Báo Công An Đà Nẵng

Đà nẵng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số tạo động lực phát triển về kinh tế số

Thứ bảy, 19/09/2020 14:32

Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số (DNCNS), tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế số trong bối cảnh cách mạng 4.0. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Thạch- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng để hiểu rõ hơn về khung chính sách quan trọng này.

Ông Trần Ngọc Thạch.

P.V: Xin ông cho biết điểm nổi bật của kế hoạch thúc đẩy phát triển DNCNS trên địa bàn mà TP mới ban hành?

Ông Trần Ngọc Thạch: Kế hoạch có 3 điểm chính. Thứ nhất, kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ toàn diện để thực hiện phát triển DNCNS Đà Nẵng với 6 nhóm, từ phát triển hạ tầng công nghiệp số đến phát triển nhân lực, sản phẩm công nghệ số…Thứ hai, kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cần triển khai thực hiện đã có từ các chủ trương lớn của TP nên bảo đảm triển khai khả thi. Cuối cùng, kế hoạch xác định, “doanh nghiệp công nghệ số Đà Nẵng tham gia phục vụ phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số tại Đà Nẵng và quốc gia”. Như vậy Đà Nẵng xác định được vai trò của DNCNS tại địa phương cũng như bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của DN.

P.V: Xin ông cho biết thực trạng phát triển DNCNS thời gian qua của Đà Nẵng?

Ông Trần Ngọc Thạch: Số lượng doanh nghiệp CNTT-TT của Đà Nẵng đã tăng từ 400 vào năm 2014 lên 1720 vào năm 2019, tốc độ trung bình 35%/năm. Đặc biệt đến tháng 9-2020, theo đánh giá quý III-2020 của Bộ TT&TT, số lượng doanh nghiệp CNTT-TT/1.000 dân tại Đà Nẵng là 2,1 DN/1.000 dân, cao thứ 2 toàn quốc (sau TP Hồ Chí Minh), chiếm gần 5% tổng DNCNS toàn quốc.

Trong số này có một số DN lớn như Cty Foster, Cty Mabuchi Motor, Cty Việt Hoa (về điện tử); FPT Software, Axon Active, Logigear, Magrabbit, Global Cybersoft, Enclave, AsNet, Asian Tech, NeoLab, Nippon Seiki (về phần mềm). Bên cạnh số lượng, Đà Nẵng cũng đã hình thành sản phẩm CNTT chủ lực ứng dụng công nghệ 4.0, Make in Da Nang như: Trạm đo mưa tự động (đã triển khai trên 1.100 trạm, tại gần 50 tỉnh thành trên toàn quốc), Hệ thống quan trắc môi trường tự động (nước, không khí), Hệ thống giao thông thông minh, Cổng dữ liệu mở (đạt giải thưởng chuyển đổi số năm 2020 của Bộ TT&TT)… Một số sản phẩm nền tảng (Platform) như: Cho và Nhận, Nền tảng quan trắc môi trường, XAGOe – Đấu Trường tri thức, Kho dữ liệu và hệ thống báo cáo thông minh…

Doanh thu toàn ngành TT&TT năm 2019 của Đà Nẵng đạt 30.050 tỷ đồng, trong đó doanh thu công nghiệp CNTT đạt 19.570 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân 16,5%/năm (giai đoạn 2014-2019). Kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 89 triệu USD, tăng 14,3% so với năm 2018. Tính đến cuối năm 2019, ngành công nghiệp CNTT-TT đóng góp 7,7% GRDP toàn thành phố. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm (VA) của ngành công nghiệp CNTT-TT trong giai đoạn 2015-2019 là 9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDRP thành phố 7,3%/năm. Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2020 ảnh hưởng Covid-19, CNTT-TT vẫn tăng trưởng 4,69%.

Khu CNTT tập trung Đà Nẵng giai đoạn 1 tổng diện tích 131ha đã hoàn thiện hạ tầng đang thu hút nhà đầu tư.

P.V: Ngoài khung chính sách thì 2 vấn đề quan trọng nhất để phát triển DNCNS là nhân lực và hạ tầng, Đà Nẵng có sự chuẩn bị thế nào thưa ông?

Ông Trần Ngọc Thạch: Trong hoạt động, DNCNS thường có 3 nhu cầu chính như sau: mặt bằng làm việc, nhân lực CNTT và một số chính sách hỗ trợ, kích cầu ban đầu. Nắm bắt được nhu cầu này, Đà Nẵng đã có các hành động thiết thực để phát triển khối DNCNS. Cụ thể, về mặt bằng làm việc, ngoài Khu Công viên phần mềm số 1 đang khai thác hiệu quả (đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu CNTT tập trung), TP đang triển khai xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2 (dự kiến khởi công vào tháng 10-2020), đang làm việc với nhà đầu tư để mở rộng Công viên phần mềm số 1. Ngoài ra, Đà Nẵng có Khu CNTT tập trung (số 1) với diện tích 131 ha, và đang tìm kiếm, thu hút nhà đầu tư triển khai xây dựng Khu CNTT tập trung số 2 (tại xã Hòa Liên, H. Hòa Vang). Về nhân lực CNTT, TP hiện có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực CNTT-TT, trong đó 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề. Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành CNTT-TT trên địa bàn TP là 5.300 học sinh, sinh viên; Số lượng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNTT-TT hằng năm gần 4.000 sinh viên. Để thu hút đầu tư vào CNTT, phát triển CNTT-TT, Đà Nẵng đã ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, ngoài việc đào tạo tại chỗ còn có giải pháp thu hút các sinh viên, kỹ sư từ nơi khác đến TP làm việc. Về chính sách hỗ trợ, ngoài chính sách chung, Đà Nẵng còn có nghị quyết của HĐND TP hỗ trợ các DN CNTT được hưởng các ưu đãi về mặt bằng, hạ tầng, sở hữu trí tuệ, tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất vay thực hiện dự án…

P.V: Với nền tảng hạ tầng “phần cứng” và “phần mềm” hiện có, Đà Nẵng kỳ vọng gì vào sự phát triển của DNCNS thời gian tới cũng như đóng góp của kinh tế số đối với tăng trưởng kinh tế TP thưa ông?

Ông Trần Ngọc Thạch: Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16-4-2019 về phát triển hạ tầng CNTT-TT tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0; mục tiêu đến năm 2025 ngành công nghiệp CNTT-TT đóng góp 10% vào GRDP Đà Nẵng, đến năm 2030 là 15%. Đồng thời, theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng, công nghệ số hỗ trợ các ngành khác phát triển để đến năm 2025 kinh tế số đóng góp 20% GRDP.

Với nền tảng hiện có, dự kiến tới năm 2025 Đà Nẵng sẽ đạt 5 DN/1.000 dân (chỉ tiêu toàn quốc là 1 DN/1.000 dân); đồng thời theo dự báo, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp CNTT-TT giai đoạn 5 năm tới của Đà Nẵng trung bình khoảng 11-12%/năm, kịch bản tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng trung bình 9-10%/năm; . cộng với nhiều dư địa phát triển trong giai đoạn tới, thì mục tiêu tới năm 2025, ngành công nghiệp CNTT đóng góp 10% vào GRDP TP là khả thi.

P.V: Xin cảm ơn ông!

HẢI HẬU (thực hiện)