Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ thu gom, xử lý rác thải

Thứ hai, 30/05/2022 10:18
Với việc lựa chọn dịch vụ thông qua đấu thầu rộng rãi, việc thu gom rác sinh hoạt tại địa bàn Q. Liên Chiểu được cải thiện. Trong ảnh: Công nhân Cty Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh miền Trung thu gom rác trên đường Nguyễn Lương Bằng.

Môi trường trong khu dân cư thay đổi tích cực

Ngày 16-9-2019, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Văn bản 6244/UBND-ĐTĐT yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, BQL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị, UBND các quận, huyện phối hợp các đơn vị kiểm tra, chấn chỉnh việc thu gom, xử lý rác thải, xả nước thải trên địa bàn thành phố. Trong đó, đặc biệt chú trọng kiểm tra chấn chỉnh việc thu gom, xử lý rác thải, xả nước thải tại các khu vực công cộng, ven sông, các điểm tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, buôn bán hải sản...

Cùng với đó thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xã hội hóa các dịch vụ công ích vệ sinh môi trường nhằm nâng cao chất lượng, năng lực thu gom, xử lý rác thải tại địa bàn dân cư. Các đơn vị trúng thầu dịch vụ vệ sinh môi trường bổ sung đầy đủ nhân lực, vật lực, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn các quận, huyện. Trường hợp đơn vị trúng thầu dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện không đảm bảo yêu cầu, ngoài xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, UBND các quận, huyện phải có chế tài xử phạt vi phạm hợp đồng, thực hiện giảm trừ chi phí theo hợp đồng dịch vụ đã ký với đơn vị trúng thầu.

Với chủ trương chấm dứt thế độc quyền trước đây, mở rộng việc đấu thầu dịch vụ, công tác vệ sinh môi trường đô thị của Đà Nẵng đã có những cải thiện đáng kể, vừa giảm giá thành vừa nâng cao chất lượng thu gom, xử lý rác thải.

Trong thời gian qua, người dân sống tại các khu dân cư thuộc phường P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn vui mừng khi cảnh quan, môi trường trên địa bàn được cải thiện rõ rệt so với trước. Cũng hình thức thu gom rác theo giờ nhưng chiếc xe ba gác của công nhân vào tận kiệt hẻm, không còn cảnh rơi vãi rác trên đường đi, không còn việc để thùng, giỏ la liệt giữa đường, bên vỉa hè sau khi đổ rác vào xe như trước đây. “Công nhân họ thu gom với thái độ nhã nhặn, đặc biệt là đúng giờ, không để rơi vãi khi vận chuyển. Trước đây có khi nghe tiếng kẻng đưa rác ra thì xe đã đi đâu mất, nay công nhân làm rất chỉn chu. Không phải là có mới nới cũ nhưng rõ ràng có sự thay đổi rất lớn, bộ mặt phố phường sạch sẽ, tinh tươm hơn”, bà Lê Thị Liên (trú tổ dân phố 27, P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn) cho hay.

Bà Huỳnh Thị Tiển - Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư Khái Tây 2B, P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn cho biết, khu dân cư đông dân, có nhiều kiệt hẻm nhỏ chạy chằng chịt, trước đây việc thu gom rác sinh hoạt hàng ngày gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày, các hộ dân phải phải mang rác thải sinh hoạt đến nơi tập kết để công nhân và xe đến thu gom. Có thời điểm quá tải, các đống rác tự phát nằm la mọc lên trong khu dân cư gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. “Từ ngày thay đổi đơn vị thu gom thì mọi thứ được cải thiện. Phương tiện tốt hơn, công nhân họ cũng trách nhiệm hơn nên khu dân cư có bộ mặt mới”, bà Tiển cho hay. Được biết, từ đầu năm 2022, Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh Miền Trung bắt đầu triển khai hoạt động thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và vận chuyển chất thải sinh hoạt trên địa bàn P. Hòa Quý theo kế hoạch đã ký kết. Theo yêu cầu của chính quyền, đơn vị trúng thầu dịch vụ phải xây dựng phương án thu gom, vận chuyển rác thải và quét đường phố hằng ngày bằng xe cơ giới. Cụ thể, riêng tại phường này, đơn vị trang bị 2 xe cuốn ép, 1 xe quét hút tần suất mỗi xe 2 lộ trình/ngày và 15 công nhân môi trường thực hiện công việc để thu gom trung bình mỗi tháng 400 tấn rác sinh hoạt.


