Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19
Còn nhiều khó khăn trong công tác tiêm chủng
Theo Sở Y tế, tính đến ngày 31-5-2022, Đà Nẵng đã nhận 2.580.536 liều vaccine phòng COVID-19; trong đó có 42.507 liều vaccine còn tồn đọng tại các đơn vị. Về kết quả tiêm vaccine phòng COVID-19, số người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 2 đạt 99,54%; tiêm liều bổ sung đạt 83,31%; liều nhắc lại đạt 72,44%. Trẻ từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 2 đạt 97,88%; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 mới đạt 29,62% với 25.934 trẻ đã tiêm (trong đó có 87.544 trẻ đủ điều kiện tiêm vaccine).
Cũng theo Sở Y tế, hiện nay, công tác tiêm chủng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đối tượng tiêm mũi nhắc lại mới đạt 72,44% (người trên 18 tuổi), do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Tâm lý chủ quan của một số người dân sau khi khỏi COVID-19 vì cho rằng đã đủ miễn dịch để phòng bệnh; dân số trên địa bàn TP có nhiều biến động, nhiều trường hợp đi làm việc ở các tỉnh, thành khác hoặc trường hợp ngoại tỉnh quay về TP làm việc sau khi tình hình dịch ổn định, gây khó khăn trong công tác thống kê đối tượng tiêm chủng. Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 chưa hỗ trợ tốt trong việc trích xuất số liệu báo cáo theo các biểu mẫu quy định của Bộ Y tế…
Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 còn thấp, mới đạt 29,62%. Nguyên nhân, theo Sở Y tế Đà Nẵng do tâm lý của phụ huynh còn e ngại khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ. Bên cạnh đó, từ tháng 1 đến tháng 3-2022, Đà Nẵng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ dưới 12 tuổi mắc COVID-19 (30.656 trẻ). Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, trẻ phục hồi sau 3-6 tháng mới đủ điều kiện tiêm chủng…
Lên kế hoạch tiêm chủng diện rộng
Để công tác tiêm chủng đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện cam kết, chịu trách nhiệm với lãnh đạo TP về thực hiện chỉ tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế; ký cam kết với Chủ tịch UBND các xã, phường về việc triển khai tiêm chủng và chịu trách nhiệm về kết quả tiêm chủng của địa phương; xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu tiêm chủng cụ thể, rõ ràng cho từng đối tượng, ở từng địa bàn và có biện pháp xử lý nếu không đạt được chỉ tiêu đề ra. UBND các quận, huyện có trách nhiệm khẩn trương chỉ đạo các trường thuộc thẩm quyền quản lý, UBND các xã, phường và huy động các lực lượng tại địa phương để rà soát, vận động, tuyên truyền người dân đi tiêm chủng với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người dân” nhằm đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại và tiêm chủng cho trẻ em. Rà soát kỹ các đối tượng, tránh bỏ sót, nhất là đối tượng người nước ngoài, người trên 18 tuổi hoặc các trẻ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng có hiệu quả số lượng vaccine phòng COVID-19 được cấp để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn đạt trên 90% mũi nhắc lại và các trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong quý II-2022. Đặc biệt, đối với các địa phương có tỷ lệ đồng ý tiêm chủng thấp và các địa phương chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 90% đối với mũi nhắc lại và các trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện thì cần có các giải pháp hiệu quả, triển khai quyết liệt hơn nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn. Đồng thời, cần thực hiện truyền thông liên tục các thông điệp tuyên truyền về tiêm chủng cho trẻ em trên các phuơng tiện thông tin tại địa phương và thực hiện lồng ghép trong các cuộc họp tuyên truyền, phổ biến cho người dân tại các cuộc họp tại địa phương. Khẩn trương rà soát, báo cáo số lượng đối tượng thuộc chỉ định tiêm chủng mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) theo quy định về Sở Y tế để lên kế hoạch tiêm chủng ngay vào đầu tháng 6-2022.
Theo đó, Sở Y tế có trách nhiệm xây dựng phương án bố trí các điểm tiêm chủng phù hợp, tạo điều kiện cho người dân và trẻ em đi tiêm chủng. Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tiếp tục rà soát và vận động đội ngũ cán bộ giáo viên, người lao động, người chăm sóc trẻ chưa tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đi tiêm chủng đầy đủ theo quy định. Song song đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương và Sở Y tế đẩy mạnh việc tuyên truyền về hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đến cán bộ, giáo viên, vận động phụ huynh, người giám hộ cho trẻ tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19. Đồng thời, chỉ đạo các trường đưa kết quả tiêm chủng cho trẻ, các nội dung tuyên truyền vào nội dung tổng kết năm học và thông báo đến các phụ huynh/người giám hộ về kết quả tiêm chủng, tính an toàn khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trong thời gian vừa qua.
Sở TT&TT có nhiệm vụ đăng tải, chia sẻ thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về đối tượng, thời gian, địa điểm tiêm chủng trong các đợt tiêm, các giấy tờ cần mang theo khi đi tiêm chủng để cho người dân nắm bắt thông tin và chủ động đi tiêm chủng tại các điểm tiêm trên địa bàn. Sở Du lịch tiến hành rà soát nhanh người lao động tại các cơ sở lưu trú, các công ty dịch vụ du lịch hiện đã đi vào hoạt động chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 và chuyển số lượng, danh sách về Sở Y tế trước ngày 6-6-2022 để tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng. Các các cơ sở bán trú, các công ty dịch vụ du lịch phải đảm bảo 90% người lao động được tiêm chủng đầy đủ mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) theo quy định và chịu trách nhiệm nếu dịch bệnh xảy ra tại đơn vị khi người lao động không đảm bảo tiêm chủng đầy đủ theo quy định. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp, công ty đảm bảo 90% người lao động được tiêm chủng mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) để bảo đảm phòng chống dịch và an toàn trong sản xuất…
Thành Danh