tại 58 đơn vị trường học. Nhiều chứ không phải là ít! Nếu như chúng ta làm tốt công tác giám sát, nhận được thông tin từ quần chúng nhân dân về các biểu hiện ban đầu để kiểm tra, xử lý thì sẽ thuận lợi hơn nhiều. Phải thừa nhận là quy trình giám sát của chúng ta đang rất yếu. Rất lo cho các nhóm trẻ. Vụ việc xảy ra vừa qua thực sự rất đau lòng”, ông Vĩnh nói.
Ngoài việc yêu cầu trong thời gian tới tất cả nhóm trẻ độc lập muốn hoạt động phải có camera giám sát, ngành Giáo dục cũng đã đề nghị thành phố bố trí quỹ đất để xây dựng thêm các trường mầm non công lập và tư thục.
Giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao
Trước những thắc mắc về con số cụ thể và nguyên nhân một số học viên Đề án nguồn nhân lực chất lượng cao nhảy việc, một số khác chưa được bố trí việc làm phù hợp, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, tính đến ngày 24-5-2018, thành phố đã cử 616 người đi học theo Đề án 922. Đến thời điểm hiện tại đã có 460 học viên được bố trí công tác, một số học viên được tiếp tục cử đi học ở bậc cao hơn, một số đã thanh lý hợp đồng sau khi đã hoàn thành thời gian cam kết làm việc cho thành phố. Theo đánh giá, đa phần học viên Đề án có tính gắn bó, cam kết làm việc lâu dài và có khả năng tiếp cận công việc nhanh, hiệu quả công việc tốt do được đào tạo bài bản, năng động, có tư duy đổi mới, ý tưởng sáng tạo. Qua thực tế công tác đã có 207 người được tuyển dụng công chức, viên chức, 88 người được kết nạp vào Đảng, 60 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý.
Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, đã có 93 học viên xin và được thành phố đồng ý cho rút khỏi Đề án, trong đó 40 người xin rút khi đang công tác với các lý do như đoàn tụ gia đình, muốn theo học ở bậc cao hơn, muốn thay đổi công việc hoặc vì các lý do cá nhân khác. Bên cạnh đó có 47 học viên bị buộc ra khỏi đề án vì không đạt kết quả theo yêu cầu, vi phạm các quy định trong hợp đồng cử đi đào tạo, bị cơ quan sử dụng lao động sa thải hoặc buộc thôi việc. Ông Chiến cho rằng, việc chuyển dịch nhân lực từ khu vực công qua khu vực tư hoặc ngược lại là chuyện bình thường. Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng này, thậm chí có cả những người không thuộc đề án. Nếu họ có tiềm năng, có năng lực, có đạo đức mà ra khỏi đề án thì cực kỳ đáng tiếc. Để giữ chân các anh chị em học viên nói riêng và cả cán bộ có năng lực thì Thành ủy có chủ trương cụ thể trong đánh giá và đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp”, ông Chiến nói.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, thực tế triển khai các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Thành phố cũng đã có những chủ trương, chính sách mới phù hợp với tình hình để phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua. Mới đây nhất, HĐND TP ban hành Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công. Đây là lần đầu tiên các hoạt động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công được quy định trong một văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận cũng như bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả của việc thực hiện các chính sách này.
“Điểm quan trọng là ưu tiên việc nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCCVC và người lao động hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố thông qua bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao trong và ngoài nước và đào tạo sau đại học tại nước ngoài. Khi có nhu cầu bổ sung nhân lực chất lượng cao, việc bổ sung được thực hiện trên cơ sở số lượng người làm việc được giao, yêu cầu vị trí việc làm cụ thể và được tiến hành theo thứ tự ưu tiên là thu hút nhân lực đến làm việc tại thành phố, tuyển chọn người đang học năm cuối đại học hoặc sau đại học để tiếp tục đào tạo, cử người đi đào tạo bậc đại học”, ông Đồng cho hay.
Để tránh tình trạng dôi dư, người đi học về không được bố trí việc làm, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, việc đào tạo sau đại học tại nước ngoài được quy định đối tượng tham gia chặt chẽ hơn và chỉ dành cho CBCCVC nằm trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia của cơ quan, đơn vị. “Trước đây chúng ta tập trung vào mảng đào tạo nhưng thời điểm hiện tại phải tinh giản biên chế, nên thành phố rất chọn lựa kỹ càng chọn đi học. Thành phố sẽ tập trung bồi dưỡng cho các học viên đi học cao hơn, tổ chức các khóa bồi dưỡng theo yêu cầu công tác của thành phố và nhu cầu của mỗi học viên; mời các chuyên gia mở các khóa đào tạo tại chỗ cho chính các học viên nâng cao năng lực, chất lượng hơn; không tăng số lượng người mà tập trung bồi dưỡng thêm cho những người đã được đi đào tạo”, ông Đồng nhấn mạnh
CÔNG KHANH