Với việc cơ giới hóa, hoạt động thu gom rác thải vừa giảm sức người vừa tăng chất lượng. Trong ảnh: Công nhân thu gom rác tại địa bàn Q. Liên Chiểu.

Tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng

Quận Liên Chiểu là địa phương vừa chọn được đơn vị mới trúng thầu thực hiện dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt kể từ tháng 5-2022. Ông Lê Thế Nhân – Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dân số ở nhiều địa phương trên địa bàn quận đã tăng mạnh, mật độ dân cư đông đúc do có nhiều khu công nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh. Kéo theo đó, áp lực về xử lý nước thải, rác thải, bảo vệ môi trường là rất lớn. Thực hiện chủ trương của thành phố, thời gian qua, các địa phương đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong người dân và doanh nghiệp thu gom rác thải nhằm mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, thông qua công tác đấu thầu, địa phương đã chọn được đơn vị mới đảm bảo được các yêu cầu về kinh phí và đặc biệt là chất lượng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trong khu dân cư, trên đường phố. “Với việc phát sinh khoảng 200 tấn rác/ngày, trong thời gian qua việc thu gom, xử lý của đơn vị cũ có những thời điểm không đáp ứng được về giờ giấc, chất lượng, gây bức xúc trong nhân dân. Với việc chọn nhà thầu mới, chính quyền yêu cầu đơn vị trúng thầu là Urenco miền Trung phải đảm bảo các điều kiện về nhân lực, phương tiện, giá cả, giờ giấc, chấm dứt tình trạng rác lưu cữu trong dân, gây nguy cơ ô nhiễm. Những ngày qua đơn vị này đã thực hiện tốt, được người dân phản hồi tích cực”, ông Nhân cho biết.

Ông Đặng Quang Vinh – Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, định kỳ hàng năm UBND các quận, huyện đã xây dựng và triển khai phương án thu gom, vận chuyển chất thải rắn và vệ sinh môi trường phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đã thực hiện ở các lĩnh vực quét, gom rác trên hè, đường phố; duy trì vệ sinh đường phố; duy trì vệ sinh dải phân cách; vớt rác trên sông bằng ghe, tàu; tưới nước rửa đường; thu gom, phân loại, vận chuyển chất thải rắn từ hộ gia đình đến địa điểm xử lý. Năm 2019, các quận, huyện đã thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và hoàn thành việc ký kết Hợp đồng dịch vụ công ích vệ sinh môi trường để triển khai thực hiện công việc trong giai đoạn 2019-2021. Trong đó, Cty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng trúng thầu 5/7 khu vực.

Riêng các quận Thanh Khê và Cẩm Lệ, đơn vị trúng thầu là liên doanh Cty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng và Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. Sau khi kết thúc gói thầu giai đoạn 2019-2021, các quận, huyện tiếp tục thực hiện đấu thầu gói thầu dịch vụ thu gom, phân loại, vận chuyển chất thải rắn và vệ sinh công cộng cho giai đoạn 2022-2024. Theo kết quả đấu thầu, hiện nay, Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội trúng thầu khu vực quận Liên Chiểu và Cty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng trúng thầu khu vực quận Cẩm Lệ. Đối với các quận huyện còn lại đang trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà thầu. “Thông qua đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn và vệ sinh công cộng đã tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp. Phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn và vệ sinh công cộng được cơ giới hóa góp phần giải phóng sức lao động, đảm bảo mỹ quan độ thị và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với chủ trương xã hội hóa, tạo tính cạnh tranh giữa các đơn vị thực hiện dịch vụ, tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố được cải thiện theo hướng tích cực”, ông Vinh cho hay.

* Theo công bố, hiện tại có 6 quận, huyện của TP Đà Nẵng đang lựa chọn nhà thầu dự án dịch vụ vệ sinh công cộng giai đoạn 2022 – 2024 với giá dự toán tại mỗi địa phương có sự khác nhau tùy theo thực tế. Trong đó có 3 đơn vị đã mở thầu. Có giá dự toán lớn nhất là gói thầu tại quận Hải Châu (hơn 92 tỷ đồng), trong khi đó giá dự toán thấp nhất ghi nhận đến thời điểm hiện tại là gói thầu tại huyện Hòa Vang (hơn 10 tỷ đồng). Theo quy định của UBND thành phố Đà Nẵng, Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện được giao phụ trách mời thầu các dự án này.

CÔNG KHANH