Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện các công trình văn hóa
(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, với việc mạnh tay đầu tư cho văn hóa, Đà Nẵng đã có thêm nhiều thiết chế văn hóa ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Sau một thời gian tạm dừng, những ngày này Bảo tàng Mỹ thuật TP Đà Nẵng đã thi công trở lại, nhằm sớm đưa công trình vào hoạt động. Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ- Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị thi công đã tích cực hoàn thành phần nội thất trưng bày và đến cuối tháng 10 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động. “Với tiến độ như hiện nay, chúng tôi kỳ vọng đến cuối năm 2016, Bảo tàng sẽ mở cửa đón công chúng. Hiện này, thông qua các hình thức chuyển nhượng với giá hữu nghị và hiến tặng của các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà sưu tập trong khu vực, đến nay Bảo tàng Mỹ thuật đã lưu giữ hơn 529 hiện vật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật bao gồm nhiều chất liệu. Vì vậy, việc sớm đưa bảo tàng vào hoạt động sẽ giúp bảo quản và trưng bày những sản phẩm này tốt hơn”- ông Kỳ nói.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng kiểm tra tiến độ thi công Nhà trưng bày Hoàng Sa. |
Không riêng gì Bảo tàng Mỹ thuật, năm 2016, Đà Nẵng cũng đầu tư, nâng cấp một số công trình khác như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Trung tâm Văn hóa Thể thao Q. Hải Châu, Trung tâm Văn hóa Thể thao Q. Liên Chiểu, trùng tu, tôn tạo Khu di tích K20 giai đoạn 2 hay Nhà trưng bày Hoàng Sa... Những công trình này đã mang đến một diện mạo, sức bật mới cho thiết chế văn hóa và phục vụ của Đà Nẵng. Ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết, khi việc trùng tu, tôn tạo Khu di tích K20 giai đoạn 1 được hoàn thành và bước đầu đã thu hút được nhiều khách tham quan. Trong 3 tháng hoạt động, Khu di tích K20 đón hơn 600 lượt khách. Theo ông Lê Quang Tươi, Giám đốc Ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn thì Khu di tích K20 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, vì thế, chủ trương trùng tu, tôn tạo rất kịp thời, không chỉ phát huy giá trị lịch sử mà tạo nên sản phẩm mới góp phần định hình thêm tour, tuyến cho du lịch Đà Nẵng. Và một khi giai đoạn 2 của việc trùng tu, tôn tạo Khu di tích K20 hoàn thành thì chắc chắn địa chỉ này sẽ có sức hút đối với du khách. Với tổng vốn đầu tư hơn 36 tỷ đồng, giai đoạn 1 của công trình trùng tu, tôn tạo Khu di tích K20 đã hoàn thiện hạng mục trùng tu, tôn tạo các di tích nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh, nhà ông Huỳnh Trưng, nhà truyền thống K20... Giai đoạn 2 với kinh phí hơn 17 tỷ đồng gồm các hạng mục hệ thống điện, đường, cống thoát nước.
Không dừng ở những công trình trên, theo dự kiến giai đoạn 2016 – 2020, Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng một số công trình văn hóa có giá trị lịch sử. Theo đó, UBND TP đã phê duyệt kinh phí gần 17 tỷ đồng để xây dựng 2 tượng đài chiến tích. Cụ thể, công xây dựng Tượng đài chiến tích Gò Hà (tại xã Hòa Khương, H. Hòa Vang) có kinh phí dự toán được duyệt chi khoảng 10 tỷ đồng; Tượng đài chiến tích Hải Vân (P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu) có kinh phí dự toán được duyệt chi là 6,6 tỷ đồng. Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, hiện nay Sở đã tổ chức thi phác thảo Tượng đài chiến tích Gò Hà và thành lập hội đồng chấm phác thảo, hoàn thành lựa chọn phác thảo trong năm 2016, năm 2018 đăng ký vốn triển khai công trình; đối với Tượng đài chiến tích Hải Vân, dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị năm 2016 và đăng ký vốn triển khai đầu tư đầu năm 2017.
Giai đoạn 2016-2020, ngoài các công trình văn hóa trọng điểm, Sở Văn hóa – Thể thao sẽ phối hợp với các quận, huyện xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở dựa trên Quy hoạch tổng thể mạng lưới thiết chế văn hóa được phê duyệt, đảm bảo đến năm 2020, Đà Nẵng có 80% xã, phường có trung tâm văn hóa – thể thao và 20% xã, phường còn lại có thiết chế trung tâm văn hóa. Việc Đà Nẵng chú trọng đầu tư nhiều công trình văn hóa là tin vui đối với bộ mặt ngành văn hóa thành phố, tuy nhiên vẫn còn nhiều công trình văn hóa khác bức thiết cần phải được đầu tư xây dựng. Theo ông Huỳnh Hùng- Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao, bức thiết hiện nay của ngành là phải có trung tâm văn hóa, nếu không có thì không thể phát triển hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng. Vì thế, lãnh đạo thành phố ưu tiên đầu tư trung tâm văn hóa thành phố trong thời gian sớm nhất, tiếp đến là cơ sở làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập khác của ngành.
Dẫu chưa được toàn vẹn, nhưng với những công trình văn hóa đã và đang được triển khai thực hiện, Đà Nẵng đang dần hoàn thiện những thiết chế văn hóa cần thiết để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và phát triển văn hóa của riêng mình.
H. Anh