Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng tìm giải pháp ươm tạo doanh nghiệp

Thứ bảy, 20/06/2015 10:02

(Cadn.com.vn) - Đó là nội dung được bàn luận tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển vườn ươm khởi sự doanh nghiệp (DN) tại Đà Nẵng” diễn ra ngày 19-6 do UBND TP tổ chức. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ trong nước và quốc tế, Hiệp hội các DN và DN trên địa bàn TP. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Võ Duy Khương chủ trì Hội thảo.

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Võ Duy Khương nhấn mạnh, cộng đồng DN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhằm thúc đẩy tinh thần kinh doanh cũng như nâng cao hiệu quả các chính sách và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nằm trong Đề án “Phát triển DN thành phố Đà Nẵng đến năm 2020”.

Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên; tạo nền tảng để xây dựng thành phố sớm trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó, DN được định hướng phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng bền vững, nâng cao hỗ trợ năng lực cạnh tranh cho DN; ươm tạo các DN mới trong các lĩnh vực có sản phẩm xuất khẩu và có giá trị gia tăng cao; đồng thời phát triển hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong tìm mô hình phát triển vườn ươm DN, TS Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng có đến 98% DN nhỏ và vừa, trong đó có trên 70% DN siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trước những biến động kinh tế và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Đà Nẵng chưa có các sản phẩm chủ lực mang tầm quốc gia đem lại hiệu quả cao cho thành phố. Do đó, TS Thái gợi ý, vườn ươm DN sẽ là nơi ươm mầm và hỗ trợ các DN có ý tưởng kinh doanh tốt có thể tồn tại và phát triển bền vững thành DN có quy mô lớn, sản xuất ra những sản phẩm chủ lực cho TP trong tương lai.

Theo TS Thái trước mắt xây dựng vườn ươm tạo các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao theo hình thức Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để tìm kiếm và phát hiện những ý tưởng kinh doanh khả thi; hỗ trợ toàn bộ quá trình phát triển ý tưởng kinh doanh sáng tạo khả thi đến hình thành DN; hỗ trợ ươm tạo các DN thông qua việc cung cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho đến khi tốt nghiệp; liên kết các trường Đại học, các cơ sở nghiên cứu, các DN để phát triển các sản phẩm này từ ý tưởng ban đầu...

Cũng theo TS Thái, cuối năm 2015 sẽ ra mắt Trung tâm ươm tạo DN Công nghệ cao Đà Nẵng, năm 2016 tuyển ý tưởng kinh doanh, tuyển DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vào ươm tạo, năm 2017 – 2018 tiến hành xã hội hóa Trung tâm ươm tạo DN và có ít nhất 1 DN tốt nghiệp vườn ươm với kinh phí đầu tư khoảng 10,9 tỷ đồng... Trước mục tiêu này, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ (Bộ KH &CN) cho hay, không ai khẳng định sau bao năm Đà Nẵng có bao nhiêu DN đi ra từ vườn ươm này, vì đây là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm đòi hỏi sự quan tâm của chính quyền TP cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Theo ông Đích, hiện nay có khoảng 10 vườn ươm chính thức đang hoạt động, phần lớn hoạt động phi lợi nhuận, vốn từ nguồn ngân sách. Trong chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2015 có 3.000 DN và đến 2020 có 5.000 DN khoa học công nghệ. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 132 DN khoa học công nghệ đang hoạt động.

Các chuyên gia trình bày tại hội thảo.

Mô hình nào?

 Ông Đích cũng đề cập đến 2 khó khăn chính hiện nay của vườn ươm DN đó là tài chính và mô hình hoạt động. Do đó, Đà Nẵng cần có nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập DN, tuyên dương công trạng, ưu đãi về đất đai để khuyến khích đầu tư xã hội hóa cho công tác ươm tạo DN công nghệ...

Theo GS Kim Donyun, Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) vườn ươm DN công nghệ là bệ phóng để hình thành những DN công nghệ cao, ươm tạo DN là giải pháp quan trọng đối với sự phát triển của DN, đặc biệt là các nước chậm và đang phát triển. GS Kim đề nghị Trung tâm ươm tạo phải có hạ tầng thông minh, lồng ghép được với hạ tầng truyền thống; là nơi DN, doanh nhân giao lưu học hỏi nhau; được điều hành theo hình thực hợp tác công – tư; kết nối với các hệ thống giáo dục đào tạo của TP, tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, hợp tác công  - tư... GS Kim cũng cam kết Đại học Sungkyunkwan tiếp tục hợp tác với Đà Nẵng để tạo nên thành công vườn ươm này...

Ông Jean Pierre Tô, Phó Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN công nghiệp – Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, thu hút đầu vào vườn ươm, khuyến khích phát hiện, tuyển chọn, ươm tạo và nuôi dưỡng là 4 tiêu chí cần phải đặt lên hàng đầu. Tùy theo năng lực tài chính để chọn mô hình nếu ít tiền liên kết với các cộng tác viên, nếu nhiều tiền thuê các chuyên gia về nghiên cứu.

Theo ông Tô, mục tiêu ngắn hạn là khuyến khích các DN đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và đổi mới công nghệ - tín dụng nghiên cứu khoa học do thành phố tài trợ được trừ trực tiếp trên số tiền thuế thu nhập DN và mục tiêu dài hạn là phổ cập hóa khởi nghiệp ở bậc phổ thông và đại học nhằm tạo đầu vào cho vườn ươm trong tương lai. “Mô hình có thể gặp trong khi làm nhưng Đà Nẵng cứ lo đi tìm mô hình thì không bao giờ gặp”, ông Tô nói.

Việc chọn tạo DN để ươm tạo không phải là vấn đề một sớm một chiều, không nên ảo tưởng rằng tất cả những DN sau khi ươm tạo đều được tốt nghiệp và mang lại hiệu quả ngay tức thì, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, khó thu hút được nguồn đầu tư vì rủi ro cao, bấp bênh. Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Vườn ươm DN Công nghệ cao TP HCM chia sẻ sau 8 năm tuyển chọn được 28 DN ươm tạo, kết quả có 3 dự án tốt nghiệp, hàng năm ngân sách cấp 1,5 – 2 tỷ đồng cho hoạt động ươm tạo, chủ yếu đăng ký sở hữu trí tuệ, hỗ trợ làm các sản phẩm mẫu, sự kiện đối thoại công nghệ, kết nối công nghệ. Ông Long nhấn mạnh không phải số lượng DN ươm tạo càng nhiều thì hiệu quả càng cao, thậm chí nếu như 20 DN mà có được 1-2 DN tốt nghiệp thì có thể xem như thành công rồi.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng đề nghị thành phố nên mở rộng vườn ươm DN đối với lĩnh vực mà Đà Nẵng có lợi thế cũng như định hướng phát triển là dịch vụ du lịch.

Xuân Đương